Họa sĩ Đức Dụ có một bức tranh rất đặc biệt vẽ Bác Hồ giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn cho đồng chí Võ Bẩm, người chỉ huy đầu tiên của Đoàn 559.
Bức tranh sơn dầu “Bác Hồ giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn cho đồng chí Võ Bẩm” của họa sĩ Đức Dụ
Nhiệm vụ quan trọng
Sinh năm 1946, là người con của quê hương Đồng Quang (Gia Lộc), họa sĩ Đức Dụ nổi danh trong làng cầm cọ nhờ gia tài vẽ về đề tài chiến tranh ở Trường Sơn. Một buổi sáng tháng tư tôi có dịp trò chuyện với họa sĩ trong căn nhà của ông tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội). Câu chuyện của chúng tôi trở nên sôi nổi hơn khi nhắc về những bức tranh của ông trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Một trong những bức tranh ý nghĩa, đọng lại trong ông nhiều cảm xúc là bức vẽ về Bác Hồ giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn cho đồng chí chỉ huy Đoàn 559.
Mùa hè năm 1972, chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt ở hai miền đất nước. Để động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ về dự hội nghị mừng công và kỷ niệm ngày thành lập, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định tổ chức triển lãm mỹ thuật trong rừng. Các tác giả tham dự đã gửi về rất nhiều tác phẩm khắc họa khá đầy đủ hoạt động của các quân, binh chủng trên tuyến đường Trường Sơn. Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trường Sơn rất băn khoăn vì chưa có hình ảnh Bác Hồ trong cuộc triển lãm. "Bàn mãi, cuối cùng mọi người quyết định cử tôi ra Hà Nội gặp đồng chí Võ Bẩm, nhờ đồng chí ấy kể lại câu chuyện trong buổi làm việc với Bác thống nhất kế hoạch mở đường Trường Sơn trên bộ. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được cấp trên tín nhiệm, nhưng cũng lo vì chỉ qua lời kể làm sao phải thể hiện được thần thái, cốt cách của Bác trong thời khắc quan trọng của cuộc chiến", họa sĩ Đức Dụ nhớ lại.
Nhận nhiệm vụ, ông lập tức lên đường về Hà Nội và được đồng chí Võ Bẩm kể lại buổi làm việc với Bác vào tháng 5.1959. Bối cảnh là căn phòng nhỏ của Bác tại Phủ Chủ tịch. Trong phòng chỉ có bộ bàn ghế giản dị. Trên bàn trải một tấm bản đồ Việt Nam. Buổi làm việc chỉ có Bác và đồng chí Võ Bẩm. Bác nghe đồng chí Võ Bẩm báo cáo chuyến đi khảo sát địa hình Trường Sơn vừa qua. Sau đó, Bác cùng đồng chí Võ Bẩm thảo luận và đưa ra kế hoạch quyết định mở đường Trường Sơn. Kể xong buổi làm việc với Bác, đồng chí Võ Bẩm nói một câu giúp họa sĩ Đức Dụ định hình ra thần thái của Bác trong tranh: "Tôi kể như vậy là bằng lời. Còn họa sĩ phải làm thế nào đó để thể hiện được nỗi lòng suy tư của Bác với đồng bào miền Nam đang chìm trong đau khổ trước sự khủng bố dã man của chính quyền Sài Gòn".
Dựng hình Bác qua lời kể
Chưa một lần gặp Bác mà phải vẽ chân dung Người quả là một thử thách khó khăn với họa sĩ. Để chuẩn bị cho lần vẽ này, ông Dụ đã phải xem khá nhiều ảnh chân dung về Bác. Đặc biệt là những bức ảnh miêu tả chân thực hình ảnh Bác trong công việc. Đêm đó, ông Dụ trăn trở mãi vì bố cục bức tranh chỉ có hai người, rất khô khan và tĩnh lặng. Phải làm sao thể hiện được nỗi suy tư trên gương mặt của Bác, của đồng chí Võ Bẩm xuất phát từ tình cảm dành cho Tổ quốc, đồng bào. Ngày hôm sau, ông phải nhờ đồng chí Võ Bẩm dựng lại bối cảnh chiếc bàn làm việc của Bác. "Trên bàn cũng trải y nguyên một tấm bản đồ Việt Nam. Phía trên là ngọn điện chiếu sáng. Đồng chí Võ Bẩm còn mời giúp tôi một cụ già đến ngồi ở phía đối diện chiếc bàn giống như tư thế của Bác để tôi dễ hình dung", ông Dụ kể.
Dựng xong bối cảnh, ông vẽ ký họa theo nhiều hướng để tìm bố cục đẹp nhất cho bức tranh. Sau đó, ông chọn ra một số tấm khá ưng ý để phác họa các gam màu sáng, tối, đậm, nhạt khác nhau bằng chì than. Cuối cùng, ông chọn một tấm có bố cục khá ổn để thể hiện bằng chất liệu sơn dầu. Trước khi đặt tay quét những đường cọ đầu tiên trên bức tranh, ông đã nghĩ rất nhiều đến câu nói mà Bác nói với đồng chí Võ Bẩm: "Mở tuyến đường này phải đi đúng hướng thuận lợi, xa đồn bốt địch, xa nơi dân ở nhưng phải được lòng dân ủng hộ thì nhất định thành công". Ông nhắm mắt nghĩ đến hình ảnh Bác khi nói những câu này để khắc họa chân dung Người bởi chân dung sẽ nói lên toàn bộ nội dung của tác phẩm.
Những ngày sau đó ông tập trung cao độ thể hiện bức tranh. Tranh sơn dầu vốn không thể vẽ nhanh, pha màu lại rất cầu kỳ. Vì thế, ông miệt mài, dồn hết tâm huyết để vẽ. Những lúc mệt mỏi, căng thẳng quá ông lại ngồi nghĩ đến các đồng đội đang đối mặt với khói lửa chiến trường để động viên mình tập trung vẽ hơn nữa. Rồi bức tranh đã hoàn thành, ông mang vào chiến trường vẫn kịp ngày triển lãm. Cùng với những bức tranh ghi chép tại chỗ về những hoạt động của chiến sĩ Trường Sơn, bức tranh của họa sĩ Đức Dụ đã làm cho triển lãm thêm sinh động với hình ảnh Bác Hồ sáng đẹp giữa rừng già Trường Sơn. Bức tranh này sau đó được trưng bày ở rất nhiều cuộc triển lãm khác về đề tài chiến tranh. Hiện nay, bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Cùng với bức tranh đáng quý ấy còn có gần 100 bức tranh sơn dầu khổ lớn và khoảng 400 bức ký họa về cuộc chiến của quân và dân ta trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã làm nên tên tuổi của họa sĩ Đức Dụ. Ông được biết đến là "Họa sĩ của Trường Sơn". Gần 9 năm (từ năm 1965 đến 1973) gắn bó với rừng Trường Sơn đã giúp cho những bức tranh, ký họa của ông luôn thể hiện chân thực mọi khía cạnh của cuộc chiến. Những tác phẩm như Rừng chiều, Múa hát trong rừng, Trạm giao liên, Nuôi quân đại đội... đã thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin tất thắng của quân và dân ta khi tham gia cuộc chiến. Tính đến nay, họa sĩ Đức Dụ đã có hơn 10 cuộc triển lãm về đề tài chiến tranh ở Trường Sơn.
THANH NGA