Nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tự sát có nguy cơ gia tăng; trong đó người trẻ có xu hướng tự sát cao hơn người trưởng thành; trẻ vị thành niên có xu hướng tự sát cao hơn các lứa tuổi khác…
Bác sĩ tư vấn tâm lý cho trẻ vị thành niên
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khu vực phía Bắc việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và lấy ý kiến về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức từ ngày 25 - 26.4.
Thống kê, nếu như năm 2003, tỷ lệ có ý định tự sát trong thanh thiếu niên từ 14 – 25 tuổi là 3,4%, thì đến năm 2010 đã tăng lên 4,1%. Điều tra mới nhất do Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra năm 2020 cho thấy, trong số 6.407 học sinh ở lứa tuổi 11 - 17, có 11% cho biết có ý tưởng tự sát trong vòng 1 năm qua.
Phân tích về các nguyên nhân dẫn đến tự sát của thanh thiếu niên, TS. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ phát triển Cộng đồng cho hay, ngoài 3 yếu tố về xã hội, không gian mạng; yếu tố gia đình và yếu tố sức khỏe tâm thần, còn có yếu tố quan trọng là bản dạng giới và xu hướng tính dục, khiến nhiều trẻ chưa tự tin về bản dạng giới, những trẻ có xu hướng bản dạng giới khác với sinh học như sinh ra là nữ nhưng muốn là nam và ngược lại, có xu hướng tính dục đồng tính, song tính... có nguy cơ tự sát cao hơn.
Còn theo bà Mia Nguyễn, Đại diện nhóm cộng đồng LGBTIQ (cộng đồng những người có giới tính đặc biệt), nếu cha mẹ nhận ra con mình có biểu hiện của dồn nén cảm xúc, trước tiên phải làm "xì quả bóng cảm xúc" đó, không trách con, chủ động tâm sự, chia sẻ để con vượt qua giai đoạn vị thành niên.
Gần đây, Viện Sức khỏe Tâm thần tiếp tục công bố đường dây nóng hỗ trợ tư vấn cho các gia đình, cá nhân những vấn đề về sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, stress… Vì thế, các gia đình, cá nhân có thể liên lạc để được tư vấn hoặc đặt lịch hẹn khám theo số máy 0984.104.115, từ 7 giờ 30 đến 22 giờ các ngày trong tuần.
Theo báo Tin tức