Việc tử tế

Canh cánh ước mong đưa đồng đội về quê

THANH NGA 19/07/2024 05:49

Bằng tình cảm sâu nặng với những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường, nhiều năm qua, có những cựu chiến binh ở Hải Dương vẫn âm thầm tìm kiếm thông tin, kết nối “đường về” cho các liệt sĩ.

00:00

z5568512373387_9227677dfb90e2ab7a2c5cc2a41e88c4(2).jpg
Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương phối hợp tặng xe lăn cho bà Phạm Thị Dung, vợ liệt sĩ ở xã Đại Đức, huyện Kim Thành

Đau đáu kiếm tìm

Nhiều ngày qua, trong căn phòng nhỏ trên tầng hai ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương), ông Trần Đại Dương, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương luôn cần mẫn gõ danh sách thông tin liệt sĩ tỉnh Hải Dương. Ở tuổi 80, mắt không còn tinh, đôi tay gầy yếu nhưng ông vẫn miệt mài làm việc với chiếc máy tính đã cũ. Ông bảo: “Đến nay, chi hội đã đính chính, cung cấp thông tin của 5.048 liệt sĩ trong tỉnh. Nay tôi đã cao tuổi nên muốn lọc ra danh sách cụ thể của từng địa phương để các gia đình liệt sĩ đối chiếu tìm hiểu, vì đây hầu hết là thông tin của những liệt sĩ nằm lại các nghĩa trang ngoài tỉnh”.

Để có được thông tin về số liệt sĩ ấy, ông Dương và các thành viên trong Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương đã bỏ rất nhiều công sức và làm việc hoàn toàn bằng tấm lòng của mình vì chi hội không được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Hiện nay, trong chi hội còn 2 thành viên cốt cán là ông Dương và ông Nguyễn Mạnh Điềm (sinh năm 1946, hiện ở thị trấn Tứ Kỳ), Chi hội phó. Trong chiến tranh, các ông từng là lính của Sư đoàn 324. Chứng kiến bom đạn kẻ thù sát hại và phải tự tay chôn cất đồng đội của mình nên các ông luôn đau đáu nỗi niềm tìm lại thông tin của các liệt sĩ. Trước đây, khi Hải Dương chưa thành lập được Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, các ông đã kết nối, sinh hoạt tại Chi hội của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Công việc tìm kiếm khá vất vả, tỉ mỉ vì thời gian các liệt sĩ hy sinh đã lâu, mộ chí nằm rải rác ở các chiến trường. Các ông phải dựa vào những nguồn thông tin chính xác về danh tính liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang, đơn vị chiến đấu, dữ liệu của Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng), danh sách liệt sĩ các địa phương của Hải Dương…

z5615549233292_4ad906d3b6d1ef0a17fd566758c30d17(2).jpg
Ông Trần Đại Dương, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương, năm nay đã 80 tuổi vẫn cần mẫn rà soát danh sách thông tin liệt sĩ tỉnh Hải Dương

Để có thông tin về liệt sĩ, ông Điềm đã từng rong ruổi trên chiếc xe cub 50 đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở miền Trung. Không chỉ những ngôi mộ liệt sĩ quê Hải Dương mà ở các địa phương lân cận như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… chưa có người thân nhận, ông cũng tìm cách thông báo về cho địa phương, gia đình.

Đưa liệt sĩ về quê

img_7858(3).jpg
Bà Vương Thị Ngát ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) xúc động nhắc lại việc Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương thông tin chính xác về phần mộ của liệt sĩ Vương Đình Chiềm (anh trai bà)

Nhắc đến anh trai là liệt sĩ Vương Đình Chiềm, bà Vương Thị Ngát ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) xúc động nghẹn ngào. Thương anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mọi người trong gia đình bà Ngát đều mong muốn đưa được hài cốt liệt sĩ Chiềm về với quê hương. Nhưng do nhầm lẫn nên tại một nghĩa trang ở xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), tên của liệt sĩ Chiềm đã bị viết thành Thiềm. Vì sự nhầm lẫn này nên dù đã nhiều năm trôi qua nhưng không ai biết thông tin để thông báo về cho gia đình, quê hương liệt sĩ Chiềm.

Khi rà soát, tìm kiếm thông tin, các thành viên của Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương đã phát hiện ra chi tiết này. Sau khi khớp nối thông tin từ các nguồn chính thống, chi hội khẳng định chắc chắn ngôi mộ liệt sĩ ở Bình Định là phần mộ của liệt sĩ Vương Đình Chiềm ở xã Hưng Đạo. Chi hội đã làm việc với các cơ quan chức năng và thông báo về cho gia đình.

Đầu năm nay, gia đình đã chính thức đón liệt sĩ Chiềm trở về. “Trải qua thời gian, được sự quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn của chi hội, đến ngày 20/1/2024, gia đình đã có đủ hồ sơ di chuyển liệt sĩ Vương Đình Chiềm từ nghĩa trang xã Mỹ Hòa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ. Gia đình rất xúc động và cảm ơn lòng nhiệt tình, tâm huyết của anh, chị em trong chi hội”, bà Ngát viết trong lá thư cảm ơn gửi chi hội khi đã đưa được người anh trai liệt sĩ về với quê nhà.

Không chỉ hỗ trợ thông tin về liệt sĩ, thời gian qua, chi hội cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nghĩa tình, chăm lo gia đình liệt sĩ như kết nối tặng quà, sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa…

Tuy tự nguyện đảm nhận công việc có ý nghĩa cao đẹp nhưng hoạt động của Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương, đặc biệt là lãnh đạo chi hội đang gặp rất nhiều khó khăn do tuổi cao và không có kinh phí. Ông Dương trăn trở: “Do không có địa điểm hoạt động nên tôi chỉ có thể tự làm việc ở nhà, khó hướng dẫn hay chia sẻ việc với các thành viên khác. Khi thế hệ chúng tôi mất đi thì cũng rất khó để tìm được người tâm huyết với công việc này, mà số liệt sĩ nằm lại ở chiến trường, các nghĩa trang liệt sĩ ngoài tỉnh vẫn còn nhiều lắm”.

Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương thành lập ngày 28/12/2017, hiện có 76 hội viên. Tính đến tháng 6/2024, chi hội đã tìm kiếm, đính chính thông tin, thông báo phần mộ của 5.048 liệt sĩ về 252 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hỗ trợ di chuyển 19 hài cốt liệt sĩ, hỗ trợ giám định ADN 2 hài cốt liệt sĩ. Tặng 225 suất quà cho thân nhân liệt sĩ và người có công. Kết nối hỗ trợ xây dựng 3 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 200 triệu đồng, tặng 6 sổ tiết kiệm (trị giá 5 triệu đồng/sổ), tặng 62 chiếc xe lăn và 20 chiếc quạt điện cho thân nhân liệt sĩ…

THANH NGA
(0) Bình luận
Canh cánh ước mong đưa đồng đội về quê