Về chốn tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam

21/03/2016 10:49

Với các giá trị lịch sử văn hóa, khảo cổ, Phật giáo cùng cảnh đẹp độc đáo, quần thể di tích Nhẫm Dương sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của tỉnh nhà.



Không gian quanh chùa Nhẫm Dương hiện đã được bảo vệ nghiêm ngặt


Tào Động là một tông phái thiền của Phật giáo Đại thừa được Thiền sư Thủy Nguyệt, trụ trì chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn) du nhập giữa thế kỷ 17, góp phần quan trọng truyền bá giáo lý Phật pháp.

Danh lam cổ tích

Chùa Nhẫm Dương tọa lạc dưới chân núi Nhẫm Dương, thuộc xã Duy Tân (Kinh Môn). Về đây, dù đang mỏi mệt do đường xa cũng thấy nhẹ nhõm khi đắm mình vào sự tịch mịch của chốn cổ tự với các ngọn núi lô xô, hang động kỳ thú. Ngôi chùa được xây dựng thời Trần (1225-1400) với 30 hang động lớn nhỏ bao quanh. Trong khuôn viên chùa, dưới tán cây thị 700 năm tuổi, gần chục chú khỉ chạy lăng xăng.

“Hiện trong nhà tổ chùa Nhẫm Dương còn một bức tượng đá cổ độc đáo tạc chân dung đức thiền sư Thủy Nguyệt cùng nhiều pho tượng Phật, thổ thần bằng đá với phong cách mộc mạc nhưng đặc sắc”.


Giới thiệu về sự ra đời Thiền phái Tào Động Việt Nam, sư thầy Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa dẫn chúng tôi ra ngôi tháp sau chùa nói: "Đây chính là tháp mộ đức Thiền sư Thủy Nguyệt, tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam. Chùa Nhẫm Dương là chốn tổ của Thiền phái". Chúng tôi quan sát ngôi tháp được tạo tác nhiều tầng bằng đá, hai bên sườn có chữ Vạn, phía trên nóc có chữ Phật trong đài sen. Cuộc đời tu hành của Thiền sư Thủy Nguyệt cùng sự ra đời của Thiền phái Tào Động Việt Nam được ghi chép trong nhiều thư tịch lịch sử Phật giáo.

Hòa thượng Thủy Nguyệt sinh năm 1637, quê ở đạo Sơn Nam (Thái Bình ngày nay). Năm 20 tuổi, ông xuất gia. Sau nhiều năm vẫn chưa tìm được chân lý giải thoát, ông bèn xin sư phụ đi tham thiền học đạo các nơi. Năm 28 tuổi, nhân duyên đưa đẩy Thủy Nguyệt hành hương sang phương Bắc, đến Động Sơn Lương Giới (dạng chùa hang) trên núi Phượng Hoàng và trở thành đệ tử của hòa thượng Trí Giáo Nhất Cú, tổ đời thứ 35 của Tào Động. Đây là một tông phái thiền của Phật giáo Đại thừa do hai Thiền sư Trung Hoa là Động Sơn Lương Giới (807 - 869) và Tào Sơn Bản Tịch (840 - 901) sáng lập. Trải qua 3 năm học đạo, Thiền sư Thủy Nguyệt thành chính pháp, được ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư và cho về An Nam để truyền pháp.

Năm 1667, Thiền sư Thủy Nguyệt về nước, đi các nơi như chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở Hà Nội thuyết pháp, phổ độ chúng sinh… Sau Thiền sư về trụ trì chùa Nhẫm Dương. Với chân lý giản dị nghiêng về tu thiền, giải thoát nên Thiền phái Tào Động nhanh chóng thâm nhập vào mọi tầng lớp dân chúng. Ngài được vua Lê sắc phong làm “Đại thánh Đông Sơn Tuệ Nhẫn Tứ Giác Quốc Sư". Đến năm 1704, Thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch, các đệ tử tiếp tục sự nghiệp truyền pháp, đưa Tào Động trở thành môn phái nổi tiếng.

Dẫn chúng tôi đến hang động ăn sâu vào núi nằm ngay sau tháp mộ, sư thầy Thích Diệu Mơ bảo đây chính là nơi Thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch, có tên hang Thánh Hóa. Sư Mơ chỉ một vết lõm trên nóc hang Thánh Hóa kể: "Tương truyền đây chính là dấu tích khi ngài đắc đạo hóa kim cương, thân vươn mình đứng dậy, chân giận lún đá, đầu thúc vào núi". Tại động Thánh Hóa, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di cốt hóa thạch cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, đồng thau và các pho tượng Phật có niên đại thời Nguyễn. Cách hang Thánh Hóa không xa là hang Tĩnh Niệm, nơi đức Thiền sư Thủy Nguyệt cùng các đệ tử thường ngồi tọa thiền. Hiện trong nhà tổ chùa Nhẫm Dương còn một bức tượng đá cổ độc đáo tạc chân dung đức Thiền sư Thủy Nguyệt cùng nhiều pho tượng Phật, thổ thần bằng đá với phong cách mộc mạc nhưng đặc sắc. Với những giá trị đặc biệt về khảo cổ, lịch sử Phật giáo, văn hóa, khu di tích Nhẫm Dương đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 2003.

Chấn hưng Phật giáo



Hang Tĩnh Niệm, nơi xưa kia Thiền sư Thủy Nguyệt cùng các đệ tử thường ngồi tọa thiền


Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Tào Động đã góp phần quan trọng chấn hưng Phật pháp. Dẫn chúng tôi thăm ngôi tháp đá khác trên quả đồi trước cổng chùa, sư Mơ cho biết đó là tháp mộ tổ thứ hai Tông Diễn. Hiện nhà chùa đang có kế hoạch tu tạo lại tháp này vì bị nghiêng, lún. Nếu Tổ Thủy Nguyệt có công truyền bá Phật pháp, được sắc phong Quốc sư thì nhị tổ Tông Diễn đã giúp Phật giáo Việt Nam tránh thời kỳ mạt pháp. Tông Diễn hiệu Chân Dung, là đệ tử được Thủy Nguyệt trao truyền tâm ấn của phái Tào Động. Thời vua Lê Hy Tông, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo vì cho rằng không có lợi gì cho xã hội. Đỉnh điểm là năm Vĩnh Trị (1678), vua Lê Hy Tông ra sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ bị trừng trị. Hòa thượng Tông Diễn biết được tin này rất đau lòng. Ngài xin phép Thiền sư Thủy Nguyệt rời chốn sơn dã về đất kinh thành mong cảnh tỉnh nhà vua cứu vãn Phật pháp. Đến kinh đô, không được tiếp kiến vua, hòa thượng Tông Diễn bèn viết một tờ biểu nói rõ việc tu hành, cách thức làm yên nhà, lợi nước như đạo Phật là hòn ngọc quý soi sáng mười phương, phá dẹp mọi mây mờ u tối rồi để trong cái hộp nói rằng có viên ngọc quý muốn dâng tặng. Vua Hy Tông đọc biểu mới bừng tỉnh, cho vời hòa thượng Tông Diễn vào trò chuyện. Sau khi nghe hòa thượng thuyết pháp, bèn rút lại sắc lệnh, hết sức sửa mình, đề nghị với hòa thượng Tông Diễn làm một bức tượng vua phủ phục dưới Phật để thể hiện sự sám hối. Bức tượng độc đáo nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam này hiện còn ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội). Hiện nhà tổ chùa Nhẫm Dương cũng có một bức tượng lấy mẫu theo bức tượng tại chùa Hòe Nhai.

Vừa qua nhân kỷ niệm 311 năm ngày mất của Thiền sư Thủy Nguyệt và gần 350 năm Thiền phái Tào Động có mặt ở Việt Nam, tại chùa Nhẫm Dương đã diễn ra hội thảo khoa học nhằm nêu cao giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ và Phật giáo của di tích Nhẫm Dương, khẳng định công lao của các danh tăng Việt Nam từ thế kỷ 17 đã có nhiều đóng góp với đạo pháp và dân tộc, trong đó có Thiền sư Thủy Nguyệt.

Sư thầy Thích Diệu Mơ còn cho biết, sau khi tỉnh có chỉ đạo Công ty Xi măng Phúc Sơn ngừng mọi hoạt động khai thác đá ở khu vực núi Nhẫm Dương, đến nay, việc nổ mìn, khai thác đá không còn tái diễn nữa. Sau đợt hội thảo vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho lắp đặt hai tấm biển cấm khai thác đá ở trước và sau núi. Với quyết tâm bảo vệ quần thể di tích của các vị tu hành, các cấp chính quyền, núi Nhẫm Dương đã bình yên trở lại.

Với các giá trị lịch sử văn hóa, khảo cổ, Phật giáo cùng cảnh đẹp độc đáo, quần thể di tích Nhẫm Dương sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của tỉnh nhà.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về chốn tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam