Văn hóa gia đình bao gồm tất cả những gì làm cho gia đình này khác với gia đình kia, từ những việc làm đơn giản đến các vấn đề phức tạp nhất...
Chúng ta đều biết: “Văn hóa là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước”. Từ khái niệm chung đó, chúng ta có thể hiểu văn hóa gia đình bao gồm tất cả những gì làm cho gia đình này khác với gia đình kia, từ những việc làm đơn giản đến các vấn đề phức tạp nhất, trong đó những người cao tuổi của mỗi gia đình giữ vai trò then chốt.
Tuy đã trải qua những thăng trầm lịch sử với những biến đổi sâu sắc qua từng giai đoạn, nhưng đứng trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự đổi mới toàn diện của quê hương, đất nước, văn hóa gia đình Việt Nam cần có những thay đổi quan trọng sao cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Dù trong bất kỳ thời điểm nào, gia đình cũng là nơi giữ gìn, lưu truyền, xây dựng, bồi đắp, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những phong tục lành mạnh thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước là tôn trọng đạo lý, sống có nghĩa tình, say sưa học tập, giàu lòng nhân ái, thủy chung...
Con người được sinh ra từ gia đình. Hạt giống văn hóa cá nhân được gieo từ tuổi thơ ở trong gia đình. Những năm đầu tiên của cuộc đời, hạt giống ấy đã nảy mầm. Cái mầm non ấy hút nhựa sống của văn hóa gia đình, biến thành sức sống tiềm tàng cho những gì sẽ có sau này. Các cháu làm được những gì, điều đó tùy thuộc nhiều vào hoạt động tự thân của chúng, nhưng cũng phụ thuộc không ít vào cách giáo dục của những người cao tuổi nói chung mà trực tiếp là ông bà, cha mẹ mà chúng được tiếp xúc hằng ngày.
Phải có nhiều người hợp lại mới thành gia đình, nhưng mái ấm thì chỉ có một và chỉ có gia đình nào có văn hóa lành mạnh mới tạo thành mái ấm. Như vậy, văn hóa gia đình là yếu tố then chốt để tạo ra mái ấm đó. Vì thế, trong những trường hợp éo le của cuộc sống, khi con cháu sa chân, lầm lỡ, thì ông bà, cha mẹ chính là người dang tay đón chúng trở về, tạo cho chúng một nơi nương tựa và những điều kiện cần thiết để sửa sai.
Trong văn hóa gia đình, tình cảm thương yêu, đùm bọc giữa các thành viên mà nòng cốt là ông bà có một vị trí đặc biệt. Nó giống như chất keo có thể kết nối mọi người lại với nhau, cùng hưởng những niềm vui, cùng chia sẻ những nỗi buồn, thường xuyên động viên nhau vượt qua khó khăn. Sự phong phú về đời sống tinh thần, nhất là về tâm hồn và đạo đức mỹ học của những người cao tuổi trong nếp sống văn hóa gia đình là điều kiện quan trọng nhất để giáo dục con cháu.
Tính chất thiêng liêng trong quan hệ ruột thịt giữa ông bà, cha mẹ và con cháu trong gia đình là nhân tố có sức cảm hóa mạnh mẽ, thúc đẩy con cháu tự giác tiếp thu, lĩnh hội những giá trị văn hóa, tinh thần của thế hệ người cao tuổi một cách tự nhiên. Có thể nói, ông bà, cha mẹ cùng với những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức đã tạo ra nền móng cho sự hình thành những phẩm chất tốt đẹp về nhân cách của con cháu.
Văn hóa gia đình được hình thành thông qua các hoạt động, sinh hoạt thông thường, qua cách ứng xử trong các mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, con cháu và qua các mối quan hệ xã hội khác. Chính những giá trị này có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình nhận thức và sự biểu hiện các hành vi của con cháu.
Văn hóa dân tộc phát triển giàu bản sắc cũng chính từ sự đóng góp của văn hóa gia đình và ngược lại, văn hóa gia đình muốn phát triển được phải dựa trên nền tảng của văn hóa dân tộc, trong đó con người nói chung, những người cao tuổi nói riêng luôn đóng vai trò là chủ thể của văn hóa.
Ngày nay, trong xu thế hội nhập và mở cửa của đất nước, mỗi người, mỗi gia đình nói riêng, xã hội nói chung không chỉ chịu ảnh hưởng của các nước trong khu vực và thế giới về kinh tế, chính trị, xã hội mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ của những giá trị tinh thần, lối sống văn hóa của thời đại. Nghị quyết Đại hội Đảng khóa IX cũng đã khẳng định: “Cần nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng, bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Có thể nói, xây dựng văn hóa gia đình là nội dung cốt lõi của việc thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong đó vai trò của những người cao tuổi với tư cách là “cây cao bóng cả”, “tuổi cao gương sáng” có vị trí rất quan trọng.
TS PHẠM TRUNG THANH (TP Hải Dương)