Vay mua ô tô: Nhân viên ngân hàng can khách đừng ham sang mà ôm nợ

12/06/2017 14:30

Không ít người mua xe vì đua sang chảnh, "con gà tức nhau tiếng gáy", kéo theo nợ xấu ngân hàng hoặc bán tháo xe vì không gánh nổi nợ nần.

Hầu hết các ngân hàng đều cam kết cho vay lên tới 80% giá trị xe. Nghĩa là với chi phí ban đầu chỉ từ 20%, khách hàng đã có thể sở hữu một chiếc xe, số còn lại ngân hàng sẽ cho vay theo hình thức trả góp dần dần. Cá biệt, có nơi cam kết cho vay 100%, khách hàng chỉ cần thế chấp thêm tài sản khác.

Về lãi suất, tại Ngân hàng VPBank đang ưu đãi cho khách hàng lựa chọn như 7,9%/năm trong 3 tháng đầu; 8,9% /năm trong 6 tháng đầu; 9,9% trong 6 tháng đầu. Các tháng sau tính theo lãi suất tiết kiệm + biên độ 4%. Thời gian vay tối đa 96 tháng.

Tại TPBank, ngân hàng cam kết cho vay 80% giá trị xe, thời gian vay linh hoạt 84 tháng, lãi suất 6.8%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Đặc biệt, thời gian phê duyệt nhanh chỉ trong 8 giờ làm việc. Sau 6 tháng lãi suất điều chỉnh tăng theo thị trường.

TechcomBank với lãi suất 9%/năm, thời gian vay 84 tháng.

Còn tại Ngân hàng SeABank, người mua được ưu đãi lãi suất chỉ từ hơn 5%/năm, trong 6 tháng đầu. Sau đó sẽ nâng lên theo lãi suất thị trường.

Vay mua ô tô, cho vay, mua ô tô, mua xe, ngân hàng, lãi suất, nhân viên ngân hàng
Ảnh minh họa 

Anh Cảnh Minh, nhân viên mảng thế chấp của một ngân hàng cho biết hiện nay nhu cầu khách hàng vay mua xe đi lại hay kinh doanh rất lớn. Có ngày, anh tư vấn cho 2-3 khách có nhu cầu vay mua.

Rất nhiều ngân hàng liên kết với đại lý ô tô, đưa ra các chương trình cho vay cạnh tranh về lãi suất, tỷ lệ cho vay, thủ tục, quy trình vay... Nhân viên ngân hàng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ thủ tục cho vay.

"Trong 2 tiếng có thể ra được thông báo cho vay cho khách hàng, nếu thu nhập chuyển khoản, hộ khẩu Hà Nội. Trong lúc ra thông báo cho vay là khách có thể đi bấm biển được rồi", anh Minh cho biết.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ vì muốn sở hữu chiếc xe nhanh chóng mà cũng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu.

Anh Định ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhân viên của một công ty xây dựng cho biết mặc dù cơ quan cách nhà không quá xa nhưng bản thân anh luôn có nhu cầu mua một chiếc ô tô cho bằng bạn bằng bè. Hơn nữa, có ô tô cũng chủ động, có điều kiện đưa gia đình đi chơi xa, về thăm ông bà nội ngoại.

Được mời chào vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi nên anh quyết định vay ngân hàng 30% giá trị xe. Theo tính toán, nếu vay khoảng 300 triệu trong vòng 4 năm, tiền lãi và gốc khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Mới đầu mua ô tô cả nhà rất háo hức, thường xuyên tổ chức đi chơi xa, sau đó anh bắt đầu toát mồ hôi với các khoản phí. Ngoài chi phí hằng tháng trả nợ lãi suất, tiền gốc mất 8 triệu, còn các khoản khác như phí gửi xe 1,5 triệu đồng/tháng, tiền xăng xe, bảo dưỡng, chi phí phát sinh cộng vào mỗi tháng hết hơn 5 triệu đồng nữa.

Sau 3 tháng, ngân hàng lại bắt đầu thay đổi lãi suất. Mới đầu ngân hàng đưa ra mức lãi suất chỉ 7% nhưng sau đó tăng lên 11,5%.

Từ khi có ô tô, đi ăn đi uống cũng phải chọn quán.... Đây là những khoản mà khi mua xe anh chưa lường trước.

Với mức lương gần 17 triệu đồng, nhưng anh chỉ đủ trả nợ và “nuôi xe”. Nghĩ cảnh có cục nợ treo trên đầu 4 năm nữa khiến anh thấy lo lắng. Tiền sinh hoạt hàng tháng, con cái học hành không biết xoay sở ở đâu trong khi mức lương chỉ cố định như vậy. Sau 5 tháng, anh quyết định đi vay nóng người thân, bạn bè để trả ngân hàng trước thời hạn, chấp nhận trả phạt, sau đó bán luôn cả xe để trả nợ.

Anh Cảnh Minh cho biết, nhiều trường hợp cũng như anh Định do không tính toán kỹ khả năng tài chính, nhu cầu đi lại.

Theo anh, khách hàng nên tính toán kỹ trước khi mua xe, những rủi ro có thể xảy ra, chỉ nên vay 30- 50% giá trị xe. Bởi nếu không sẽ tạo ra gánh nặng hoặc trường hợp xấu phải bán xe để trả nợ.

Hiện, có nhiều ngân hàng mời chào lãi suất cực kỳ ưu đãi nhưng sau đó sẽ điều chỉnh dựa trên những biến đổi của thị trường.

Có ngân hàng đưa ra mức lãi suất chỉ 5-6%/năm trong thời gian đầu nhưng sau đó hầu hết đều điều chỉnh lên mức 11- 12%/năm. Vì thế, khách hàng vay số tiền hàng trăm triệu thì việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ. Trong trường hợp không trả được, xe sẽ bị bán và ngân hàng thu hồi số tiền cho vay.

Tuy nhiên hình thức cho vay này được áp dụng nhiều hơn là tính theo lãi suất cố định trong suốt thời gian vay nhưng tiền lãi hàng tháng tính trên tổng số dư nợ ban đầu.

“Nhiều người vay 5 năm, trả đều 2 năm nhưng tiền lãi và gốc 2 năm tính ra bằng tiền mua chiếc xe mới. Chưa trả nợ hết tiền thì xe đó vẫn là của ngân hàng. Vì thế nhiều ngân hàng cũng không thích khách vay theo kiểu lãi suất cố định vì sợ khách không có khả năng trả nợ”, anh Minh nói.

Ngoài ra, nếu khách trả chậm hay trả sớm đều phải chịu mức phí phạt. Nhiều ngân hàng không ghi rõ trong hợp đồng nhưng có nơi đang áp dụng phí phạt trả sớm bằng số tiền gốc còn lại nhân với 2%.

Anh Minh cho biết, làm cho vay như anh lúc nào cũng chỉ mong có nhiều khách song nhiều trường hợp khách hàng không xác định rõ khả năng trả nợ, nhu cầu đi lại, kiểu cứ mua xe đã rồi tính sau thì anh cũng khuyên khách hàng cân nhắc, hoặc tư vấn cho khách phương án phù hợp nhất.

“Mình không thể cho vay để ấm túi mình nhưng chết người ta. Còn khách hàng, nhiều trường hợp vay xong gánh không nổi nên nếu khách có nhu cầu vay mua ô tô thì nên tính toán kỹ”, anh Minh khuyên.

Thậm chí trong cơn bĩ cực xe cũ ế ẩm, kinh doanh ô tô cũ mỗi ngày một xuống giá, các showroom ô tô cũ bán xe theo hình thức ký gửi, thu phí theo ngày nên chủ xe cũng không dễ đẩy hàng nếu không chấp nhận cắt lỗ.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vay mua ô tô: Nhân viên ngân hàng can khách đừng ham sang mà ôm nợ