Đến thăm Puglia, một trong những điều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách chính là vẻ đẹp độc đáo và quyến rũ của thị trấn Alberobello.
Vẻ đẹp độc đáo và quyến rũ của thị trấn Alberobello
Vốn rất nổi tiếng với hệ thống các công trình kiến trúc kỳ vĩ và tráng lệ, Italy còn đặc biệt thu hút du khách khắp thế giới bởi những nét đặc trưng của mỗi vùng địa phương. Trong đó, vùng Puglia là dải đất kéo dài và tạo thành phần “gót chiếc ủng” trên Địa Trung Hải.
Đến thăm Puglia, một trong những điều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách chính là vẻ đẹp độc đáo và quyến rũ của thị trấn Alberobello-ngôi làng cổ hội tụ hàng nghìn mái nhà hình nấm.
Làng Alberobello nằm cách Bari, thủ phủ vùng Puglia khoảng 60km, trên địa hình thoải dốc và bao quanh là những cánh đồng ngút ngàn nho và oliu. Vào lúc bình minh ló rạng, ngôi làng nổi bật lên với 2 tông màu chủ đạo, phần chóp “nấm” xám tươi và phần tường trắng muốt của hơn 1.500 căn nhà nhỏ nhắn nằm kề sát bên nhau. Lịch sử kể lại rằng ngôi làng được hình thành từ thế kỷ 16 khi người dân còn chưa được phép xây dựng nhà ở kiên cố.
Việc xếp chồng các phiến đá một cách tài tình, khéo léo là lựa chọn khả dĩ nhất để người nông dân có thể dựng lên những mái nhà tạm, thường được gọi là “trullo.” Theo thời gian, kỹ thuật xây dựng đó đã trở thành lối kiến trúc phổ biến và mang đến cho làng Alberobello niềm tự hào được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.
Chỉ từ loại vật liệu hoàn toàn tự nhiên, những phiến đá thô mộc trở thành lớp áo vững chắc, mềm mại phủ lên hầu hết các công trình mái chóp ở Alberobello. Ngay cả những địa điểm quan trọng về tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng cũng đều mang dáng dấp điển hình như ở các ngôi “nhà nấm” khác.
Cùng với phần tường rất dày, mái “nhà nấm” bằng đá giữ cho không gian bên trong luôn thoáng mát suốt mùa Hè và ấm áp trong mùa Đông, thời điểm mà tuyết trắng xóa có thể bao phủ cả ngôi làng. Mặc dù khá nhỏ, song mỗi căn nhà đều được bố trí những phần không gian thiết yếu cho sinh hoạt của gia đình.
Một số căn còn có giếng nước nhỏ, đặt lọt sâu trong vách tường nhằm tận dụng tối đa không gian sử dụng. Ngoài ra, một hình ảnh khá quen thuộc nữa là hàng loạt chìa khóa bằng sắt cỡ lớn được treo hàng ngang trước cửa nhà, với quan niệm sẽ đem lại may mắn cho gia chủ.
Yên bình và sạch đẹp là cảm nhận chung mà có lẽ bất cứ du khách nào cũng đều thấy rõ ngay từ lần đầu đến Alberobello. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Italy, ông Francesco Laera vốn gắn bó với “nhà nấm” từ hơn 60 năm nay cho biết việc giữ cho không gian chung của làng sạch sẽ, ngăn nắp được cư dân nơi đây ví như việc chăm sóc cho chính bản thân mình, đồng thời giúp cho du khách từ xa tới tham quan luôn cảm thấy sảng khoái, phấn chấn.
Mỗi năm 2 lần, tất cả các ngôi nhà đều được chủ nhân tân trang lại bằng một loại vôi sống, giữ cho thành tường bao quanh luôn tươi mới, trắng sáng. Điều quan trọng nhất là sự hòa thuận và tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau mà người dân luôn nhận được từ những người bạn tốt, sống ở cùng ngõ xóm.
Mải miết tạo dáng dưới những mái hiên kết bằng giàn nho xanh, 2 bạn trẻ đến từ Nhật Bản Kaori và Yuriko cho biết làng Alberobello chính là điểm đến đầu tiên trong hành trình du lịch của họ đến châu Âu. Với khung cảnh lãng mạn, dễ thương như cổ tích và thái độ cực kỳ hiếu khách của chủ nhân mỗi căn “nhà nấm”, ngôi làng đem đến cho du khách những trải nghiệm thực sự mới lạ, hấp dẫn.
Trong khi đó, vợ chồng chị Tania Gomez đến từ Tây Ban Nha cũng lựa chọn “làng nấm” là nơi khởi đầu cho chuyến du lịch trăng mật tại Italy. Từ chỗ chỉ biết Alberobello qua những bức ảnh do bạn bè giới thiệu, vợ chồng chị đã quyết định đến thăm và đều cảm nhận “làng nấm” tuyệt đẹp với một nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Tây Ban Nha.
Dưới ánh nắng chan hòa của miền Nam Italy, những con đường dẫn vào Alberobello càng thêm rực rỡ, lộng lẫy khi được cư dân chăm chút trang trí bằng những khóm hoa đủ các sắc màu. “Bất kể là ngày hay đêm, các bạn hãy đến ngắm nhìn ngôi làng xinh đẹp của chúng tôi” là lời nhắn nhủ xen lẫn niềm tự hào mà ông Francesco và những người bạn hàng xóm muốn gửi đến bạn bè khắp bốn phương.
Theo Vietnam+