Về quê của chúa Bầu

16/12/2012 08:56

Chúa Bầu là từ nhân dân dùng để chỉ Gia quốc công Vũ Văn Mật và các đời dòng họ Vũ cát cứ ở Tuyên Quang thời hậu Lê.


Họ Vũ hiện còn giữ được bức đại tự cổ từ thời hậu Lê "Công đức vĩnh thùy" 4 câu đối và 3 bàn thờ cổ


Gia quốc công Vũ Văn Mật vốn là người làng Đông Thượng, xã Đồng Quang (Gia Lộc) từng nổi tiếng không chịu khuất phục cường quyền, giết ác bá, lập nhiều công trạng trong lịch sử Việt Nam.

Nhân vật hào kiệt

Chúng tôi tìm về thôn Đông Thượng khi ngày kỵ nhật của Gia quốc công Vũ Văn Mật (24-10 âm lịch) vừa diễn ra. Dẫn chúng tôi đi thăm đình làng và nhà thờ họ, Trưởng thôn Vũ Huy Tuyền cho biết: Cụ Vũ Văn Mật chính là người đã lập ra thôn Đông Thượng. Do công trạng, sau khi mất, ông được triều đình hậu Lê phong phối thờ cùng thành hoàng làng là Thụy Hồi Thiện. Hằng năm, hai vị được nhân dân mở hội cúng tế. Ngày kỵ nhật của Gia quốc công Vũ Văn Mật thu hút rất đông con cháu là các chi họ hàng chục đời từ các tỉnh thành tìm về.

Căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư, Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, thần phả đình làng Đông Thượng, các tài liệu về Vũ Văn Mật ở các đền thờ của ông tại các vùng miền, hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật sinh tại làng Đông Hạ thời vua Lê Chiêu Tông (1516-1522 ) làm nghề thợ rèn và chài lưới. Bất bình vì thường xuyên bị chức sắc địa phương chèn ép, hai ông đã đánh chết một viên hào lý. Từ đó hai anh em phải trốn lên ở xứ Đại Đồng (thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái hiện nay). Bấy giờ, viên tù trưởng Đại Đồng bị nhân dân oán ghét, tình hình Đại Đồng rất lộn xộn. Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật thấy vậy bèn tập hợp trai đinh rồi giết chết viên tù trưởng. Sự kiện này được nhân dân xứ Đại Đồng ủng hộ, người theo về rất đông, tôn hai anh em làm chủ trấn trị Đại Đồng. Lúc đó triều Lê đang gặp thời rối ren, vua Lê phong cho Vũ Văn Uyên làm Đô thống sứ tổng binh trấn Tuyên Quang, tước Khánh Dương Hầu cùng em Vũ Văn Mật cai quản mạn núi rừng.

Sau khi được tấn phong, hai anh em về quê thăm nom mộ mẹ cha nhưng do trước đã giết người nên bản trang không tiếp. Do vậy hai ngài đã tìm một khu đất mới cao ráo gần sát với làng cũ, nơi có phần mộ cha mẹ lập ra làng mới Đông Thượng giao cho người trong họ trông nom. Nơi hai ngài dựng nhà chính là nhà thờ họ Vũ hiện nay. Sau khi trở lại Đại Đồng, trong triều các phe phái đánh giết lẫn nhau. Tới năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi. Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật cát cứ miền Tuyên Quang, Hưng Hóa không chịu theo nhà Mạc. Năm 1557, Lê Anh Tông lên ngôi. Vì có nhiều công giúp vua Lê, Vũ Văn Uyên được ban quyền thế tập trấn giữ Tuyên Quang. Khi Vũ Văn Uyên chết, vì không có con, Vũ Văn Mật nối quyền, xưng là Gia quốc công. Vũ Văn Mật cho di dời căn cứ xây thành đắp lũy trên gò Bầu nên được nhân dân gọi là chúa Bầu. Thời kỳ này, ông đã cho xây dựng rất nhiều thành trì ở miền biên ải, chiêu tập những người lưu vong xây dựng Đại Đồng thành một nơi trù phú, đông đúc. Trong thời kỳ trấn ải Tuyên Quang ông đã nhiều lần cầm quân giao chiến với quân nhà Mạc, lập nhiều chiến công. Vũ Văn Mật mất, được triều đình gia phong cho làng Đông Thượng cùng các nơi ông từng cát cứ lập đền thờ cúng. Sau này, các con cháu Vũ Văn Mật nối nghiệp cha cát cứ vùng Tuyên Quang tính tổng cộng 7 đời từ năm 1527-1699.

Còn nhiều chứng tích

Ở quê hương, chúa Bầu Vũ Văn Mật được thờ ở đình làng và nhà thờ họ Vũ. Đình làng, kiến trúc chỉ còn một gian hậu cung, khuôn viên chừng khoảng 1 mẫu. Ông Phạm Văn Lệ, 70 tuổi, người làng, nguyên là cán bộ huyện Gia Lộc cho biết: Ngày trước đình làng có quy mô rất lớn với 5 gian tiền tế, hậu cung, hai dãy giải vũ, sân đình, ao đình, giếng đình, ruộng hương hỏa, diện tích khoảng 4 mẫu, do các gia đình cung tiến. Do thời gian, đình bị phá, hệ thống tượng gỗ, đồ thờ tự, bát bửu, lọng bị hư hại cả, chỉ còn lại gian hậu cung. Khoảng năm 1990, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử người về nghiên cứu để xếp hạng di tích song do hiện vật, cứ liệu bị thất lạc nên việc chưa thành.

Hiện nay, đình còn lưu giữ được ba tấm bia đá cổ nói về quá trình phục dựng, tu bổ đình. Bia thứ nhất có tên "Thần từ bi minh" ghi về đền thờ thần của làng, có bài minh ca ngợi cảnh đình, mặt sau ghi 21 người bản xã công đức ruộng đất dựng năm Cảnh Trị thứ 9 triều Lê (1671). Bia thứ hai có tên "Hậu thần bi ký" ghi quá trình trùng tu và thể lệ thờ cúng khắc dựng năm Giáp Tuất (1674). Bia thứ 3 "Hậu thần bi ký" dựng năm Gia Long (1818) ghi việc thờ cúng. Trong bia có đoạn: “Theo lệ giỗ hậu thần, bản xã mua lợn 1 con giá 2 quan tiền, xôi 1 mâm, rượu 1 vò, trầu cau 1 gói, tiền vàng mã đủ 100 phong… Sau khi lễ xong, thủ lợn và xôi mang biếu tại nhà thờ họ Vũ”.

Trong bản báo cáo thần tích, thần sắc của bản xã năm 1938 thời vua Bảo Đại (hiện bản gốc nằm ở Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội) có ghi: Thành hoàng của đình làng có tên là Thụy Hồi Thiện, người Trung Quốc, làm quan Thái thú ở Việt Nam thời Hán Chiêu đế, sinh ngày 10 tháng giêng, hiển thánh ngày 15 - 8 âm lịch, có công giúp dân về nông nghiệp. Người thứ hai được thờ ở đình làng là Vũ Văn Mật, danh tướng phù Lê diệt Mạc ở thế kỷ 16, lập căn cứ ở Tuyên Quang, ngày mất là 24-10. Hai vị trên đều được các vua triều Nguyễn phong sắc nhiều lần.

Nhà thờ họ Vũ ở thôn Đông Thượng có quy mô 3 gian tiền tế, một gian hậu cung. Hiện nhà thờ còn giữ được bức đại tự cổ từ thời hậu Lê “Công đức vĩnh thùy”, 4 câu đối cổ và 3 bàn thờ cổ. Ngoài ra trong khuôn viên còn có một cây thị hàng trăm năm tuổi.

Chứng tích quan trọng liên quan đến danh tướng Vũ Văn Mật chính là ngôi mộ của ông ở khu đồng đống Dông. Dẫn chúng tôi đi thăm mộ, ông Vũ Huy Tuyền cho biết: Theo việc thờ cúng được các cụ trong dòng họ truyền lại thì sau khi mất, mộ đức tổ Vũ Văn Mật được đưa về an vị ở khu đống Dông rìa làng. Trải qua gần 5 thế kỷ, ngôi mộ vẫn được con cháu trông nom hương khói. Ngày nay, do có thay đổi về địa lý nên đống Dông thuộc địa phận thôn Cao Duệ, xã Nhật Tân. Ngôi mộ danh tướng Vũ Văn Mật khá lớn, nằm trọn trên một gò đất rộng gần 20 m2. Để bảo vệ, con cháu dòng họ Vũ đã xây gạch bao xung quanh.

Với công trạng trong lịch sử, hiện nay các tỉnh trong cả nước có hàng chục ngôi đền thờ chúa Bầu Vũ Văn Mật. Trong đó hầu hết các ngôi đền đã được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Đền Bắc Hà được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2003, đền Phúc Khánh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2002, đền Trung Đô được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2010 (đều thuộc tỉnh Lào Cai). Đền Đại Cại (Yên Bái) được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2001. Đền Đình Từ (huyện Thái Thụy, Thái Bình), đền Nhà thờ họ Vũ ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đều được công nhận di tích cấp tỉnh. Hải Dương tự hào là nơi danh tướng Vũ Văn Mật sinh ra, tại quê hương của ông cũng còn nhiều chứng tích, TP Hải Dương cũng đã có con đường mang tên ông. 

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về quê của chúa Bầu