Những năm gần đây, vải Thanh Hà dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện Kbang (Gia Lai) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vườn vải u hồng của gia đình anh Lương Văn Thịnh cho thu lãi gần 300 triệu đồng/năm
Dễ trồng
Năm 2004, anh Lương Văn Thịnh ở thị trấn Kbang (huyện Kbang) bắt gặp hình ảnh những cây vải sai trĩu cành của một hộ dân gần thuỷ điện An Khê-Ka Nak. Sau khi tìm hiểu, anh được biết vườn vải kia là của gia đình ông Khiết, người Thanh Hà. Anh đã đến xin mua lại hơn 20 cành chiết của gia đình ông Khiết về trồng thử. Khoảng 3 tháng sau, thấy vải sinh trưởng và thích nghi tốt với khí hậu, đất đai, anh Thịnh đã nhờ người mua giúp 200 gốc vải Thanh Hà để trồng trên quy mô lớn. Anh Thịnh cũng chịu khó tìm tòi, học hỏi quy trình chăm sóc vải.
Không phụ công người, đến năm thứ tư thì vải cho thu hoạch, tuy sản lượng chưa cao nhưng mẫu mã đẹp, chất lượng không hề thua kém vải được trồng ngoài Bắc. Anh Thịnh cho biết: "Vải được trồng tại Kbang có nhiều lợi thế do có khí hậu đặc thù. Thay vì ra hoa vào thời điểm mưa phùn, gió bấc như ngoài Bắc thì vải trồng tại Kbang ra hoa vào mùa khô nên chăm sóc dễ dàng và thuận lợi hơn. Đặc biệt, vải được thu hoạch sớm hơn ngoài Bắc từ 2-3 tuần nên luôn bán được giá cao". Gần đây mỗi năm gia đình anh Thịnh còn cung cấp cho các hộ lân cận khoảng 5.000 cành vải chiết.
Năm 2013, ông Lê Văn Hùng ở thôn 1, xã Nghĩa An (huyện Kbang) cũng bắt đầu "bén duyên" với vải Thanh Hà. Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, ông trồng hơn 2 ha vải u hồng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên 400 gốc vải của gia đình ông thuận lợi bén đất Tây Nguyên. Theo ông Hùng thì cây vải không kén đất, quan trọng là đất phải thoát nước, tầng đất dày. Trong khi đó, huyện Kbang nằm trên cao nguyên Kon Hà Nừng và ở sườn đông dãy Trường Sơn nên có khí hậu và đất đai đặc biệt hơn so với các địa phương khác, với nền nhiệt trung bình từ 20-23 độ C cùng lượng mưa lớn khá phù hợp điều kiện thích nghi của cây vải.
Mở rộng diện tích
Từ những diện tích nhỏ lẻ do người dân trồng tự phát, đến nay toàn huyện Kbang đã có trên 110 ha vải, tập trung ở các xã: Đông, Nghĩa An, Lơ Ku và thị trấn Kbang. Giống vải ở đây chủ yếu là u hồng, u trứng, u thâm có nguồn gốc từ Thanh Hà với ưu điểm chín sớm, vỏ mỏng, cơm dày, ăn có vị ngọt xen lẫn chua nhẹ. Hiện huyện Kbang đã xây dựng được một vùng trồng vải tập trung với diện tích khoảng 60 ha tại xã Đông. Đây là hướng đi mới của ngành nông nghiệp địa phương trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ tịch UBND xã Đông, hiện toàn xã có 70 ha trồng vải, trong đó có một vùng chuyên canh 60 ha ở thôn 3. Vừa qua, trung bình 1 ha vải cho thu hoạch khoảng 15 tấn, tăng 20% so với năm trước. Với giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg, người dân thu lãi từ 200-300 triệu đồng/ha. Đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhất tại địa phương tính đến thời điểm hiện tại. Hiện xã Đông đang quy hoạch 20 ha vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để cung ứng cho các siêu thị trong nước.
Để phát triển bền vững, tiêu thụ ổn định, huyện Kbang đang hướng dẫn, hỗ trợ người dân trồng vải theo hướng liên kết sản xuất. “Vải Kbang đang được thị trường Tây Nguyên và miền Nam rất ưa chuộng. Vải thu hoạch đến đâu là thương lái đến thu mua hết đến đó. Để nâng cao chất lượng quả vải, chúng tôi đang hướng tới sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP", ông Mã Văn Tình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang cho biết.
ĐỖ TIẾN