Công việc đặc thù, vất vả, có lúc nguy hiểm, song nhiều kiểm soát viên đê điều vẫn luôn tâm huyết, yêu nghề để gìn giữ, bảo vệ an toàn cho những tuyến đê trong tỉnh.
Phải làm mới thấm, mới thấu
Dù thời gian làm kiểm soát viên đê điều chỉ còn tính bằng tháng, bằng ngày nhưng ông Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1964 ở xã Kim Anh (Kim Thành) vẫn cần mẫn với công việc như thuở mới vào nghề. Đều đặn mỗi ngày, bất kể mưa hay nắng, ông đều đặn đi xe máy từ nhà tới tuyến đê hữu sông Kinh Môn ở các xã Kim Xuyên (Kim Thành) và Thượng Quận (Kinh Môn) để kiểm tra, trông nom. Ông Hoa đã gắn bó với nghề gần 40 năm và hiện là kiểm soát viên đê điều "già" nhất tỉnh.
Sau khi xuất ngũ, năm 1984, ông Hoa được phân công về làm việc tại Hạt Quản lý đê Kim Thành với nhiệm vụ quản lý tuyến. Suốt mấy chục năm công tác, ông chưa một lần thay đổi vị trí việc làm mà chỉ đảo đổi tuyến đê được giao phụ trách. Do đó, các tuyến đê ở huyện đều in dấu chân ông.
Thời trẻ xông xáo, ông hăng hái đi địa bàn xa, tuyến dài. Giờ có tuổi ông về gần hơn, cách nhà 5 km, phụ trách tuyến chỉ chừng 4 km. Vừa nhanh tay lật từng vạt cỏ, chăm chú quan sát lưng đê tìm tổ mối, ông Hoa cười nói: “Phải làm mới thấm, mới thấu những vất vả của kiểm soát viên đê điều. Giờ đê to hơn, đẹp hơn, vững chắc hơn, kiểm soát viên cũng bớt khó khăn hơn, song nếu chủ quan, lơ là sẽ gây hậu quả lớn. Vì thế, kiểm soát viên đê điều lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng lao vào công việc bất kể ngày nghỉ, ngày lễ, không quản ngày hay đêm”.
Công việc của kiểm soát viên không đơn thuần chỉ quan sát, kiểm tra ở mỗi tuyến đê mà còn đòi hỏi phải am hiểu kiến thức về đê điều để phát hiện sự cố ngay từ đầu. Theo ông Hoa, làm kiểm soát viên phải bao quát nhiều việc thì mới có thể bảo đảm an toàn cho tuyến đê, nhất là trong mùa mưa bão. Vì thế, dù được giao tuyến ngắn, ông vẫn mất nửa ngày mới có thể hoàn thành việc kiểm soát, kiểm tra tuyến. Ngoài việc dò tìm vết nứt, tổ mối ở thân đê thì kiểm soát viên còn phải quan sát bãi sông và hành lang bảo vệ đê trong đồng cách chân đê 25 m. Diện tích lớn nhưng không được phép kiểm tra qua loa vì sự cố đê điều thường diễn biến rất nhanh. Nếu không phát hiện, xử lý sớm thì chỉ cần vết nứt nhỏ cũng sẽ thành nguy cơ lớn. Bên cạnh đó, kiểm soát viên phải bám tuyến để kịp thời ngăn chặn vi phạm phát sinh, hạn chế nguy cơ gây mất an toàn đê điều.
Công việc ngoài trời với cánh mày râu đã vất vả thì với nữ kiểm soát viên đê điều lại càng khó khăn hơn. 16 năm lăn lộn đi tuyến, chị Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1984 ở Hạt Quản lý đê Thanh Hà luôn phải phơi nắng, dầm mưa. Không những vậy, nguy nan còn luôn cận kề trong lúc làm việc. Bờ đê thường xa khu dân cư, hoang vu, hẻo lánh mà công việc thì độc lập, một mình. Ngày trước, một số đoạn đê còn là tụ điểm hút chích của người nghiện ma túy. Chị Hiền nhiều lần vừa đi kiểm tra đê vừa lo lắng, bất an. “Khi mới làm kiểm soát viên đê điều, tôi cũng nhiều lần đắn đo, trăn trở vì công việc đặc thù, có thể đối mặt với hiểm nguy. Tuy vậy, vượt lên tất cả, tôi vẫn bám trụ với nghề đến tận bây giờ”, chị Hiền chia sẻ.
Chị đang phụ trách tuyến đê hữu sông Rạng qua địa bàn các xã Thanh An, Thanh Lang (Thanh Hà) với chiều dài khoảng 8 km, là tuyến tương đối phức tạp, dễ xảy ra sự cố và phát sinh vi phạm. Đây cũng là lo ngại lớn nhất của kiểm soát viên đê điều. Theo chị Hiền, cả hai mối lo này thường đến bất ngờ, nếu kiểm soát viên không bình tĩnh xử lý tình huống sẽ gây hậu quả xấu. Bất kể mùa mưa bão hay nắng hạn, chị đều tỉ mỉ lần tìm xem có vết nứt quanh đê hay ngoài bờ sông, mạch đùn, mạch sủi khu trong đồng. Việc kiểm tra đê mất nhiều thời gian, công sức vì có nhiều đoạn cỏ dại mọc um tùm rất khó quan sát. Có đối tượng thường lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ để vi phạm, làm tổn hại tuyến đê, gia tăng nguy cơ gây mất an toàn. Để tránh bị động, chị Hiền thường xuyên đi tuyến ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ. Do đó, thời gian chị dành cho gia đình, con cái cũng eo hẹp hơn. Chưa kể, không ít lần xử lý vi phạm, chị bị đe doạ, khủng bố tinh thần, khiến áp lực công việc càng tăng. Dẫu vậy, những vất vả, nguy nan càng tôi luyện chị bản lĩnh vững vàng, quyết tâm bám tuyến trong mọi hoàn cảnh, tình huống.
Say nghề
Đã lớn tuổi lại nhiều năm trong nghề kiểm soát viên đê điều nhưng ông Trần Đức Chỉnh, sinh năm 1965 ở xã Quang Thành (Kinh Môn) vẫn hăng hái, xung phong nhận phụ trách tuyến đê khó khăn, xa xôi. Nếu như nhiều đồng nghiệp quản lý những tuyến đê đã bê tông hoá phẳng phiu, thuận tiện cho việc kiểm soát, kiểm tra thì ông Chỉnh vẫn phải đi lại vất vả vì hơn 10 km đê ông đảm nhận trông nom vẫn gồ ghề, lắt léo, nắng thì bụi, mưa thì sình lội. Nhà ở mạn ngoài song ông đã làm nhiệm vụ trông nom ở tuyến đê khu đảo của thị xã hơn 30 năm nay.
Ông Chỉnh được giao kiểm soát ở 3 tuyến đê hữu sông Đá Vách, tả sông Kinh Thầy và tả sông Hàn Mấu thuộc các phường Tân Dân, Minh Tân, Phú Thứ (Kinh Môn). Địa hình phức tạp, các tuyến không thông nhau mà nằm xen kẽ với khu dân cư. “Có đoạn đê chỉ cách 200 m nhưng phải đi vòng vèo mới tới. Anh em thấy tôi vất vả, có tuổi cũng muốn tôi về gần nhà cho tiện, để tuyến khó cho kiểm soát viên trẻ nhưng cơ quan có người ở Gia Lộc, Tứ Kỳ về Hạt Quản lý đê Kinh Môn làm việc mà lại phân công phụ trách tuyến xa cũng không phù hợp. Do vậy, tôi muốn san sẻ khó khăn với mọi người”, ông Chỉnh nói về lý do nhận tuyến đê vừa xấu, vừa xa theo đánh giá của người trong nghề.
Tuyến đê ông Chỉnh phụ trách là đê địa phương nên việc nâng cấp, cải tạo chưa nhiều, nếu có cũng chỉ đầu tư chắp vá, nhỏ lẻ. Vì đê nhỏ, hẹp, ông Chỉnh luôn canh cánh nỗi lo, nhất là trong mùa mưa bão. Cứ nghe tin bão, lũ về, dù chưa có chỉ đạo nhưng ông đã sốt sắng tới hiện trường xem xét. Ngay cả khi mưa tạnh, bão tan thì mối lo sạt lở vẫn thường trực. Điều ông lo nhất hiện tại là hầu hết cống dưới đê đã xuống cấp nghiêm trọng, khó chống chọi với thời tiết cực đoan. Ông trải lòng: “Nếu không yêu, không tâm huyết với nghề thì khó gắn bó với công việc kiểm soát viên đê điều lâu đến vậy. Công việc này đòi hỏi phải có sức khoẻ, lòng kiên trì, quyết tâm, bản lĩnh thì mới có thể vượt qua được những khó khăn, vất vả, thậm chí cám dỗ”.
Chưa có kinh nghiệm, ít va vấp, anh Nguyễn Quốc Vượng, sinh năm 1996 ở Hạt Quản lý đê Chí Linh đang nỗ lực rèn luyện, trau dồi để trở thành kiểm soát viên đê điều đáp ứng được yêu cầu công việc. Do lực lượng mỏng, anh Vượng quản lý tuyến đê tả sông Kinh Thầy dài 9,4 km thuộc phường Tân Dân và xã Đồng Lạc (Chí Linh). Đây là địa bàn phức tạp, điểm nóng vi phạm với nhiều bến bãi hoạt động không phép. Mặt khác, nơi đây có bãi sông rộng, dễ phát sinh vi phạm xây dựng công trình, xâm hại đến hành lang đê điều. Có cá nhân, tổ chức cố tình, bất chấp thực hiện hành vi vi phạm và sẵn sàng liều lĩnh khi va chạm với kiểm soát viên đê điều. Vì thế, đôi khi không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đê mà còn kiểm soát viên đê điều còn phải lo bảo đảm an toàn cho chính bản thân. Nguy hiểm luôn thường trực nhưng điều mà anh Vượng bận tâm nhất không phải vấn đề an nguy của bản thân mà là chưa được trải nghiệm, thực hành từ thực tế. Anh e ngại vì mới chỉ nắm bắt kỹ năng, kỹ thuật xử lý sự cố đê điều qua tài liệu, sách vở, sợ khi áp dụng vào thực tế sẽ lúng túng, bị động.
Lâu rồi địa bàn Hải Dương chưa có bão to, lũ lớn nhưng không phải vì thế mà công việc của kiểm soát viên đê điều nhàn hạ hơn. Nỗ lực, thầm lặng - họ đang ngày đêm góp phần bảo vệ tuyến không chỉ trước tác động của thiên tai mà còn của những người vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng tới an toàn đê điều.
Hệ thống công trình đê điều của tỉnh Hải Dương khá lớn gồm 19 tuyến đê với tổng chiều dài 374 km, trong đó 256 km đê từ cấp III trở lên, 118 km đê cấp II và cấp I ; 81 tuyến kè, 10 vị trí bờ lở và 279 cống dưới đê. Năm 2023, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh nhận định hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh vẫn còn 30 trọng điểm, 36 vị trí xung yếu cần đặc biệt chú ý trong mùa mưa bão… Toàn tỉnh có 78 kiểm soát viên quản lý trực tiếp các tuyến đê thuộc Chi cục Thuỷ lợi tỉnh.
DŨNG CƯỜNG