Hiệu quả công tác dân vận trong thi hành án dân sự

31/05/2023 09:26

Giáo dục, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án dân sự được coi là giải pháp “một mũi tên trúng nhiều đích” được các chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp trong tỉnh vận dụng.


Chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự tỉnh tuyên truyền, vận động đương sự trong vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) sáng 18.5 

Để hạn chế phát sinh vụ việc cưỡng chế phức tạp, các cán bộ, chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp trong tỉnh đã tăng cường giáo dục, vận động, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án. Để tìm hướng vận động, thuyết phục hiệu quả, trước tiên các chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của bản án, tìm hiểu nhân thân và các mối quan hệ của đương sự. Sau đó, gặp gỡ, giáo dục, tuyên truyền để các đương sự nhận thức được quyền, nghĩa vụ của mình và tự nguyện thi hành án.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án (Cục Thi hành án dân sự tỉnh), nhiều trường hợp, các chấp hành viên phối hợp chính quyền địa phương, nhờ người có uy tín trong gia đình, dòng họ, khu dân cư đến thuyết phục người phải thi hành án. "Giáo dục, thuyết phục các đương sự trong công tác thi hành án là biện pháp bắt buộc, quan trọng. Vì vậy, các chấp hành viên cần đặt vị trí của mình vào người phải thi hành án thì mới có thể phân tích tận cùng vấn đề để đương sự hiểu, tự nguyện thi hành án", ông Thịnh nói.    

Nhiều vụ việc tuy số tiền không lớn nhưng để thi hành án thì gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp như giao đất, giao con, cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn... Điển hình như vụ tranh chấp về tài sản, cấp dưỡng tiền nuôi con sau ly hôn ở huyện Nam Sách. Cụ thể, ông B.V.K. phải trả hơn 300 triệu đồng cho bà V.T.L. nuôi 2 con và một số khoản khác. Bà L. cũng có trách nhiệm trả tiền chênh lệch tài sản chung cho ông K. hơn 246 triệu đồng. Ban đầu, hai bên chưa đồng ý thỏa thuận, tự nguyện thi hành án. Các chấp hành viên đã nhiều lần gặp gỡ 2 đương sự để phân tích về nghĩa vụ của mỗi bên sau ly hôn. Nhờ thuyết phục hiệu quả, 2 bên đương sự đã thỏa thuận, tự nguyện thi hành án. 

Với những vụ khó, phức tạp, cán bộ, chấp hành viên phải kiên trì, gặp gỡ đương sự nhiều lần, tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu". Như vụ thi hành án đối với đương sự N.T.Đ. ở huyện Gia Lộc. Đương sự N.T.Đ. phải trả cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hơn 4 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án đã phối hợp nhiều lần thuyết phục, vận động gia đình đương sự tự nguyện giao tài sản để cơ quan thi hành án xử lý tài sản bảo đảm nghĩa vụ thi hành án. Vụ việc kết thúc không có khiếu nại, tố cáo.

Từ ngày 1.10.2022-31.3.2023, các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đã thi hành xong 3.244 việc, tăng 503 việc (18,53%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ban hành quyết định cưỡng chế đối với 33 trường hợp, chiếm hơn 1% tổng số việc thi hành xong. Số việc thi hành xong còn lại do các chấp hành viên làm tốt công tác giáo dục, vận động, thuyết phục người phải thi hành án và các đương sự tự nguyện thi hành. 

Sau khi được các chấp hành viên thuyết phục, vận động, các đương sự thấy rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong thực hiện quyết định thi hành án. Bà N.T.H. ở TP Hải Dương là một trong 3 người phải thi hành án liên quan đến tranh chấp về thừa kế tài sản, giao dịch chuyển nhượng đất. Bà H. cho biết sau khi nghe sự phân tích hợp tình, hợp lý của các chấp hành viên, bà và các đương sự liên quan đã tự nguyện thi hành án, tránh phát sinh mâu thuẫn. 

Ông Đồng Văn Kiên, Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết công tác vận động, giáo dục, thuyết phục trong hoạt động thi hành án dân sự có ý nghĩa và hiệu quả cao. Đó là tận dụng được mọi điều kiện của đương sự tự nguyện thi hành; tránh việc cố tình chây ỳ, chống đối không thi hành và khiếu nại, tố cáo kéo dài, không thi hành được. Trong công tác vận động, thuyết phục đã làm thay đổi từ không hợp tác sang thái độ tự nguyện của đương sự, đem lại hiệu ứng tốt trong xã hội, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Gần đây, cán bộ, chấp hành viên thi hành án trong tỉnh là những tuyên truyền viên tích cực đến cán bộ và người dân về Luật Thi hành án dân sự, Luật Ðất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình... Từ đó nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi người. Nhiều vụ việc có thể hòa giải thành ngay tại cơ sở, giảm được trường hợp khởi kiện và gánh nặng cho cơ quan pháp luật. 

NGUYỄN THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả công tác dân vận trong thi hành án dân sự