Vẫn chưa tìm được nơi diễn ra Hội nghị Bình Than

28/05/2022 15:00

Sau hơn 10 năm tổ chức hội thảo khoa học Hải Dương với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ II, việc xác định vị trí tổ chức Hội nghị Bình Than đến nay vẫn chưa có câu trả lời.


Hai cây duối cổ được cho là nơi buộc ngựa của các quan về dự Hội nghị Vương hầu bách quan

Dấu tích?

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, "mùa đông, tháng 10, vua ngự ra Bình Than đóng ở vụng Trần Xá họp Vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ nhưng nơi hiểm yếu”. Bình Than được một số dịch giả ghi chú là đoạn sông Lục Đầu chảy qua huyện Nam Sách ngày nay. Địa danh "vụng Trần Xá" được nhắc trong cuốn sách thì chỉ có ở xã Nam Hưng, ngoài ra các khu vực lân cận đều không có địa danh này. 

Cuối năm 2011, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND thị xã Chí Linh (nay là TP Chí Linh) và huyện Nam Sách tổ chức hội thảo khoa học "Hải Dương với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ II (năm 1285)". Hội thảo kiến nghị cần xây dựng khu lưu niệm di tích lịch sử Hội nghị Vương hầu bách quan (còn gọi là Hội nghị Bình Than) và tượng đài Trần Quốc Toản, vị anh hùng trẻ tuổi làm nên bài ca yêu nước bất tận.  

Tại cuộc hội thảo với sự tham gia của nhiều đại biểu Trung ương như các nhà sử học Dương Trung Quốc, Lê Văn Lan; nguyên Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Hữu Oanh... đã đưa ra nhận định vụng Trần Xá thuộc thôn Trần Xá, xã Nam Hưng, trên sông Kinh Thầy (cách Bình Than 4 km về phía đông nam). Nơi đây còn nhiều di tích liên quan đến Hội nghị Vương hầu bách quan như cái tên "Trần Xá loan" vua Trần ban tặng cho xóm Chằm, nơi những cây duối cổ thụ để các tướng Trần buộc ngựa vẫn còn. Ngoài ra, về vị trí địa lý, vụng Trần Xá nằm cạnh dòng sông Kinh Thầy thuận tiện cho giao thông đi lại bằng thuyền, một loại phương tiện phổ biến và phù hợp với truyền thống nhà Trần. 

Ở làng Trần Xá cũng vẫn còn lưu truyền những câu chuyện từ đời này sang đời khác về Hội nghị Vương hầu bách quan. "Gia đình tôi có một chiếc mộ đặt ở khu vực đống Khoai Nợ (xưa gọi là gò Khoai Quang) nên các cụ thường xuyên ra đây cúng bái. Các cụ có kể ở đây có 2 cây duối để các quan dự Hội nghị Bình Than buộc ngựa. Khu vực này cũng là nơi ăn nghỉ của các quan khi về đây dự hội nghị", ông Nguyễn Khắc Thiệu, cán bộ văn hóa xã Nam Hưng nói.

Chưa tìm được vị trí chính xác

Ngày 16.11.2020, UBND tỉnh giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì, phối hợp với UBND huyện Nam Sách, các sở, ngành liên quan tham mưu lập quy hoạch chi tiết khu lưu niệm di tích lịch sử Hội nghị Bình Than tại xã Nam Hưng. Sở VHTTDL đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị và đề nghị UBND tỉnh cho phép huyện Nam Sách khảo sát, lập quy hoạch chi tiết khu lưu niệm vụng Trần Xá; giao huyện Nam Sách chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương và tỉnh tổ chức hội thảo khoa học làm rõ thêm giá trị của sự kiện lịch sử, địa điểm diễn ra hội nghị để làm cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị của điểm di tích này.

Ngày 28.12.2020, UBND tỉnh đồng ý cho UBND huyện Nam Sách điều chỉnh, bổ sung khu đất tại thôn Trần Xá (xã Nam Hưng) vào quy hoạch sử dụng đất của huyện Nam Sách với mục tiêu là đất di tích lịch sử, văn hoá; giao huyện Nam Sách và Sở VHTTDL tiếp tục làm việc với Bộ VHTTDL, Viện Sử học Việt Nam cùng các cơ quan liên quan sưu tầm thêm tư liệu lịch sử làm căn cứ, cơ sở pháp lý trong việc xác định, công nhận Hội nghị Bình Than được tổ chức tại xã Nam Hưng. Khi đủ cơ sở pháp lý, tỉnh sẽ xem xét, đề xuất khảo sát, lập quy hoạch dự án khu lưu niệm di tích lịch sử Hội nghị Bình Than.

Ông Mạc Lê Phi, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Nam Sách cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Nam Sách đã quy hoạch khu lưu niệm di tích lịch sử Hội nghị Vương hầu bách quan và tượng đài Trần Quốc Toản tại xã Nam Hưng với diện tích 10 ha. Tuy nhiên, việc tổ chức hội thảo đến nay vẫn chưa thực hiện được".

Để làm rõ chi tiết Hội nghị Vương hầu bách quan được tổ chức tại đâu, Sở VHTTDL, UBND huyện Nam Sách đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của Trung ương như: Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm... để xin ý kiến, sưu tầm thêm tư liệu. Tuy nhiên, hội thảo khoa học đến nay chưa thực hiện được vì các cơ quan ở Trung ương không nhận lời tham gia. Các nhà khoa học đang có nhiều quan điểm khác nhau, cho rằng hội nghị có thể được tổ chức tại một trong các địa điểm gồm: vụng Trần Xá thuộc xã Nam Hưng (Nam Sách); bãi Nguyệt Bàn thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình (Bắc Ninh); bến Nhạn Loan, phường Cổ Thành (TP Chí Linh). 

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn chưa tìm được nơi diễn ra Hội nghị Bình Than