Di tích

Ngôi chùa từng là cơ sở kháng chiến ở Cẩm Giàng

PHAN TUÂN 07/10/2024 15:30

Không chỉ là nơi thờ Phật, chùa Kim Quan ở thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương) từng là cơ sở kháng chiến thời chống thực dân Pháp.

bhd_12.jpg
Khuôn viên chùa Kim Quan

Chứng tích lịch sử

Chùa Kim Quan nằm giữa trung tâm khu Kim Quan, thị trấn Cẩm Giang (trước đây là thôn Kim Quan, xã Kim Giang) của Cẩm Giàng. Ngay trước chùa cách một ao lớn là đình Kim Quan. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Kim Quan và những vùng lân cận bị giặc Pháp đánh chiếm ác liệt, chúng dựng lô cốt, càn quét, bắt giữ và tra tấn những người bị nghi là Việt Minh.

Từ năm 1951, đình là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với những chiến sĩ cách mạng của ta. Chúng đã sử dụng ngôi đình làm nơi giam giữ và tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Trong khoảng thời gian từ năm 1951 - 1954, đã có khoảng 200 người bị chúng tình nghi và nhốt tại đây.

Theo hồ sơ di tích còn lưu giữ ở địa phương, thời điểm này chùa có sư Biều làm trụ trì. Hằng đêm, sư Biều cùng một số cán bộ kháng chiến và người trong thôn thường xuyên bí mật tập kết tại chùa để bàn kế hoạch đột nhập vào khu vực đình giải cứu được nhiều người sang chùa ẩn nấp, sau đó đưa những người này thoát ra ngoài tiếp tục hoạt động cách mạng. Sư Biều cũng thường xuyên giúp đỡ những cán bộ kháng chiến, theo dõi sát các hoạt động của địch và mật báo cho quân kháng chiến. Sau đó, sư Biều cũng đã đi theo kháng chiến, đứng lên chống giặc.

bhd_sy_1.jpg
Trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng thời Nguyễn

Lưu giữ giá trị

Trải qua thăng trầm của thời gian và chiến tranh, mặc dù quy mô không còn được như trước nhưng chùa Kim Quan vẫn giữ được nét cổ kính, bình dị và an nhiên.

Chùa Kim Quan vốn còn có tên là “Bát Dương Tự”, được xây dựng để thờ Phật, phục vụ tự do tín ngưỡng của nhân dân. Chùa được xây dựng từ thời Lê, năm 1932 được trùng tu lại hoàn toàn theo kiến trúc thời Nguyễn. Trước đây chùa có quy mô rất lớn, cổng to, cột đồng trụ, nhà tổ… nhưng đã bị chiến tranh tàn phá. Kiến trúc chùa hiện còn hai công trình, đó là tòa tiền đường và thượng điện. Chùa làm theo kiểu chữ Nhị. Kiến trúc kiểu lòng thuyền tứ trụ. Bên phải sân chùa còn một giếng rộng 10 m được xây dựng từ năm 1933, đáy giếng được xếp một lượt cối đá thủng. Trước đây, nước giếng quanh năm trong xanh.

Trong chùa hiện còn lưu giữ được 7 pho tượng cổ thời Nguyễn sơn son thếp vàng, 1 quả chuông đồng đúc vào năm Thiệu Trị 1843, một số bát hương gốm sứ thời Nguyễn. Chùa còn có 2 bộ khám thời Nguyễn, trong đó có 1 khám kiểu chần quỳ, các riềm khám được chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long chầu cuốn thư, lưỡng long chầu chữ thọ, hoa cúc dây kiểu cửa võng...

z5717648381412_b0998fdf88d073e383dcb17591ba34c8-a04bc06dc9f1c9f49a43ae44b15977e2.jpg
Trước khuôn viên chùa còn có một chiếc giếng rộng 10 m

Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật trên, khu di tích chùa và đình Kim Quan đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1992. Khu di tích đã thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gửi gắm tâm linh của người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; nơi ghi dấu lịch sử kháng chiến và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Năm 2018 nhân dân địa phương đã công đức tu sửa một số hạng mục nhỏ và đảo ngói mái chùa. Tuy nhiên, đến nay mái cũng đã xuống cấp, một số cột bị mối mọt cần sớm được quan tâm đầu tư tu bổ.

PHAN TUÂN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi chùa từng là cơ sở kháng chiến ở Cẩm Giàng