Vạn Kiếp vang vọng chiến công

30/09/2012 11:45

Vạn Kiếp hay Kiếp Bạc là địa danh cổ có từ thời Trần, nay thuộc xã Hưng Đạo (Chí Linh), nơi có đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.



Cánh đồng Kiếp, thôn Vạn Yên được cho là nơi đã diễn ra trận Vạn Kiếp huyền thoại xưa


Đây vốn là phòng tuyến quân sự được Trần Hưng Đạo xây dựng ở thế kỷ XIII để bảo vệ kinh thành Thăng Long. Trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thì hai lần có các trận đánh quan trọng diễn ra tại nơi này.

Giờ về Kiếp Bạc, đứng trên bờ sông Thương ngắm nhìn đất trời thấy thật thanh bình. Dấu tích chiến trường xưa không còn song núi sông vẫn đây, địa danh còn đó. Bà Trần Thị Sớm, người làng Vạn Yên cho biết: “Quanh ngôi làng tôi ở chỗ nào cũng có những dấu tích liên quan đến Đức Thánh Trần như Hành Cung, nơi đặt doanh trại, xóm Hống, một trung tâm sản xuất gốm từ thời Trần”... Dẫn chúng tôi lên núi Bắc Đẩu, chỉ xuống dòng nước bao quanh chân núi phía bắc, ông Đỗ Văn Ngạch, người làng Vạn Yên cho biết: “Đó chính là sông Vang, nơi đặt xưởng thuyền của Trần Hưng Đạo ngày trước”. Sông Vang không lớn, có một cửa ăn với sông Thương, một cửa dẫn vào thung lũng. Xưa kia, mỗi khi các chiến thuyền được đóng xong sẽ hạ thủy tại đây để ra sông lớn. Ngày nay, địa danh sông Vang, xưởng thuyền vẫn được người dân sử dụng. Phía cuối sông Vang chính là Sinh từ (đền thờ Trần Hưng Đạo được lập khi ông còn sống). Tại đây vẫn còn nền gạch cũ. Nhưng theo ông Ngạch, địa danh đặc biệt nhất ở Vạn Yên chính là Bãi Kiếp hay cánh đồng Kiếp rộng lớn. Nhiều nhà khoa học, sử học về nghiên cứu ở đây đều nhận định, trận Vạn Kiếp huyền thoại xưa đã diễn ra ở thung lũng này.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Tháng chạp năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên - Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành vào cướp nước ta. Quân ta do Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy thấy giao chiến bất lợi, lui về đóng ở bến Vạn Kiếp. Các con trai của Hưng Đạo Đại Vương là Hưng Vũ Vương Nghiễn, Hưng Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội quân ở đền Kiếp Bạc để chống quân Nguyên. Đến tháng 5-1285, quân nhà Trần bắt đầu phản công. Tại Vạn Kiếp, Hưng Đạo Đại Vương giao chiến ác liệt với cánh quân của Thoát Hoan. Quân Nguyên bị thua, chết đuối rất nhiều. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn về nước.

Lần thứ hai, Vạn Kiếp trở thành chiến trường là tháng 2-1288, Thoát Hoan cùng Ô Mã Nhi hợp 30 vạn quân đánh vào đây. Chiếm được Vạn Kiếp, quân Nguyên thuận dòng xuôi về phía đông hòng tiêu diệt triều đình nhà Trần. Sau trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, quân Nguyên rút chạy về nước. Trên đường qua Vạn Kiếp đến biên giới chúng bị quân ta tập kích, thiệt hại vô kể.

Từ núi cao nhìn xuống, cánh đồng Kiếp là một vùng rộng ngút tầm mắt, bao quanh là sông Thương và sông Lục Nam. Mùa này nước sông lên to, cả cánh đồng ngập trắng. Người dân cho biết, cánh đồng Kiếp màu mỡ nhưng một năm cũng chỉ cày cấy được một vụ chiêm xuân.

Cũng từ trên đỉnh núi Bắc Đẩu, nhìn ra sông Thương còn thấy một dải đất kỳ lạ chạy dài hình lưỡi kiếm phía trước cửa đền Kiếp Bạc có tên Cồn Kiếm. Ứng với địa danh này là truyền thuyết Đức Thánh Trần chém giặc Phạm Nhan. Truyện kể, Phạm Nhan là tướng giặc biết tà thuật nên nhiều trận đã phá được quân ta. Yết Kiêu đã dùng tài bơi lội đục thuyền bắt được Phạm Nhan. Trần Hưng Đạo sai đem chém để trừ họa, nhưng cứ chém đầu này thì Phạm Nhan lại mọc đầu khác. Khi đó có bà hàng cơm mách lấy vôi trộn với phân gà sáp bôi vào gươm mới chém được. Sau đó, Hưng Đạo Vương về sống ở Kiếp Bạc. Một lần đi thuyền trên sông Thương, ngài rút thanh kiếm khỏi bao và nói: “Thanh kiếm này đã gắn bó với ta cả cuộc đời, đã từng dính máu nhiều quân giặc Thát, đã phải bôi phân gà sáp, vôi tôi và bồ hóng để chém Phạm Nhan dơ bẩn. Nay nhờ nước sông gột rửa”. Nói rồi, ngài thả thanh kiếm xuống dòng sông. Nơi ngài thả kiếm phù sa bồi tụ thành Cồn Kiếm ngày nay. Nếu ngược mạn sông Thương, chúng ta còn gặp ngôi đền thờ bà hàng cơm, người đã hiến cho Trần Hưng Đạo cách chém Phạm Nhan.

Chiến trường Vạn Kiếp xưa còn ghi dấu một câu chuyện xúc động về tình tướng sĩ. Chuyện kể: Yết Kiêu cùng với Dã Tượng là hai gia nô trung thành của Hưng Đạo Đại Vương. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền chờ ở Bãi Tân (trên sông Lục Nam), Dã Tượng đi theo Hưng Đạo Đại Vương. Khi quân Việt thua chạy, thủy quân bị tan cả. Hưng Đạo Đại Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói: “Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không rời thuyền”. Hưng Đạo Đại Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó, vui mừng nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi”. Nói xong chèo thuyền đi, kỵ binh Nguyên đuổi theo không kịp.

Nếu có dịp về với Kiếp Bạc, du khách không những được đắm mình vào không khí lễ hội linh thiêng mà còn được nghe kể rất nhiều truyền thuyết ca ngợi võ công và ân đức của Đức Thánh Trần.

NGUYÊN DÃ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vạn Kiếp vang vọng chiến công