Nặng chưa đầy 37kg, cao 1,4m, lóc cóc chiếc xe đạp mượn được, ánh mắt cô gái nhỏ đầy quyết tâm hướng đến những mảng tường màu vàng đặc trưng của giảng đường đại học.
Ước mong của Trịnh Thị Xuân là chạm tay đến cánh cổng đại học, dù phía trước là cả chặng đường gian nan - Ảnh: HÀ THANH
Mẹ ơi con đỗ đại học, con sẽ tự lo việc học đại học của mình, mẹ không phải lo cho con đâu ạ. Con ở trên này không thường xuyên gọi về cho mẹ, con xin lỗi mẹ, mẹ phải giữ gìn sức khỏe đấy nhé.
Xuân khóc nức nở trong điện thoại
20 tuổi, Trịnh Thị Xuân rời quê nhà Nam Định khăn gói lên Thủ đô kiếm việc làm dù chưa biết điểm chuẩn đại học. Bà Liên, mẹ của Xuân, bị ốm mấy tuần qua, tiền xe về ngót nghét mấy trăm ngàn mà tiền lương chưa được nhận, cô đành cậy nhờ người thân và em gái ở quê chăm nom.
Từng "đứt gánh học" một lần, lần này Xuân quyết chí theo đuổi ước mơ đến cùng.
Tuổi thơ thiếu vắng tình thương
Sinh ra không biết mặt cha, mẹ kể ngày Xuân còn đỏ hỏn, mẹ bế từ Trung Quốc về Việt Nam. Năm Xuân lên lớp 4, một lần nữa người mẹ đánh cược với phận làm dâu xứ người, sinh cho người đàn ông Trung Quốc thêm 2 người con gái.
Những tưởng cuộc sống hạnh phúc, bà đón Xuân sang chăm nom, thế nhưng cuộc sống quá cơ cực, một năm sau bà dắt díu Xuân cùng cô gái út hồi hương.
"Ở bên đó, mẹ sống không hạnh phúc", cô gái với dáng người nhỏ thó nhìn vào giàn hoa giấy bên hiên giảng đường, mắt ngấn lệ.
Về lại quê hương với hai bàn tay trắng, không có đất dựng nhà, mới đầu ba mẹ con dắt díu nhau nương nhờ cửa nhà chùa. Về sau, được hàng xóm thương tình, chính quyền hỗ trợ quyên góp được một số tiền dựng cho ba mẹ con một căn nhà trên phần đất của ông bà ngoại.
Thương mẹ vất vả, sau giờ học hoặc tranh thủ ngày nghỉ cô tân sinh viên phụ mẹ đi nhặt đồng nát. Thóc trong nhà không có, đến mùa gặt, hai mẹ con Xuân chẳng đặng đừng đi mót thóc trên các cánh đồng. Mót thóc, nhặt đồng nát, mẹ con Xuân cứ thế mà sống qua ngày.
Nhưng có lẽ với Xuân, khó khăn nhất là áp lực tâm lý đè nặng. Mẹ Xuân vì quá cực khổ, thỉnh thoảng lại đưa đôi ba câu chuyện về quá khứ rồi mắng chửi con gái.
Tủi thân, áp lực, có lúc tưởng chừng cô gái nhỏ xíu không thể gắng gượng. Những lúc ấy em chọn một góc tối trước hiên nhà, nhìn lên bầu trời rồi tưởng tượng ra những khung cảnh tươi sáng, ước mong một lần được nhìn thấy gương mặt của cha.
Trước đây Xuân giận mẹ lắm, nhưng dần dần lớn lên em hiểu ra những lời mẹ kể, hiểu hơn những tủi hờn, cay đắng trong hai lần làm dâu xứ người. Hai mươi năm qua, một tay mẹ nuôi dưỡng Xuân lớn khôn. Xuân hiểu rằng, chỉ vì cái đói cái nghèo cứ bám riết lấy cuộc đời mẹ.
"Học để thoát nghèo", cô gái nhỏ luôn tự nhắc nhớ bản thân, lấy đó làm động lực vượt qua khó khăn. Suốt những năm học cấp I, cấp II Xuân được miễn giảm gần 100% học phí.
Đến năm lớp 9 khi cuộc sống của mấy mẹ con quá bấp bênh, những tưởng một lần nữa Xuân phải dừng việc học để đi giúp việc nhà, may mắn một tổ chức tìm đến hỗ trợ 500.000 đồng/tháng giúp bạn tiếp tục 3 năm đèn sách.
"Nỗ lực từng ngày, học từng ngày", Xuân quả quyết. Mỗi ngày đến trường, Xuân chăm chú nghe thầy cô giảng bài và làm luôn bài tập về nhà. Không có tiền học thêm, em tự ôn luyện, mua sách tham khảo tự học, bài nào không hiểu hỏi thêm các bạn.
Lên lớp 12, Xuân xin người dì cho mua một chiếc điện thoại cũ, xin dùng nhờ WiFi của hàng xóm để ôn luyện kiến thức qua mạng.
Suốt 12 năm đèn sách, quả ngọt đã đến. Với 24,3 điểm, Trịnh Thị Xuân trúng tuyển ngành Đông Nam Á học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ước mong duy nhất: đại học
Mới chỉ biết điểm thi, Xuân khăn gói lên Thủ đô ngay. Trong tay chỉ vỏn vẹn mấy trăm ngàn tiền xe mà Xuân dành dụm được. Xuân nhớ đợt dịch COVID-19, cô mới quyết định đăng ký thi đại học.
Vừa lên Hà Nội đang lạ nước lạ cái, đường sá chưa quen, may mắn Xuân nương nhờ "mái nhà chung" giúp đỡ các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Xuân xin được công việc bán hàng qua mạng, chủ yếu nhận đơn và chuyển hàng cho khách, kiếm tiền tự lo cho cuộc sống của mình.
"Mình chỉ có một hy vọng duy nhất là được tiếp tục 4 năm đại học, thực hiện ước mơ của mình", Xuân quả quyết.
Tuần rồi mẹ gọi lên nói bị ốm, hầu như đêm nào Xuân cũng không ngủ được vì lo cho mẹ. Chưa nhận tháng lương đầu tiên nên về quê không đành, cô chỉ biết gọi về cho mẹ ráng khuyên mẹ uống thuốc đầy đủ và chăm sóc tốt cho bản thân.
Xuân dự tính, tháng lương đầu tiên sẽ trích ra gửi tiền về cho mẹ mua thuốc men. Hiện tại ngoài đi làm thêm, cô còn gửi hồ sơ đến các quỹ học bổng tìm kiếm cơ hội để có thể trang trải cho chặng đường dài phía trước.
"Mình tin con đường đại học sẽ mở ra con đường mới, cho mình suy nghĩ mới, quyết định mới. Bốn năm đại học sẽ là những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Sau này mình mong muốn giúp đỡ các em nhỏ mồ côi sống một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ chứ không như tuổi thơ của mình", Trịnh Thị Xuân tâm niệm.
122 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên phía Bắc
Ngày 8.12, báo Tuổi Trẻ, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2020 cho 122 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 29 tỉnh, thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng.
Đặc biệt, chương trình dành tặng 17 suất học bổng đặc biệt trị giá 15 triệu đồng/suất cho tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Toàn bộ kinh phí trao học bổng hơn 1,2 tỷ đồng do Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty CP Tập đoàn Vinacam), Quỹ "Đồng hành nhà nông" và Công ty CP phân bón Bình Điền tài trợ.
Công ty Nestle Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên.
Theo Tuổi trẻ