Vận tải thủy phục hồi

21/11/2014 03:31

Hai năm gần đây, sự hồi phục của nền kinh tế cộng với việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe giúp các doanh nghiệp vận tải thủy "dễ thở" hơn.



Nhu cầu vận tải thủy tăng tạo thêm nhiều việc làm mới cho các doanh nghiệp đóng tàu
. Trong ảnh: Đóng mới tàu ở Công ty CP Lilama 69-3


Nguồn hàng dồi dào

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trần Đức Lanh, Giám đốc Công ty CP Thương mại vận tải Thái Hà ở huyện Kinh Môn không giấu được niềm vui khi thời gian vừa qua công ty đã ký được nhiều đơn hàng hơn. Giai đoạn khó khăn nhất của công ty kéo dài từ năm 2008 đến tận năm 2012. Khi đó, đơn vị chỉ có 5 tàu vận tải cỡ nhỏ với tổng tải trọng chưa đến 5.000 tấn. Đơn hàng ít, nhiều khách hàng quỵt tiền khiến hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo doanh nghiệp phải chạy đôn đáo khắp nơi để tìm nguồn hàng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Từ đầu năm 2013, khi kinh tế dần hồi phục, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, công ty tìm được nhiều nguồn hàng. Ông Lanh cho biết: "Cuối năm 2012, nhận thấy những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế, công ty bắt đầu bổ sung thêm phương tiện từ việc đóng mới hoặc mua lại của một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện tại, đội tàu 17 chiếc với tổng tải trọng trên 20 nghìn tấn của chúng tôi chuyên chở clanh-ke cho các công ty xi-măng hoặc sắt thép, đạm, lân tuyến miền Trung. Riêng năm 2013, tổng lượng hàng hóa vận chuyển của chúng tôi đạt gần 1 triệu tấn, tăng 50% so với năm 2012. Năm 2014, lượng hàng vận chuyển cũng đạt khá, tương đương năm 2013".

Sản lượng hàng hóa vận chuyển của Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Tuấn Cường (Kinh Môn) cũng tăng liên tục. Từ đầu năm đến hết ngày 15 - 11, tổng lượng hàng vận chuyển của công ty đã đạt gần 700 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm 2013. Giám đốc công ty, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết, công ty thành lập năm 2006, nhưng chưa đầy 2 năm đã phải đối mặt với giai đoạn khó khăn tưởng không thể vượt qua được. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể khiến nhu cầu vận tải giảm đi rõ rệt. Bên cạnh đó, vận tải đường bộ phát triển, nhiều doanh nghiệp không lựa chọn phương tiện vận tải thủy, cũng ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Thời gian từ năm 2008 đến 2012, lãnh đạo công ty cố gắng duy trì hoạt động để lo công ăn việc làm cho mấy chục con người với hy vọng kinh tế sẽ dần hồi phục. Từ cuối 2012, một số nhà máy xi-măng chuyển hướng xuất khẩu clanh-ke nên công ty cũng có nhiều đơn hàng hơn, chủ yếu xuất khẩu than, vận chuyển vật tư nông nghiệp từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe được triển khai buộc nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn vận tải thủy làm phương tiện chuyên chở chính. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có điều kiện tăng trưởng. Hiện tại, đội tàu của công ty có 20 chiếc với tổng tải trọng khoảng 20 nghìn tấn. Công ty cũng dự định đóng thêm tàu mới có tải trọng lớn hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở xa.

Nhiều khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 53 doanh nghiệp vận tải thủy với tổng tải trọng đạt gần 1 triệu tấn. Từ năm 2012 trở lại đây, tổng sản lượng hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa luôn tăng bình quân 9,4%/năm. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp vận tải thủy trên địa bàn đóng mới 50 tàu, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2013 với tải trọng trung bình 1.000 tấn/tàu, nhiều tàu có tải trọng lên tới 2.000 tấn. Ngoài ra, gần 800 phương tiện vận tải thủy được kiểm tra thường xuyên, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013. Số lượng tàu đóng mới và kiểm tra thường xuyên tăng chứng tỏ ngành vận tải thủy từng bước vượt qua khó khăn. Hiện tại, mặt hàng chủ lực của vận tải thủy là than, vật liệu xây dựng, phân bón, lương thực. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải thủy còn tham gia chuyển tải hàng hóa từ tàu biển tại Hải Phòng, Quảng Ninh…



Do nhu cầu vận tải thủy tăng mạnh nên năm nay Cảng thủy nội địa Phú Thái thuộc Xí nghiệp
Cơ khí Thắng Lợi (Kim Thành) phấn đấu bốc xếp 1,5 triệu tấn hàng, tăng 50% so với năm trước


Theo ông Trần Quang Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hưng Thịnh (TP Hải Dương), so với vận tải đường bộ thì vận tải đường thủy có lợi thế do giá cước rẻ, khối lượng vận chuyển lớn. Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, nhu cầu vận tải thủy từ năm 2013 đến nay cũng tăng mạnh so với thời điểm trước năm 2012. Đặc biệt, việc siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng xe được triển khai mạnh mẽ cũng là cơ hội của các doanh nghiệp vận tải thủy càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, như thừa nhận của một số doanh nghiệp, vận tải thủy vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Quy hoạch giao thông đường thủy chưa mang tính tổng thể, thiếu sự liên kết giữa các ngành vận tải nên hiệu quả đầu tư mang lại chưa cao. Công nghệ bốc xếp của hệ thống cảng, bến thủy chủ yếu trong tỉnh còn rất thô sơ, không có khả năng tiếp cận những phương tiện cỡ lớn. Tàu nhiều, nhưng trọng tải và công suất nhỏ, khả năng an toàn thấp dẫn đến tầm hoạt động bị hạn chế, hiệu quả kinh tế thấp. Các doanh nghiệp vận tải thủy hầu hết là tư nhân, phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính và phương tiện cũ, không phát huy được lợi thế. Không những thế, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải thủy chưa được chú trọng. Không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong nước nên ngành vận tải thủy trên địa bàn tỉnh rất khó phát triển.

Quan trọng nhất lúc này là Nhà nước cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, còn các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện vận tải, ngành vận tải thủy sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ.

VỊ THỦY


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận tải thủy phục hồi