Về Tuyên - về nguồn

14/08/2011 11:49

"Đêm nằm - năm ở". Câu nói này có lẽ không chỉ hàm chứa ý nghĩa thời gian. Đêm, với bản chất "tĩnh", hướng nội, khi mà mọi hình ảnh, tiếng động không còn, tất cả bị xóa nhòa, chỉ còn lại một màu đen, con người dễ trở về với nội tâm, với những hồi tưởng ký ức. Chính vì thế chăng, mà ở đây nhà thơ Xuân Diệu, khi trở về với Tuyên Quang, nơi ông từng có những tháng năm đi kháng chiến, đã mở đầu bài thơ bằng khung cảnh đêm:

"Đêm nay ta về nằm với Tuyên Quang
Nằm với sông Lô nước chảy đầu giường
Nằm với dưới kia Cây đa nước chảy
Phía trên là Cây số Bảy Hà Giang"


Thơ không chỉ nhắc tới những địa danh. Nó còn là những địa chỉ tinh thần. Cao hơn, đó còn là những cái tên lịch sử, nói lên một thời hào hùng của Thủ đô kháng chiến; với chiến thắng sông Lô, trận thắng cây số Bảy và cả Cây đa nước chảy, nơi có con phố kháng chiến bao kỷ niệm vui buồn. Cả khổ thơ không thấy có những chữ tượng thanh, song vẫn có tất cả âm thanh ở đây, những âm thanh từ thẳm sâu hồi ức, đủ sống dậy không khí chiến đấu của một thời chiến khu. Những âm thanh này, nó không phải nghe từ một nơi nào xa xôi (dẫu đã cách xa về thời gian), mà ở ngay "đầu giường". Những ai đã sống ở Tuyên Quang những năm kháng chiến chống Pháp, hẳn chỉ cần nghe nhắc lại những cái tên này đã đủ cảm nhận sức âm vang, lan tỏa ở đó.

Ba khổ thơ tiếp, bằng những chi tiết hết sức chọn lọc, điển hình, tác giả khắc họa bức tranh kháng chiến của "Thủ đô gió ngàn". Nhà thơ nhắc lại đến hai lần "đêm nay", để người đọc biết và cảm nhận những hình ảnh thơ này không phải nhìn bằng mắt (vì là đêm), mà nhìn bằng trái tim, bằng hồi ức ùa về:
"Đêm nay ta về nằm với những năm
Kháng chiến gian lao, gió núi mưa dầm
Lá mưa rì rầm trời như ngâm nước
Cơ quan trong rừng đêm buốt
               xuyên chăn"


Vẫn là những "gió núi mưa ngàn", là "đêm buốt xuyên chăn"... của nỗi gian lao, vất vả kháng chiến, nhưng nó được cảm nhận trên da thịt, trên các giác quan con người. Bởi vì nếu như ở trên tác giả viết "nằm với Tuyên Quang" thì ở dưới là "nằm lại với ta". Từ khách thể đổi thành chủ thể. Từ hai (tác giả và Tuyên Quang), giờ đã là một. Vì vậy câu thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ. Chỉ với một câu thơ "Áp tai xuống giường, yêu mến bao la" chia hai vế tương phản một đằng cụ thể (áp tai), một đằng trừu tượng (yêu mến), câu thơ đã tạo sức gợi.

Nếu cả bài thơ là bức tranh, thì riêng khổ thơ thứ tư đã đủ là một bức tranh phong cảnh đứng riêng.
"Một khúc sông Lô đôi bờ xanh mướt
Ngô khẽ lay cờ, mía ken lá sắc
Đường sâu quanh quất, nhà nhỏ xóm thưa
Đi về này những lối này năm xưa".


Về cảm xúc, câu thơ mượn của Nguyễn Du đặt vào đây quá đắc địa, không thể thay thế. Tôi đã thử đi tìm những câu chữ gọt rũa, làm duyên làm dáng trong bài thơ, song đã không thấy dù chỉ nửa chữ. Thế mới biết, thơ khi đã moi từ gan ruột, thì chỉ thấy tình chứ không thấy chữ. Chỉ mấy từ "đường sâu", "nhà nhỏ" mà đầy sức gợi sức cảm.

Nhà thơ Chế Lan Viên có câu thơ rất nổi tiếng "Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Cũng như người bạn thơ của mình, Xuân Diệu trở về Tuyên Quang, chính là trở về với phần "hồn thắm" của ông. Mối hòa quyện này thật khó phân định, rành rẽ, nên tác giả mới hạ dấu hỏi ở chỗ kết bài thơ.

Ở Tuyên Quang, trên quốc lộ số 2, chỗ cách thị xã độ 4 cây số có cây cầu tên là Móc Giằng. Người ta bảo, chính vì có cây cầu ấy mà ai đi xa cũng sẽ bị níu kéo lại. Không biết có phải thế thật không, nhưng "Về Tuyên" của Xuân Diệu, cũng là một cây cầu thơ như thế với tôi.


NGUYỄN SIÊU VIỆT

XUÂN DIỆU

Về Tuyên

Đêm nay ta về nằm với Tuyên Quang
Nằm với sông Lô nước chảy đầu giường
Nằm với dưới kia Cây đa nước chảy
Phía trên là Cây số Bảy Hà Giang

Đêm nay ta về nằm với những năm
Kháng chiến gian lao, gió núi mưa dầm
Lá mưa rì rầm trời như ngâm nước
Cơ quan trong rừng đêm buốt
            xuyên chăn

Đêm nay ta về nằm lại với ta
Áp tai xuống giường, yêu mến bao la
Thấm thía lại những ngọt bùi
            kháng chiến
Từ phố Tam Cờ qua xóm Ỷ La

Một khúc sông Lô đôi bờ xanh mướt
Ngô khẽ lay cờ, mía ken lá sắc
Đường sâu quanh quất, nhà nhỏ
            xóm thưa
Đi về này những lối này năm xưa

Đất nước ơi, ta quyện với mình chặt lắm
Nên đi rồi lòng không thể gỡ ra
Tuyên Quang, Tuyên Quang,
                  đâu là đất thắm
Và phần nào là hồn thắm của ta?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về Tuyên - về nguồn