Kinh tế

Về vùng trồng na lớn nhất Chí Linh

PV 24/08/2024 15:46

Những vườn na bạt ngàn trên sườn đồi không chỉ phủ xanh đất trống mà còn mang đến nguồn lợi kinh tế ổn định cho người dân Chí Linh.

Về vùng trồng na

Hơn 20 năm bén rễ trên vùng đất đồi Chí Linh, cây na đã và đang cho người dân nơi đây những mùa trái ngọt. Những vườn na bạt ngàn trên sườn đồi không chỉ phủ xanh đất trống mà còn mang đến nguồn lợi kinh tế ổn định cho người dân nơi đây. Na Chí Linh đang dần hình thành thương hiệu và trở thành sản phẩm OCOP.

7.jpg

Những năm cuối thập kỷ 90 đầu năm 2000, đa số các hộ có vườn đồi ở Chí Linh đều trồng vải. Nhưng so về giá cả, mẫu mã thì vải Chí Linh khó có thể sánh được với vải Thanh Hà hay Bắc Giang. Khoảng năm 2003, nhiều người mang cây na – loại cây khá hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đồi núi về trồng thử.

Ngày mới trồng na, hầu hết nông dân chỉ chăm bón đơn thuần như nhổ cỏ, phun thuốc để cây ra hoa, kết trái hoàn toàn tự nhiên. Cũng vì lẽ đó mà mẫu mã quả na không đẹp, năng suất không cao nên cây na cũng chưa thực sự giúp người dân nơi đây thoát nghèo.

Nhà ông Bùi Văn Nhương, ở khu dân cư Phú Lợi là một trong những hộ đi đầu trồng na ở phường Bến Tắm. Cũng như nhiều hộ, ngày đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên na chưa đạt năng suất như kỳ vọng. Không chịu bó tay, ông Nhương đã tự mày mò, học hỏi từ sách báo đến đi khắp các vùng trồng na ở các tỉnh như Sơn La, Lạng Sơn để học hỏi, tìm tòi…

Rồi ông Nhương cũng hiểu muốn na ra trái theo ý thì mình phải kỳ công hơn nghĩa là hái hoa na mang về lấy phấn rồi thụ cho những bông hoa còn lại, rồi cách sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật để na phát triển. Na chính vụ xuân hè khi đậu quả có thể để phát triển tự nhiên, nhưng na đông thì phải dùng túi ni lông để bọc quả bảo vệ.

Qua mỗi vụ ông Nhương cùng bà con lại tự đúc rút, truyền cho nhau kinh nghiệm để quả na đạt được mẫu mã và chất lượng như mong muốn. Sau này khi có quy trình trồng cây VietGAP, ông Nhương cùng các hộ đã đăng ký trồng theo đúng quy trình để xây dựng thương hiệu na Chí Linh sạch, chất lượng đến với người tiêu dùng.

dsc_0307.jpg

Những ngày cuối tháng 8 này, vườn na của nhà ông Nhương đang vào giai đoạn thụ phấn cho na vụ đông. Cả vườn rộng hơn 1,5 ha với cả trăm gốc na. Dù cuối vụ xuân hè nhưng những cây na chỉ cao hơn đầu người cây nào cũng sai quả. Quả to quả nhỏ tùy thời điểm thụ phấn nên thời gian thu hoạch cũng rải đều.

dsc_0293.jpg

Dưới tán cây, người hái quả

dsc_0282.jpg

người chấm nhụy thụ phấn cho hoa.

dsc_3067.jpg

Vụ na xuân hè vừa rồi, gia đình ông Nhương thu hoạch hơn 10 tấn quả, trừ mọi chi phí thuê nhân công, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình thu lãi khoảng 160 triệu đồng.

Phường Hoàng Tiến hiện có diện tích trồng na lớn nhất TP Chí Linh với khoảng 200 ha. Chủ yếu các hộ trồng giống na dai, do áp dụng kỹ thuật tốt nên năng suất na ở đây đạt cao từ 10-12 tấn/ha/vụ.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hoàng Tiến cho biết: “Hiện nay phường Hoàng Tiến có khoảng 30 ha trồng na theo quy chuẩn VietGAP, địa phương rất quan tâm nâng cao chất lượng, giá trị của quả na. Năm 2024, phường Hoàng Tiến đăng ký thêm 20 ha thực hiện theo quy chuẩn VietGAP và 20 ha sản xuất theo đề án mỗi xã, phường một sản phẩm. Hội Nông dân phường tiếp tục tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật để giúp bà con nâng cao hơn nữa chất lượng quả na của phường Hoàng Tiến”.

Hiện nay, TP Chí Linh có gần 900 ha trồng na, tập trung ở các phường Bến Tắm, Hoàng Tiến, Hoàng Tân và xã Bắc An. Trong đó xếp thứ hai sau Hoàng Tiến là phường Bến Tắm với hơn 150 ha trồng na. Toàn thành phố hiện có hơn 200 ha na trồng theo quy chuẩn VietGAP tạo được vùng sản xuất na an toàn, bền vững. Giá na VietGAP cao hơn từ 15-20% so với na không sản xuất theo quy trình này.

Phù hợp với kiểu thổ nhưỡng vùng đồi núi, cộng với kỹ thuật trồng, chăm sóc của nông dân nơi đây nên cây na đã sinh trưởng và phát triển mạnh, năng suất và chất lượng nổi trội hơn hẳn na trồng ở các vùng khác trong tỉnh. Vì thế Chí Linh đang là địa phương có diện tích trồng na nhiều nhất tỉnh. Diện tích trồng na của Hải Dương đang đứng thứ 3 miền Bắc sau Lạng Sơn và Quảng Ninh.

8.jpg

Na chính vụ cho thu hoạch từ tháng 7, tháng 8, mức giá đầu vụ khoảng 40.000 -50.000 đồng/kg, cuối vụ được 20.000 - 30.000/kg tùy loại. Với mức giá này người nông dân đã có lãi. Nhưng với những người trồng na Chí Linh thì na vụ đông mới thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt bởi mức giá na trái vụ thường rất cao từ 80.000-100.000 đồng/kg, có đợt được giá 100.000 – 120.000 đồng/kg. Việc chăm sóc na vụ đông cũng đòi hỏi người nông dân phải kỳ công hơn.

Hiện khắp các vườn na ở Chí Linh, người trồng na đang tỉa bớt cành và thực hiện các bước thụ phấn cho hoa. Lúc này, người trồng phải biết cây na của mình khỏe hay yếu, còn sức hay không sau vụ chính mà để nhiều hay ít quả. Nhiều cây có thể để 50 - 70 quả nhưng cũng có cây chỉ để 15 - 20 quả.

Để na cho tỷ lệ đậu quả cao, mẫu mã đẹp, bí quyết của người trồng chính là công đoạn thụ phấn cho na. Công đoạn này phải làm hoàn toàn thủ công, hầu hết các gia đình đều phải thuê người. Để có phấn hoa, người nông dân phải đi từng cây tìm hái, rồi mang về phơi héo để phấn hoa rơi khỏi nhụy. Khi thụ phấn từ những bông hoa này phải dùng dụng cụ do bà con tự chế, đi tìm từng bông hoa để thụ phấn.

“Muốn quả na to tròn, mẫu mã đẹp, người thụ phấn phải chấm đều phấn ở nhụy hoa. Mỗi đợt chấm chỉ chấm 7-10 quả/cây để cây đủ sức nuôi dưỡng quả. Khi đậu quả, phải tiếp tục kiểm tra từng quả, nếu quả nào không đạt yêu cầu như bị méo, quả tối màu thì hái bỏ để tập trung dinh dưỡng cho những quả đạt tiêu chuẩn”, ông Bùi Văn Nhương chia sẻ.

1(1).jpg

Theo kinh nghiệm của người trồng na nơi đây, để na ra quả rải vụ, cành cây phải già, tán phải tương đối thưa để nắng có thể lọt vào làm nảy chồi trong thân cây. Tận dụng đặc tính tái sinh mạnh của cây na, người dân có thể cắt chồi cũ để cây mọc ra những chồi mới có hoa, sau đó thụ phấn cho hoa để tạo thành quả na vụ muộn.

Điều quan trọng nhất khi thâm canh na rải vụ là vụ muộn sẽ rơi vào mùa đông, lượng mưa ít nên cần phải chủ động hệ thống nước tưới. Bên cạnh đó, nắng sẽ ít hơn nên cần theo dõi sát sao, phải tỉa thưa những tán cây dày lá để tạo điều kiện cho nắng chiếu vào quả. Việc này vừa giúp ngăn chặn rệp phá hoại vừa giúp quả có vị ngọt đậm hơn và mã đẹp hơn.

Trồng na vụ đông cũng dễ bị các loại côn trùng tấn công, nên khi na đậu quả đến kích thước nhất định, người trồng na phải bọc từng quả để bảo vệ. Trước khi thu hoạch cả tháng, người trồng phải dùng thuốc bảo vệ thực vật để ngăn chặn sâu bệnh làm hỏng quả na. Na vốn là cây đòi hỏi chăm sóc kỹ lưỡng nên vườn na ngày nào cũng có người ra chăm sóc… Chính sự kỳ công này nên na đông rất được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá cao gấp đôi sở với na chính vụ.

Na đông có chất lượng, mẫu mã đẹp hơn na chính vụ nên giá bán cũng cao hơn, hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân cũng lớn hơn. Hiện nay, trên 80% diện tích na được người dân trồng vụ đông.

Bản sao của TẠO ĐỘT PHÁ VỀ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Để thương hiệu "Na Chí Linh" được nâng tầm, các phòng ban chuyên môn của thành phố đã quan tâm chỉ đạo sản xuất gắn với thị trường, tăng cường tập huấn cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và phát huy thế mạnh cho loại cây ăn quả này.

1920x1080-0.png

Trong những năm gần đây, TP Chí Linh đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của địa phương, trong đó có quả na.

Trong đó na Bến Tắm đã trở thành sản phẩm OCOP đạt 3 sao của Chí Linh.

dsc_3097.jpg
"Na Chí Linh" đang dần trở thành thương hiệu nổi tiếng
dsc_5852.jpg
Na Chí Linh vừa là thương hiệu, vừa là sinh kế bền vững cho người dân nơi đây

Tuy vậy, việc tiêu thụ na vẫn còn một số khó khăn do người dân chưa có kỹ thuật tối ưu để bảo quản na sau thu hoạch khiến chất lượng na trong quá trình đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ bị ảnh hưởng. Mặt khác, chưa có doanh nghiệp lớn đứng ra bao tiêu sản phẩm, thị trường xuất khẩu đối với loại sản phẩm này chủ yếu theo đường tiểu ngạch… Đây là những nguyên nhân làm hạn chế phần nào việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho na.

Vì vậy, để cây na phát huy được hết hiệu quả kinh tế, ngoài sự vào cuộc tích cực của người dân và chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ để bảo đảm đầu ra sản phẩm được ổn định.

2(1).jpg

“Trong thời gian tới, cùng việc phát triển những loại cây ăn quả chủ lực, TP Chí Linh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng na, nâng cao chất lượng, mẫu mã và xúc tiến thương mại để đưa thương hiệu “Na Chí Linh” đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Nguyễn Như Nguyện, Chủ tịch Hội Nông dân TP Chí Linh chia sẻ.

Nội dung: THANH HOA - TRẦN HIỀN

Ảnh: THÀNH CHUNG

Đồ họa: HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về vùng trồng na lớn nhất Chí Linh