UBND tỉnh đã phê duyệt đề án ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.
Đề án nhằm xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ như: dệt may, da giày, điện tử, tin học, sản xuất linh kiện, thiết bị cho ngành công nghiệp nặng, cơ khí chế tạo. Giữ ổn định tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn chiếm 48-50% tổng dư nợ, trong đó thị phần vốn đầu tư phát triển sản xuất, chế biến nông sản chiếm 45-50% dư nợ nông nghiệp, nông thôn, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 15% trở lên. Tập trung cho vay sản xuất những sản phẩm chủ lực của tỉnh (theo quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030). Ưu tiên cấp vốn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu nâng tỷ trọng dư nợ cho vay trên tổng dư nợ lên từ 2-3%, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 20% trở lên.
Để đạt mục tiêu này, ngành ngân hàng sẽ nâng cao chất lượng các chương trình kết nối tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp, ngân hàng với trang trại, HTX... Cho vay liên kết theo hướng trọn gói từ khâu sản xuất, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm. Dành riêng các khoản vốn tín dụng cho các dự án quy mô lớn, thông qua chương trình liên kết "4 nhà" (nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) hoặc "cánh đồng mẫu lớn"... Đầu tư vốn cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phát triển loại hình tín dụng cho thuê tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm khắc phục hạn chế về tài sản bảo đảm nợ vay, giúp các hộ sản xuất đầu tư thiết bị, công nghệ. Cải tiến phương thức cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, quyết định cho vay nhanh gọn.
Đề án thực hiện trong giai đoạn 2015-2020.
PV