Chiếc hộp “Groasis Waterboxx”, một dạng lồng ươm cây không cần tưới nước, có thể khiến những khu vực đất đai khô cằn màu mỡ trở lại. Công trình của ông Pierter Hoff, một nhà khoa học Hà Lan, vừa giành giải phát minh tốt nhất năm 2010 của Tạp chí Popular Science (Mỹ).
Chiếc hộp Groasis Waterboxx - Ảnh: Gizmag
Nhà phát minh công nghệ này tin rằng nó có thể góp phần khắc phục tổn thương mà nhân loại đang gây ra cho hành tinh xanh.
Chiếc hộp “Groasis Waterboxx”, một dạng lồng ươm cây không cần tưới nước, có thể khiến những khu vực đất đai khô cằn (do chặt phá rừng và canh tác quá mức) màu mỡ trở lại. Công trình của ông Pierter Hoff, một nhà khoa học Hà Lan, vừa giành giải phát minh tốt nhất năm 2010 của Tạp chí Popular Science (Mỹ).
Đất khô cằn thực ra có đủ nước để cung cấp cho cây hàng thập niên, nhưng lại nằm bên dưới bề mặt vài mét. Do mưa và nước tưới bốc hơi nhanh chóng, nhiều cây non chết trước khi rễ của chúng có thể chạm tới “bể nước ngầm” này. Waterboxx, có hình dạng giống một vòng đệm hơn là một chiếc hộp, giúp cây sống đủ lâu để vươn rễ xuyên qua lớp đất khô cằn. Waterboxx có một lỗ thông hình ống ở chính giữa, qua đó một hoặc hai cây con được trồng và cắm rễ trực tiếp xuống đất. Người trồng chỉ đổ một lần 15 lít nước vào bồn chứa bên trong hộp và 3 lít nước vào ống.
Bề mặt bên trên của chiếc hộp được thiết kế để thu nước mưa và dẫn chúng vào bồn chứa, trong khi bên trong được thiết kế để thu nước bốc hơi từ không khí vào ban đêm. Chiếc hộp ngăn cách mặt đất khỏi các hiệu ứng bốc hơi do mặt trời và gió, bảo vệ cây giống và duy trì nhiệt độ đất. Một ống nhỏ bên dưới chiếc hộp sẽ cho chảy khoảng 50 ml nước từ bồn chứa vào đất hằng ngày, đủ cung cấp cho cây trong khi vẫn kích thích được rễ của chúng mọc sâu hơn để tìm thêm nước. Một khi cây vươn tới lớp đất ẩm, thường là sau một năm, người nông dân có thể dỡ chiếc hộp ra khỏi cây để sử dụng lại cho lần sau. Mỗi hộp Waterboxx có tuổi thọ 10 năm, dùng cho khoảng 2 cây trong mỗi lần trồng. Giá bán hộp đủ rẻ để người dân các nước nghèo mua được.
Trong các cuộc thử nghiệm được thực hiện tại khu vực sa mạc Sahara ở châu Phi, 88% cây được ươm bằng Waterboxx sống sót, so với 10% cây được canh tác theo truyền thống.
(Nguồn: Thanh niên)