Nguyên nhân các vụ tai nạn phần lớn do lỗi của chủ sử dụng lao động đã vi phạm các quy định về ATLĐ, sau đó là lỗi sơ ý, chủ quan của người lao động.
Nơi xảy ra tai nạn lao động dẫn đến cái chết của anh Trần Huy Dũng (Công ty CP Thép Hòa Phát)
Theo Ban Quản lý Chương trình An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh, đại bộ phận chủ sử dụng lao động đều xác định được trách nhiệm phòng, chống tai nạn lao động (TNLĐ), phòng, chống cháy, nổ và bệnh nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 85% số doanh nghiệp thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, xây dựng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên, cử người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để giám sát chặt chẽ, tự kiểm tra về ATVSLĐ nhằm chủ động phát hiện những nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Người lao động ngày càng ý thức rõ trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ và bệnh nghề nghiệp.
Tuy đã được các cấp, các ngành và đặc biệt là các doanh nghiệp quan tâm đến công tác an toàn lao động (ATLĐ), song có một thực tế tại các doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATLĐ. Theo số liệu của ngành chức năng, việc xảy ra TNLĐ trong các doanh nghiệp tuy có giảm, nhưng không đáng kể và vẫn ở mức khá cao. Cụ thể, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 73 vụ TNLĐ, trong đó có 9 vụ nghiêm trọng, làm 9 người chết, 1 người bị thương (đó là chưa kể 3 vụ tai nạn giao thông được coi là TNLĐ, làm 6 người chết, 2 người bị thương). Còn từ đầu năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ TNLĐ gây chết người, làm 4 người chết, 1 người bị thương. Đặc biệt có doanh nghiệp liên tiếp để xảy ra TNLĐ gây chết người như Công ty CP Thép Hòa Phát. Trong năm 2012, công ty này để xảy ra 4 vụ TNLĐ, làm chết 4 công nhân, trong quý I năm 2013, để xảy ra 2 vụ TNLĐ chết người.
Kiểm tra vật liệu nổ tại kho vật liệu của Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương
Một cán bộ thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thực tế qua điều tra các vụ TNLĐ xảy ra tại doanh nghiệp cho thấy, phần lớn do lỗi của chủ sử dụng lao động đã vi phạm các quy định về ATLĐ. Sau đó mới là lỗi sơ ý, chủ quan của người lao động. Đơn cử như vụ TNLĐ xảy ra ngày 4 - 2 - 2012 tại Công ty CP Thép Hòa Phát khiến công nhân Trần Huy Dũng tử vong. Đối với vụ này, người sử dụng lao động có lỗi là tại khu vực sản xuất không có biển báo, biển chỉ dẫn về ATLĐ, vệ sinh lao động đặt ở vị trí mọi người dễ thấy; không có biện pháp kiểm tra phù hợp nên trong bãi chứa phôi thép có kiêu phôi xếp quá chiều cao theo quy định; không có quyết định phân công bằng văn bản đối với người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Công ty này cũng không tổ chức đào tạo, huấn luyện ATLĐ riêng cho những công nhân điều khiển thiết bị nâng và công nhân móc tải; không thực hiện quy định an toàn khi vận hành cầu trục... Hay như vụ tai nạn ngày 10 - 5 - 2012, tại công trường thi công xây dựng Nhà máy Hợp kim sắt mở rộng giai đoạn 2 của Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên làm công nhân Lê Văn Khánh (Công ty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp, nhà thầu thi công công trình) chết. Đối với vụ việc này thì Công ty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp có lỗi là không thực hiện đúng quy định về ATLĐ trong xây dựng.
Theo đánh giá của Ban Quản lý Chương trình ATVSLĐ tỉnh, công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ và bệnh nghề nghiệp của tỉnh ta còn hạn chế là do một số ít người sử dụng lao động và người lao động vẫn không chấp hành nghiêm ATVSLĐ. Người lao động chưa thấy hết trách nhiệm, quyền lợi của mình trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ.
PV