Nhiều năm nay, sản phẩm trứng gà Isa Brown và trứng gà Ai Cập của ông Đào Hữu Thuân, 56 tuổi, ở thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) đã tìm được thị trường ổn định.
Trang trại của ông Thuân được đầu tư đồng bộ
Bố ông Thuân hy sinh khi ông mới 4 tuổi. Hai mẹ con ông từng là hộ nghèo. Trải qua tuổi thơ cơ cực nên khi trưởng thành ông đã tích cực lao động, sản xuất, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 1987, ông bắt đầu nuôi 200 con gà trắng lấy thịt, làm chuồng trại trên diện tích đất của gia đình. Thời điểm này dịch bệnh nhiều nên việc chăn nuôi không ổn định, ông gặp nhiều khó khăn. Vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật nuôi gà, đến năm 1997, ông mua thêm đất ở thôn Vĩnh Lại, mở rộng diện tích trang trại lên 800 m2 để nuôi 4.000 con gà trắng lấy thịt bán cho thương lái, trung bình 2 tháng xuất chuồng 2.000 con, thu lãi từ 500-600 triệu đồng/năm.
Thấy ông Thuân nuôi thành công, nhiều hộ dân ở Cẩm Đông cũng đầu tư chuồng trại nuôi gà thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2006, ông trở thành đại lý cám cấp1 cung cấp cho nhiều trang trại gà ở các xã trong huyện.
Giai đoạn 2008-2011, việc nuôi gà trắng lấy thịt bị chững lại do nhiều người không còn thích ăn thịt gà công nghiệp. Sau thời gian tham quan, học hỏi ở nhiều trang trại, năm 2014, ông Thuân chuyển hướng sang nuôi gà đẻ trứng. Lúc này ông mở rộng quy mô chuồng trại lên gần 4.000 m2. Chuồng trại được đầu tư đồng bộ, ông nhập 1,5 vạn con gà Isa Brown về nuôi. Loại gà này dễ nuôi, ít bị bệnh, cho năng suất trứng cao. 4 tháng tuổi, gà bắt đầu đẻ trứng, trung bình mỗi ngày ông Thuân thu được 1,3-1,4 vạn quả trứng. Năm 2017, ông mở rộng quy mô, nuôi 2,5 vạn con gà Isa Brown và nhập thêm 1 vạn con gà Ai Cập từ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội). Giống gà Ai Cập có sức đề kháng tốt, năng suất trứng cao và thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, ông Thuân đang nuôi 4,5 vạn con gà đẻ trứng và 2 vạn con gà hậu bị ở trang trại tại 3 thôn của xã Cẩm Đông, tạo việc làm cho 12 lao động với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Trang trại cho thu bình quân 4 vạn quả trứng/ngày, tất cả đều được thương lái thu mua, lãi từ 1-1,2 tỷ đồng/năm.
Ông Thuân cho biết thời gian tới sẽ chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang HTX, đăng ký nhãn hiệu để đưa trứng vào siêu thị, nâng cao giá trị sản phẩm. Trứng gà Ai Cập nuôi theo phương thức công nghiệp của ông Thuân là 1 trong 4 sản phẩm của huyện Cẩm Giàng tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) năm 2020.
BÌNH AN