Vận động kết hôn trước tuổi 30 là gợi ý của Bộ Y tế để giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh và mức sinh thấp đang diễn ra tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Các bạn trẻ có những quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Vừa qua, bài viết có nội dung kêu gọi "Vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn, khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi" trên Fanpage Thông tin Chính phủ đã thu hút lượt tương tác lớn với hơn 179.000 lượt yêu thích, 128.000 bình luận, 47.000 lượt chia sẻ.
Đây là một trong những gợi ý của lãnh đạo Bộ Y tế để góp phần giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh và mức sinh thấp đang diễn ra tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Rất nhiều bạn trẻ đã chia sẻ bài viết trên.
Anh Phạm Khắc Điểm ở huyện Cẩm Giàng rất ủng hộ lời kêu gọi, vận động nam nữ thanh niên không kết hôn muộn, khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi. Theo anh, tuổi kết hôn và sinh con đẹp nhất là trước 27 tuổi.
Mặc dù vậy, năm nay đã 30 tuổi nhưng anh vẫn đang độc thân và chưa sẵn sàng kết hôn. Anh cho rằng công việc hiện chưa ổn định, thu nhập còn hạn chế, chưa bảo đảm được mức sống cá nhân nên chưa thể chăm lo cho cuộc sống gia đình. Nếu kết hôn thì phải lo toan rất nhiều cho tổ ấm và sự phát triển của con cái.
“Theo tôi, cùng với vận động nam nữ thanh niên không kết hôn muộn, Chính phủ cũng nên quan tâm đến nguyện vọng và hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế gia đình”, anh Điểm nói.
Chưa sẵn sàng kết hôn không chỉ là câu chuyện của riêng anh Điểm. Có một thực tế hiện nay là nhiều người trẻ ngại kết hôn. Dù họ cũng nghĩ đến chuyện yên bề gia thất nhưng còn nhiều lý do khiến bản thân lo lắng và cảm thấy không tự tin để lập gia đình.
25 tuổi, vừa mới chia tay mối tình đầu nên chị N.T.T.H ở Nam Sách cảm thấy cần có nhiều trải nghiệm, tâm lý vững vàng hơn trong chuyện tình cảm rồi mới tiến đến hôn nhân.
Chị H nói: "Chưa có nhiều kinh nghiệm yêu đương cũng là một khó khăn trong cuộc sống vợ chồng, giải quyết các tình huống... nên tôi cần thêm vài mối tình để chín chắn hơn trong suy nghĩ và tình yêu. Đối với tôi ngoài 28 tuổi là phù hợp để xây đắp một gia đình riêng khi cả kinh tế và tâm lý đều đã vững".
Theo chị H, giới trẻ bây giờ cảm thấy áp lực kinh tế trước hôn nhân. Cả chị và bạn bè khi nghĩ đến kết hôn, sinh con đều thấy có rất nhiều thứ phải lo, đặc biệt lo về tài chính.
Mặc dù đã ra trường, đi làm được hơn 3 năm, có một chút tích góp nhưng theo chị H, như vậy vẫn chưa đủ để tự tin kết hôn, trang trải cuộc sống riêng.
“Có thể quan điểm của thế hệ trước là yên bề gia thất trước rồi làm kinh tế, nhưng chúng tôi lại muốn ổn định kinh tế trước khi kết hôn để không nảy sinh nhiều vấn đề. Hiện tôi vẫn muốn đi làm thêm khoảng 3-4 năm nữa, vững chắc về tài chính rồi mới nghĩ tới chuyện gia đình”, chị H bày tỏ thêm.
Theo Tổng cục Thống kê, độ tuổi kết hôn trung bình của người Việt đã tăng liên tục trong những thập kỷ qua. Từ mốc 24,4 tuổi năm 1989 lên 27,9 vào năm 2020. Ở một số thành phố lớn, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới đã xấp xỉ 30. Chuyện kết hôn với nam giới tại Việt Nam lại càng khó khăn hơn do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Kết hôn được 8 năm, đến nay chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (30 tuổi, ở TP Hải Dương) đã là mẹ của 2 thiên thần nhỏ. Cũng như nhiều bạn trẻ, trước khi bước vào hôn nhân, chị lo lắng cuộc sống hôn nhân sẽ khác lúc yêu, phải nuôi dạy con ra sao, tình cảm vợ chồng sẽ thế nào. Như bao gia đình khác, gia đình chị cũng có những lúc giận hờn, cãi vã nhưng mỗi người đều hiểu, thông cảm cho nhau, cùng ngồi xuống để trao đổi, chia sẻ và lắng nghe nhiều hơn nên khá yên ấm.
Từ kinh nghiệm cá nhân, chị Ngọc Anh rất đồng tình với quan điểm kết hôn trước tuổi 30. Theo chị, độ tuổi đẹp nhất của người con gái là từ 25-30 tuổi, dễ chủ động tìm kiếm, lựa chọn người bạn đời mà mình tin tưởng, yêu thương. Đây cũng là độ tuổi sinh con tốt nhất đối với phụ nữ.
“Trong khi bạn bè chưa lập gia đình hoặc mới sinh con thì hiện nay 2 con tôi đã được 4 tuổi và 5 tuổi. Tôi có nhiều thời gian hơn để tập trung cho gia đình, chủ động trong công việc”, chị Ngọc Anh chia sẻ thêm.
Việc kết hôn và sinh con là lựa chọn của mỗi người. Chính sách điều chỉnh mức sinh chỉ mang tính chất thúc đẩy và khuyến khích chứ không bắt buộc. Tùy vào điều kiện và kế hoạch của cá nhân, gia đình để quyết định việc kết hôn, sinh con, bảo đảm chăm sóc, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của công dân đối với xã hội và cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
MỘC MIÊN