Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp tuyển sinh đầu cấp, nhất là lớp 1, câu chuyện học “trái tuyến” ở TP Hải Dương lại được dư luận quan tâm.
Cách đây 1 tuần, một đồng nghiệp của tôi ở TP Hải Dương đã chạy ngược chạy xuôi để lo học “trái tuyến” cho con. Vất vả lắm anh mới có được “giấy phép con”, thường trú vào nhà người thân tại một khu dân cư theo quy định phân vùng tuyển sinh của thành phố.
Còn người quen của tôi thì vận dụng nhiều mối quan hệ, sẵn sàng chi một khoản tiền để "chạy". Bạn của chị gái tôi thì nhờ một người quen đánh tiếng với lãnh đạo nhà trường...
Quả thật, có muôn kiểu con em được học "trái tuyến". Để được vào trường "đúng tuyến", trước hết phải có hộ khẩu cư trú ở địa bàn tuyển sinh của trường. Nhiều gia đình ở địa bàn khác đành phải tìm cách nhập hộ khẩu cho con về nơi muốn học. Họ nhờ cậy các mối quan hệ để con có tên trong hộ khẩu của một nhà khác. Không chỉ nhờ gia đình thân quen xin gửi con vào hộ khẩu nhà đó mà phải nhờ cậy nhiều chỗ để làm nhanh chóng, thuận lợi việc này. Người có "tầm nhìn xa" thì đã làm việc này từ lâu.
Nhưng xin nhập hộ khẩu ké vào nhà người khác chỉ là "kế sách" của những người ít quen biết.
Có rất nhiều lý do cho việc chọn trường, lớp cho con: mong muốn con được học tập trong môi trường tốt, thuận tiện cho việc đưa đón của cha mẹ... Còn có không ít người chạy theo phong trào, chỉ để con “bằng bạn, bằng bè”, phụ huynh “mát mặt”. Để cố gắng được việc không chỉ tốn kém về tiền bạc mà còn phải chạy vạy, nhờ vả...
Thực tế, không có trường tiểu học nào được công nhận trên văn bản, giấy tờ là “trường điểm”… Một số người chạy học “trái tuyến” cho con cũng chỉ nghe nhiều người nói trường đó có tiếng chứ chưa chắc đã hiểu cụ thể về ngôi trường này.
Phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng việc cho con học đúng tuyến sẽ thuận lợi nhiều hơn, nhất là đưa đón hằng ngày; tìm hiểu kỹ chất lượng giáo dục ở các trường đúng tuyến. Chưa chắc đội ngũ giáo viên “trường điểm” đã nổi trội hơn giáo viên ở các trường khác. Môi trường học tập tốt là ngôi trường có giáo viên chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề, tận tình với học sinh; không gian trường xanh, sạch đẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đầy đủ, phong phú.
Cũng đừng nghĩ rằng chỉ có học ở ngôi trường tốt thì con mình mới học tốt. Nhiều thế hệ học sinh trước đây phải học trong điều kiện thiếu thốn và hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn có những người thành danh, có ích cho xã hội. Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến việc chung tay cùng thầy cô trong giáo dục trẻ chứ không nên mải mê “chạy trường” cho con.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng ra văn bản nghiêm cấm chạy trường, chạy lớp, học trái tuyến, nhất là ở khu vực đô thị, đông dân cư, gây áp lực cho cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành.
Năm học 2024-2025, TP Hải Dương tiếp tục phân vùng tuyển sinh lớp 1 nhằm giữ ổn định các khu vực tuyển sinh, phù hợp quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên, tạo thuận lợi cho người học. Đây là biện pháp để hạn chế tình trạng cha mẹ học sinh tập trung nộp hồ sơ nhiều vào một số trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục thực hiện chia lớp trên phần mềm máy tính nhằm hạn chế tình trạng chọn lớp, chọn giáo viên.
Việc siết chặt quản lý tuyển sinh đầu cấp của TP Hải Dương nhìn chung đã mang lại tác dụng tích cực, song chưa triệt để. Cuộc chạy đua giành suất vào “trường điểm” như ý của phụ huynh vẫn “nóng”. Có “cầu” ắt phải có “cung”. Và cũng từ đó xuất hiện tình trạng chạy vạy bằng được các giấy tờ tạm trú, thường trú hoặc các mối quan hệ để học “trái tuyến”.
Về lâu dài các địa phương cần nghĩ đến cơ chế cho các trường cạnh tranh bình đẳng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
NAM PHƯƠNG