Việc điều chỉnh tăng tỷ giá trong bối cảnh hiện nay đã hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta đã tác động đến tâm lý tích trữ USD của người dân và các tổ chức kinh tế. Đây là nguyên nhân chủ yếu đẩy tỷ giá mua, bán USD tăng liên tục trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 - 2014. Nhiều ngân hàng niêm yết tỷ giá mua vào, bán ra USD sát nhau và ở mức kịch trần trong biên độ được phép.
Tại tỉnh Hải Dương, do ảnh hưởng biến động tỷ giá chung, các ngân hàng thương mại cũng niêm yết tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD ở mức sát trần quy định. Một số chi nhánh ngân hàng lớn như TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)… thường niêm yết tỷ giá ở mức 21 nghìn 200 đồng/USD mua vào và 21 nghìn 240 đồng/USD bán ra. Các giao dịch mua, bán ngoại tệ của khách hàng chủ yếu phục vụ cho thanh toán L/C hoặc trả nợ. Tình trạng người dân mua tích trữ USD không nhiều. Trong tháng 5, tổng doanh số mua ngoại tệ đạt 93 triệu 123 nghìn USD, giảm 20,9% và doanh số bán ngoại tệ đạt 90 triệu 579 nghìn USD, giảm 19,3% so với tháng 4 - 2014. Ngày 18 - 6 - 2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng 1% tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD, tình hình tỷ giá đã ổn định.
Mặc dù tỷ giá đồng Việt Nam so với USD tăng, nhưng sự điều chỉnh tỷ giá lần này có tác động tích cực cho tình hình kinh tế. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1 tỷ 401 triệu USD, tăng 3,1%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1 tỷ 041 triệu USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, việc điều chỉnh tăng tỷ giá trong bối cảnh hiện nay đã hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
LÃ VỌNG