Những ngày này, các hộ trồng vải theo quy trình VietGAP ở 2 xã Thanh Thủy, Thanh Xá (Thanh Hà) đang khẩn trương thu hoạch vải để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu đi Úc, Mỹ, EU...
Vải trồng theo quy trình VietGAP chín đến đâu được doanh nghiệp thu mua hết với giá cao
hơn thị trường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg
Lô vải thiều đầu tiên sang ÚcTrên con đường dài dẫn ra cánh đồng trồng vải theo tiêu chuẩn xuất sang thị trường Mỹ của người dân thôn Lại Xá (Thanh Thủy), xe máy, xe đạp chở đầy những lồ vải chín nối đuôi nhau ra địa điểm thu mua của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ được đặt ngay tại thôn. Ông Nguyễn Đức Nhân, trưởng nhóm sản xuất vải đạt tiêu chuẩn đi Mỹ cho biết: "Từ ngày 21-6 đến nay, doanh nghiệp đã thu mua hơn 20 tấn vải của bà con với giá từ 14.500-16.000/kg. Công ty cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ số vải trong vùng trồng xuất đi Mỹ nên bà con rất yên tâm".
Trên vùng vải rộng gần 40 ha của xã Thanh Thủy, một số hộ đang mải miết thu hoạch để kịp giờ bán cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Duyên ở thôn Lại Xá nói: “Chúng tôi không phải lo đầu ra mà Công ty Rồng Đỏ đã ký bao tiêu hết sản phẩm cho bà con. Mỗi sáng, chúng tôi chỉ việc gọi điện với ông Nhân báo sẽ bán bao nhiêu trong ngày hôm đó. Đến trưa, chiều, chúng tôi bẻ đúng ngần ấy rồi mang ra cân để lấy tiền là xong".
Sau khi thu mua vải của bà con, Công ty Rồng Đỏ vận chuyển về xưởng sơ chế ở xã Việt Hồng (Thanh Hà). Tại đây, vải được bẻ khỏi cuống rồi đưa qua một số công đoạn sàng lọc. Những quả vải to đẹp được lựa chọn đóng gói đưa đi Hà Nội chiếu xạ trước khi chuyển sang thị trường Mỹ, Úc, EU bằng đường hàng không.
Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà, toàn huyện có 70 ha vải thiều của hai xã Thanh Xá và Thanh Thủy được chọn canh tác theo quy trình VietGAP để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU... Năm nay, vải không được mùa nên sản lượng ước đạt khoảng 150 tấn. Vải chín đến đâu, Công ty Rồng Đỏ tập trung thu mua đến đó với giá cao hơn vải canh tác theo phương pháp truyền thống từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đến ngày 25-6, lô vải thiều đầu tiên 1,1 tấn sau khi được chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã sang đến thị trường Úc. Ngoài Công ty Rồng Đỏ, một số doanh nghiệp khác như Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang, Công ty Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt cũng thu mua vải của bà con xuất khẩu đi Pháp, Đức, Phần Lan và một số nước Trung Đông.
Mở rộng diện tích vải VietGAPTrong khi vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu cho bà con thì vải canh tác theo phương pháp truyền thống tiêu thụ chưa thuận lợi. Ông Nguyễn Văn Dụng ở thôn Thúy Lâm (Thanh Sơn) cho biết: “Năm nay, sản lượng giảm nhưng giá cũng không cao, từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, chỉ tương đương với năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi, mã xấu, thương lái Trung Quốc cũng ít mua, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Với tình hình này, sang năm gia đình tôi phải kiến nghị xã đăng ký canh tác theo VietGAP”.
Bà Nguyễn Thị Duyên ở thôn Lại Xá cho biết ai cũng có thể trồng vải VietGAP vì quy trình không quá phức tạp. Việc chăm bón, phun thuốc trừ sâu... đều đã có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Mỗi gia đình phải có một cuốn sổ để ghi chép, theo dõi quá trình sinh trưởng, ra hoa, kết trái của cây vải, việc chăm bón, phun thuốc trừ sâu. “Áp dụng canh tác theo quy trình VietGAP đòi hỏi tỉ mỉ mất nhiều công nhưng bù lại vải cho năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn và mã đẹp hơn. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như năm nay, những hộ tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP vẫn cho tỷ lệ đậu quả cao, mẫu mã đẹp”, bà Duyên nói.
Theo ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính, vải thiều Thanh Hà cũng đã được người tiêu dùng đón nhận vì hương vị thơm, mọng nước, độ ngọt vừa phải, vỏ và lớp giáp hạt mỏng, phần đuôi quả vải không có vị chát. Tuy nhiên, theo ông Định, để quả vải thiều Thanh Hà đứng vững trên thị trường, người trồng vải phải thay đổi tư duy canh tác theo hướng tạo ra sản phẩm sạch. "Đến một lúc nào đó, tất cả các thị trường đều đòi hỏi quả vải phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối. Mới có 90 ha cả vải sớm và vải thiều trong tổng số gần 4.000 ha vải của huyện canh tác theo VietGAP là quá ít", ông Định nói.
Để củng cố các thị trường tiêu thụ truyền thống và mở rộng xuất khẩu ra nhiều thị trường khó tính, UBND huyện Thanh Hà cần chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con trồng vải trong huyện áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Huyện cũng cần lựa chọn những vùng đã làm tốt VietGAP để nâng chất lượng quả vải lên mức mới sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP.
PV