Ứng xử của bố mẹ khi trẻ bị bắt nạt ở trường mầm non

14/10/2020 09:30

Nhiều cha mẹ nghĩ chỉ có học sinh tiểu học hoặc lớn hơn mới có chuyện bị bắt nạt ở trường. Thực tế, trẻ từ 2-5 tuổi vẫn có thể bị bắt nạt và hành vi phát triển cũng không khác gì trẻ lớn hơn.


Bố mẹ cần để ý đến cảm xúc của con để nhận biết con bị bắt nạt

Phần lớn bố mẹ nghĩ rằng trẻ nhỏ biết gì mà bắt nạt nên đã bỏ qua và hiểu sai về nó. Điều này rất nguy hiểm vì các hậu quả của hành vi sai này là rất lớn cho cả trẻ bắt nạt và bị bắt nạt:

Cả trẻ bắt nạt và bị bắt nạt đều phát triển 1 số hành vi bất thường ở thời điểm nhỏ và phức tạp khi trẻ lớn. Một số hành vi bạo lực hay tấn công có thể sẽ phát triển ở mức độ cao hơn.

Nếu bị bỏ qua, trẻ bắt nạt cũng mất đi cơ hội được giáo dục hành vi đúng. Trẻ tiếp tục làm sai vì nghĩ nó là đúng khi xử sự như vậy. Nó có thể là 1 phần tính cách không hay trong xã hội của trẻ sau này.

Trẻ bị bắt nạt nếu không phát hiện và đáp ứng đúng, trẻ sẽ gặp 1 số vấn đề tâm lý như chứng lo sợ, thiếu tự tin.

Dấu hiệu để nhận biết một đứa trẻ đang bị bắt nạt

Trẻ thay đổi cảm xúc bình thường khi nhắc đến trường lớp; Trẻ thường yêu cầu bố/mẹ đưa đón đi học nếu trước đó trẻ đi bộ hoặc đi xe đưa rước; hoặc đột nhiên đòi bố/mẹ đón sớm, tỏ ra bực bội khi bố/mẹ đến trễ.

Trẻ khăng khăng hoặc tỏ ra rất quan trọng về việc bố/mẹ bỏ bánh kẹo vào cặp. Nếu bố/mẹ quên hay làm chậm bé tỏ vẻ khó chịu và nhắc bố/mẹ liên tục. Trẻ cũng có thể xin tiền bố/mẹ thêm hoặc đòi bỏ thêm bánh kẹo 1 cách bất thường.

Trẻ thường xuyên kêu đau bụng hoặc nhức đầu trước khi đi học, nhưng trước đây không có. Những bằng chứng hiện nay cho thấy sự giao tiếp giữa não bộ và đường ruột liên quan chặt chẽ đến các hành vi và cảm xúc. Do đó, việc trẻ tự nhiên trở nên thường xuyên phàn nàn đau bụng hay nhức đầu mà không rõ nguyên nhân thì có thể trẻ đang gặp lo lắng hay có nỗi sợ cần được chia sẻ.

 Quần áo của trẻ thường bị bẩn hoặc đồ dùng học tập thường bị mất. Bố mẹ hỏi trẻ, trẻ thường không nói mà đánh trống lảng hoặc viện cớ làm mất.

Ứng xử của bố mẹ khi trẻ bị bắt nạt

 Hiểu và tin tưởng trẻ: Trò chuyện là cách để hiểu tình huống của trẻ. Bố mẹ nên là người đặt câu hỏi trực tiếp để giúp trẻ hiểu là trẻ không một mình. Ví dụ, bố mẹ thấy trẻ có dấu hiệu bị bắt nạt, bố mẹ có thể hỏi những câu để gợi trẻ nói như: Trong lớp con ngồi kế ai? Hoặc con hôm nay hơi mệt và muốn ở nhà, vì sao vậy? Có thể ban đầu trẻ chưa thấy bố mẹ đủ tin tưởng để chia sẻ, nhưng chính sự quan tâm và khơi gợi này sẽ dần giúp trẻ bắt đầu tìm giải pháp từ bố mẹ hơn là chấp nhận giữ nó riêng mình.

 Đọc sách cho trẻ nghe và cho trẻ biết như thế nào là hành vi bắt nạt, đó là hành vi không được cho phép, cả cha mẹ, thầy cô và rất nhiều bạn cũng chống đối hành vi này. Cố cho trẻ biết hành vi bắt nạt là gồm những gì như xỉ nhục bằng lời nói, đòi tiền, đồ chơi, bánh kẹo, thậm chí là không hoan nghênh trẻ chơi cùng... Khẳng định cho trẻ thấy đó là hành vi sai, ai cũng chống đối hành vi này.

Khi trẻ nhận ra đúng hành vi và hiểu đó là sai thì sẽ dễ dàng chia sẻ với bố mẹ hoặc bạn bè trẻ vì biết rằng đó là hành vi cần chống lại và cần được bảo vệ.

Khi 1 đứa trẻ bị bắt nạt, cái trẻ cần là giải pháp có thể chấm dứt sự bắt nạt. Do đó, bố mẹ cần tìm giải pháp có hiệu quả và giúp trẻ tự tin và hiểu rằng bố mẹ và trẻ sẽ chấm dứt nó sớm. Ví dụ, nếu xảy ra trên ghế xe bus đến trường hoặc trong lớp giữa trẻ và bạn kế bên, hãy nói tài xế nhà trường hoặc cô giáo chuyển vị trí ngồi hoặc chỉ định chỗ ngồi cho mỗi đứa trẻ.

Hạn chế và quản lý các chương video trên TV hoặc điện thoại trẻ xem hằng ngày, thường về các nhân vật hoặc ngôn ngữ có tính bạo lực hoặc chửi tục. Điều này vô tình giúp trẻ phát triển hành vi bạo lực vì não bộ của trẻ lúc này hoạt động như 1 máy thu.

Theo Phụ nữ Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử của bố mẹ khi trẻ bị bắt nạt ở trường mầm non