Vẫn nhiều phức tạp

21/04/2014 04:25

Cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, khiến mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn.




Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Mẹ chồng, nàng dâu" thôn Quan Sơn (xã An Sơn, Nam Sách)
 thường xuyên hội ý giải quyết những khúc mắc trong quan hệ mẹ chồng, nàng dâu


Mâu thuẫn

5 năm trước, chị Trần Thị H. lấy chồng ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương). Cả hai vợ chồng đều làm công nhân sáng đi tối về nên chị H. không hề lo lắng gì khi phải sống chung với nhà chồng được cho là rất dễ nảy sinh mâu thuẫn. Chị H. cũng là người khéo léo, vào ngày nghỉ thường nhỏ to tâm sự với mẹ chồng nên quan hệ giữa 2 người ngày càng gắn bó. Nhưng từ ngày cậu em chồng lập gia đình, nhà thêm nàng dâu nữa thì mọi chuyện thay đổi hẳn. Cô con dâu thứ 2 làm việc có thu nhập cao hơn, thường xuyên mua sắm đồ dùng và quà cáp cho mọi người trong nhà nên được coi trọng. Mẹ chồng tuy không nói thẳng ra nhưng nhiều lúc cũng bóng gió chê trách con dâu cả kém cỏi. Quan hệ giữa chị H. và mẹ chồng cứ thế rạn nứt. Vợ chồng chị H. đã nhờ hai bên nội, ngoại, rồi vay mượn thêm để mua mảnh đất nhỏ và xây căn nhà cấp 4 ra ở riêng khi đứa con đầu lòng tròn 1 tuổi. Khi chị H. sinh đứa thứ hai, bà nội cũng chỉ trông cháu vài tháng. Đứa nhỏ chưa đầy 10 tháng tuổi, chị H. đã phải gửi ở một nhóm trẻ tư nhân để đi làm. Trong khi đó, nàng dâu thứ 2 và con gái sinh con, bà lại chăm bẵm đến khi cứng cáp mà không than vãn gì. Việc này làm chị H. rất tủi thân. Khi mâu thuẫn lên đỉnh điểm, mẹ chồng, nàng dâu (MCND) lời qua tiếng lại, những việc nhỏ hằng ngày tích tụ lại được mang ra mổ xẻ khiến tình cảm mẹ con càng sứt mẻ.

Vợ chồng chị  Phạm Thị D. ở phường Cẩm Thượng lâu lâu mới về quê thăm bố mẹ một lần. Khi chị D. sinh con, mẹ chồng lên chăm cháu thì mâu thuẫn cũng bắt đầu nảy sinh. Vốn ở quê, chỉ quen chân lấm tay bùn, nay lên thành phố cái gì cũng bỡ ngỡ, vụng về nên mọi việc mẹ chồng làm đều khiến chị D. không vừa lòng. Khi đứa bé lớn, chị D. cho con ăn dặm theo kiểu Nhật Bản là xu hướng được nhiều bà mẹ trẻ thời nay áp dụng thì mẹ chồng nhất quyết không đồng ý. Với kinh nghiệm nuôi ba đứa con khôn lớn, bà khăng khăng cho cháu ăn theo ý mình. Chị D. cũng kiên quyết bảo vệ quan điểm. Mỗi người cho ăn một kiểu, kết quả là đứa bé vừa không hấp thụ được, lại thường xuyên gặp vấn đề về đường tiêu hóa khiến thể trạng yếu ớt, chậm lớn so với tuổi của mình.

Mối quan hệ MCND của chị Bùi Thị L. ở xã An Sơn (Nam Sách) cũng đã từng rơi vào bế tắc. Chị L. đi làm công nhân cho một công ty may nên hằng ngày phải nhờ mẹ chồng đưa đón con nhỏ đi học lớp mẫu giáo. Vốn không hòa hợp nên hằng ngày hai mẹ con chị L. thường xuyên có những va chạm. Tình cảm không tốt cộng với suy nghĩ mẹ chồng vốn khó khăn về kinh tế nên chị L. đã đưa tiền nhờ hàng xóm nộp học phí cho con, trong khi mẹ chồng là người đưa đón cháu. Như giọt nước tràn ly, sau sự việc này hai mẹ con chị L. đã lời qua tiếng lại. Kết quả, chị L. khăn gói về nhà mẹ đẻ và có ý định ly dị chồng vì mối bất hòa trên.

Làm gì để dung hòa?

Theo chị Nguyễn Thị Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Sơn (Nam Sách), ngày nay mối quan hệ MCND đã được cải thiện hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên mâu thuẫn vẫn xảy ra, đặc biệt là ở những gia đình mà MCND quá chênh lệch về tuổi tác, dẫn đến quan điểm sống khác nhau. Ngoài ra, do sự phát triển của xã hội, những nàng dâu thường đi làm việc ở ngoài, tiếp nhận nhiều thông tin nên cách sống cũng có nhiều khác biệt, khó hòa hợp với mẹ chồng. Ngày nay, vị trí của người phụ nữ trong gia đình nói chung, con dâu nói riêng đã được nâng lên. Phần lớn phụ nữ đã tham gia làm kinh tế, đóng góp chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày nên họ đóng vai trò không nhỏ trong gia đình. Việc thường xuyên được tiếp cận với nguồn thông tin rộng lớn về mọi mặt đời sống cũng giúp phụ nữ có cách nhìn và lối sống hiện đại, khoa học hơn. Vì vậy, khoảng cách giữa 2 thế hệ, một bên là mẹ chồng quen với nếp sống cũ, một bên là những nàng dâu có phần hiện đại sẽ khó tránh khỏi mâu thuẫn, chủ yếu do khoảng cách về tư tưởng, lối sống gây nên. Đây cũng chính là lý do mà Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh thời gian qua đã quan tâm chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động của 484 câu lạc bộ "Mẹ chồng, nàng dâu", giúp hài hòa mối quan hệ vốn không ít phức tạp này.

Ngoài ra, để dung hòa những mâu thuẫn ấy còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ cả hai phía mẹ chồng và nàng dâu. Bà Cao Thị Khánh ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) có 2 cô con dâu nhưng vẫn giữ được mối quan hệ MCND hài hòa, chia sẻ: "Trong cuộc sống hằng ngày, tôi không bao giờ phân biệt đối xử giữa con dâu và con gái, giữa con dâu với con dâu. Mình tốt với các con, tạo điều kiện cho các con làm việc thì ắt các con cũng sẽ cảm mến và tốt với mình". Bà Khánh cho biết, vào những ngày gia đình có giỗ, bố mẹ đã già, mọi việc lẽ ra phải do con dâu trưởng gánh vác nhưng vào ngày ấy con dâu còn phải đi làm nên bà vẫn vui vẻ một mình lo sắm thay con.  Hoặc khi bản thân đau ốm nhưng con dâu ở xa chưa kịp về thăm, bà cũng thông cảm chứ chẳng chê trách gì. Bà cũng thường xuyên nhắc nhở con gái đi làm dâu phải làm trọn việc nhà chồng, quan tâm chia sẻ mọi việc với gia đình chồng để vun đắp mối quan hệ MCND tốt đẹp.

Ngoài sự bao dung, thông cảm của mẹ chồng thì các nàng dâu thời nay cũng cần có sự nhìn nhận đúng đắn về quan điểm "bình đẳng" trong gia đình. Bình đẳng ở đây là có sự tôn trọng lẫn nhau, người dưới kính trọng người trên, để giải quyết mọi mâu thuẫn, thắc mắc. Đồng thời, các nàng dâu cũng cần thường xuyên gần gũi để hiểu hơn về mẹ chồng hoặc theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" để làm thay đổi nhận thức của những bà mẹ chồng vẫn giữ nếp sống cũ thiếu khoa học. Người đàn ông là con, là chồng trong gia đình khi xảy ra mâu thuẫn cũng phải khéo léo phân xử, chứ không nên công khai đứng về phía nào để tránh "đổ thêm dầu vào lửa".

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn nhiều phức tạp