Vất vả nhân viên y tế thôn vùng xa

27/10/2019 14:28

Công việc vất vả, phụ cấp thấp, các nhân viên y tế thôn ở các vùng xa gắn bó với nghề chủ yếu bằng lòng nhiệt tình, trách nhiệm.

Anh Lương Văn Toản, nhân viên y tế thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám (TP Chí Linh) tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thôn

Đi lại khó khăn

Ở thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám (TP Chí Linh), nhân viên y tế Lương Văn Toản (44 tuổi) luôn được yêu mến nhờ cách tuyên truyền sinh động, gần gũi và dễ hiểu. Anh Toản đã 18 năm gắn bó với công việc này. Thôn Đồng Châu ở xa và rộng nhất xã. Nhiều nhà dân cách nhau hàng km, anh phải đi qua nhiều khe suối mới tới nơi.

Những ngày trời mưa gió, đường lầy lội, đi lại càng vất vả hơn. Có khi đến được nhà họ nhưng lại không gặp được, anh đành đến thêm lần nữa. Phương tiện truyền thông cũng rất khó khăn.

Các gia đình xa trung tâm loa phát thanh của xã không tới được, sóng điện thoại lại chập chờn, lúc được lúc mất. "Mỗi lần phát động uống vitamin A, tiêm vaccine cho trẻ… tôi phải đến từng nhà vận động, thông báo. Vì thế, có tình yêu với nghề thôi chưa đủ mà cần sự kiên trì, nhiệt tình", anh Toản nói.

Anh Toản còn kiêm cộng tác viên dân số và Phó Bí thư Chi bộ thôn. Dù ở công việc nào, anh cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những cố gắng của anh Toản góp phần vào thực hiện các chỉ tiêu của thôn. Hiện nay, thôn Đồng Châu có 160 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt 97,5%. Tất cả các hộ đều sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Từ năm 2014 - 2019, thôn không có người sinh con thứ ba. 

Ông Dương Văn Thiệp, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Hoa Thám cho biết xã có 6 nhân viên y tế ở các thôn và đều kiêm cả cộng tác viên dân số, trong đó 5 nhân viên nam.

Tất cả đều có trình độ sơ cấp và hầu hết đã gắn bó lâu năm với nghề. Không chỉ tham gia hỗ trợ công tác tiêm chủng mở rộng, lực lượng này còn điều tra dân số, tuyên truyền về môi trường, an toàn thực phẩm và theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các bà mẹ, trẻ em...

"Tuy công việc vất vả nhưng họ đều không ngại khó, ngại khổ, sâu sát với cơ sở, nắm bắt tình tình sức khỏe của người dân. Họ được ví như "cánh tay nối dài" của ngành y tế", ông Thiệp nói. 

Chị Trịnh Thị Miên (46 tuổi) đã có 22 năm làm nhân viên y tế thôn Bãi Thảo 3, xã Bắc An (TP Chí Linh). Những ngày đầu tham gia công tác tuyên truyền, chị Miên gặp không ít khó khăn do nhận thức người dân còn nhiều hạn chế. Thôn có 103 hộ dân với 372 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 1/3. Hầu hết người dân chưa có thói quen đến Trạm Y tế xã để khám chữa bệnh.

Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chị Miên dùng uy tín cũng như chính hoàn cảnh của bản thân để tuyên truyền, lấy tình làng nghĩa xóm đến hỏi thăm và kịp thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho họ. 

Chị Miên luôn theo dõi sát sao sức khỏe của những phụ nữ mang thai, lịch tiêm chủng của trẻ em để báo cáo kịp thời, đầy đủ về Trạm Y tế xã. Hằng tháng, chị đều đặn tới giao ban với Trạm Y tế, kịp thời nắm bắt thông tin để tuyên truyền cho người dân. Sự tận tâm, trách nhiệm của chị Miên góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ của thôn. Tình trạng sinh con thứ ba, mất cân bằng giới tính khi sinh của thôn Bãi Thảo 3 giảm rõ rệt. 

Phụ cấp thấp

Theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11.5.2009 của Thủ tướng Chính phủ, mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản hằng tháng bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.

Mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các xã vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ- TTg ngày 5.3.2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Chị Trịnh Thị Miên hằng tháng nhận được mức phụ cấp 0,3 (hơn 400.000 đồng), ngoài ra không có nguồn phụ cấp khác. Số tiền này chỉ đủ để nạp thẻ điện thoại, đổ xăng xe đi lại trong các đợt truyền thông.

Để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, chị Miên phải cày cấy, chăn nuôi thêm con vịt, con gà. "Tôi cùng các nhân viên y tế các thôn mong muốn được tăng phụ cấp hằng tháng và hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế", chị Miên cho biết.

Dù yêu nghề nhưng vì chế độ đãi ngộ thấp nên nhiều nhân viên y tế thôn không thực sự mặn mà với công việc. Không ít người đã bỏ sang làm việc khác hoặc phải kiêm thêm nhiều việc để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Việc xây dựng đội ngũ nhân viên y tế thôn cũng tồn tại nhiều bất cập do trình độ chuyên môn còn hạn chế.

Theo bà Đinh Thị Phượng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bắc An, khoản phụ cấp mà y tế thôn được nhận vẫn chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Những nhân viên y tế thôn gắn bó nhiều năm phần lớn do kinh tế gia đình đã ổn định và nhiệt tình với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Để khuyến khích đội ngũ này tận tâm hơn với công việc, các cấp trong tỉnh cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp hơn, nhất là với những xã vùng xa. "Nếu có nhân viên y tế nào xin nghỉ việc, chúng tôi rất khó tìm người để thay thế vì không phải ai cũng có kinh nghiệm và lòng yêu nghề để gắn bó lâu dài với công việc này", bà Phượng nói. 

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vất vả nhân viên y tế thôn vùng xa