Pháp luật

Vất vả thi hành án dân sự

NGUYỄN THẢO 12/11/2023 15:00

Thi hành án dân sự là công việc phức tạp vì trực tiếp ảnh hưởng đến quyền về tài sản, nhân thân của các đương sự và những người có liên quan.

00:00

thihanhan.jpg
Cán bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương công bố quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của bà Vũ Thị L. và ông Đỗ Như P. ở số 195 đường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương (ảnh tư liệu)

Trong quá trình tổ chức thi hành án, cán bộ, chấp hành viên nhiều lần đối mặt với hành vi bất hợp tác của người phải thi hành án.

Từ đe dọa cài mìn, đốt nhà

Trung tuần tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp đi cùng Đoàn công tác của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương chỉ đạo buổi cưỡng chế liên quan đến tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung ở xã Văn Hội (Ninh Giang). Trước khi thực hiện cưỡng chế, cơ quan thi hành án đánh giá dù vụ việc không phức tạp nhưng vẫn phải chuẩn bị đầy đủ các phương án dự phòng để bảo đảm thành công. Trong quá trình tổ chức cưỡng chế, người phải thi hành án và người thân liên tục dùng lời lẽ, thái độ bấp hợp tác, dùng điện thoại di động phát trực tiếp trên mạng xã hội... gây áp lực cho lực lượng làm nhiệm vụ. Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng cưỡng chế thi hành án đã tổ chức cưỡng chế thành công vụ việc, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Tháng 12/2022, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương tổ chức cưỡng chế tại nhà số 195 đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). Đây là vụ việc có tính chất rất phức tạp. Quá trình thi hành án kéo dài gần 4 năm do người phải thi hành án liên tục chống đối. Theo các bản án kinh doanh thương mại, bà Vũ Thị L. là chủ Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thương mại Phúc Liên, ở số 195 đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà L. cho rằng diện tích đất theo hồ sơ thế chấp không phù hợp với thực tế, dẫn tới bán án đã tuyên có sai sót, có khiếu nại lên Tổng cục Thi hành án dân sự. Dù chấp hành viên của cơ quan thi hành án nhiều lần đến giải thích, vận động thuyết phục, tạo điều kiện cho người phải thi hành án gặp gỡ đại diện ngân hàng nhưng không có kết quả. Để thu hồi nợ theo đề nghị của ngân hàng, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, sau đó đã tiến hành thẩm định, bán đấu giá. Tài sản bị cưỡng chế là nhà xưởng có diện tích lớn, khối lượng đồ đạc nhiều nên việc di dời mất nhiều thời gian, công sức.

Ông Nguyễn Văn Quý, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương cho biết vì liên quan đến mâu thuẫn trong các mối quan hệ dân sự nên nhiều vụ việc thi hành án rất phức tạp như tranh chấp đất đai, tranh chấp tài sản sau ly hôn, nợ ngân hàng... Nhiều đương sự mặc dù có điều kiện thi hành án nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành. Có trường hợp không bàn giao tài sản mà còn đe doạ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ như dọa cài mìn trong nhà, buộc đoàn cưỡng chế phải tiến hành rà phá bom mìn...

Tại vụ cưỡng chế giao nhà để trả nợ cho ngân hàng ngày 22/9/2023 tại phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), người phải thi hành còn tuyên bố sẽ đốt nhà nếu lực lượng chức năng vẫn tổ chức cưỡng chế.

lamnhii.jpg
Lực lượng chức năng đối mặt với nhiều nguy hiểm khi làm nhiệm vụ thi hành án

... đến ném chất bẩn vào nhà

Hoạt động thi hành án dân sự liên quan đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân, các mâu thuẫn trong đời sống nên có nguy cơ gặp phải sự chống đối, phản ứng quyết liệt của đương sự. Tuy nhiên, hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ, chấp hành viên chưa rõ ràng. Đã có trường hợp chấp hành viên bị nhắn tin đe doạ, thậm chí bị ném chất bẩn vào nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương cho biết nhiều tình huống éo le xảy ra trong các vụ tổ chức cưỡng chế khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn.
Giải quyết những vụ việc này đòi hỏi những người thực thi pháp luật phải có trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng xử lý tình huống linh hoạt, nếu không sẽ rơi vào thế bị động, ảnh hưởng đến tiến độ cưỡng chế, thi hành án.

Thực trạng việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án liên quan tới hệ thống tín dụng ngân hàng đang chiếm tỷ lệ khá lớn. Tâm lý ngại mua tài sản thi hành án của người dân khiến quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án gặp nhiều vướng mắc. Người phải thi hành án là doanh nghiệp thường lợi dụng các quy định của Luật Phá sản 2014 để nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, nhằm mục đích trốn tránh, kéo dài việc thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án gần như mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản, nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng cách không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc cơ quan thi hành án tiến hành xác minh tài sản, vắng mặt khỏi nơi cư trú để cản trở việc tổ chức kê biên tài sản, có lời lẽ, hành vi đe dọa chấp hành viên....

Vụ việc liên quan đến thi hành án dân sự trong các bản án hình sự như tịch thu tài sản, án phí, thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm… cũng còn nhiều bấp cập như người thi hành án trốn tránh nghĩa vụ, che giấu tài sản.

Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương, để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án, chấp hành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các quy định pháp luật thống nhất, cụ thể, nhất là sớm tổng kết Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022) và xây dựng ban hành Luật Thi hành án dân sự mới, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thi hành án dân sự được thông suốt.

NGUYỄN THẢO
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vất vả thi hành án dân sự