Do Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định lùi thời gian kết thúc năm học 2019-2020 đến trước 30.6 và kỳ thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7, nên kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học cũng vì thế xáo trộn theo.
Theo PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đa phần các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, nên việc lùi lịch thi sẽ ảnh hưởng đến các mốc thời gian tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh của trường.
“Tất cả các mốc tuyển sinh đều phải lùi 1 tháng so với mọi năm và theo tính toán của tôi thì phải hết tháng 9.2020 mới có thể tuyển sinh xong, như vậy có thể lấn sang kế hoạch năm học mới. Việc khai giảng năm học mới sẽ có thể phải lùi vào tháng 10. Trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch học bù, nỗ lực trong công tác tuyển sinh để đảm bảo tiến độ”, PGS-TS Trần Văn Tớp phân tích.
Kỳ thi THPT quốc gia 2019
Không xét học kỳ 2 lớp 12
Các trường xét tuyển theo phương thức học bạ cũng phải thay đổi thời gian và điều kiện nhận hồ sơ. Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh sẽ thay đổi thời gian xét tuyển học bạ với phương thức xét tuyển điểm trung bình lớp 12. Theo đó trường sẽ lùi xét từ ngày 30.6 hoặc từ 1.7. Riêng phương thức xét tuyển điểm trung bình 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) vẫn giữ nguyên thời gian xét tuyển từ tháng 3.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang, nhà trường linh hoạt điều chỉnh trong đề án tuyển sinh để tạo thuận lợi cho thí sinh trong diễn biến khó lường của dịch Covid-19. Cụ thể, trường sẽ điều chỉnh phương án xét tuyển đại học bằng kết quả học bạ THPT với 2 lựa chọn mở cho thí sinh là xét điểm trung bình hai học kỳ lớp 12; hoặc xét điểm trung bình năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12 của các môn trong tổ hợp xét tuyển.
Theo phương án này, nếu thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài dẫn đến kết quả học tập học kỳ II chậm trễ, thí sinh vẫn có thể kịp xét tuyển đúng hạn tại Đại học Văn Lang bằng cách sử dụng điểm trung bình của lớp 11.
TS. Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho biết, trường chỉ xét tuyển học bạ theo điểm trung bình lớp 12 nên chắc chắn sẽ phải lùi thời gian xét tuyển. Đại diện một trường đại học khu vực phía Bắc có tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ cho hay, khi nào Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh thì sẽ thông tin đề án tuyển sinh của trường đến thí sinh.
Lùi kỳ thi đánh giá năng lực
Vừa qua, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực 2020 do học sinh nghỉ học phòng chống Covid-19. TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vẫn tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực.
Tuy nhiên, thời gian thi được thay đổi để phù hợp với sự điều chỉnh kế hoạch năm học và kế hoạch thi THPT quốc gia của Bộ Giáo dục và đào tạo. Do đó, thời gian kết thúc đăng ký dự thi đợt 1 là ngày 24.4 (so với ban đầu là ngày 28.2). Kỳ thi đợt 1 sẽ được tổ chức vào ngày 31.5.
Ở đợt 2, ngày mở và kết thúc đăng ký dự thi sẽ từ 1.6 đến 10.7. Kỳ thi đợt 2 sẽ tổ chức vào ngày 9.8. Ông Chính cũng cho hay, với các thí sinh, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, sự điều chỉnh này sẽ giúp các em có thời gian ôn tập tốt hơn và chuẩn bị tâm lý thoải mái nhất khi tham dự kỳ thi.
Tương tự, kế hoạch tuyển sinh Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng lùi theo tiến độ kết thúc năm học và kỳ thi THPT quốc gia. Trường chỉ xét tuyển dựa vào kết quả học tập năm lớp 12 nên sẽ tiến hành vào khoảng tháng 6. Bên cạnh đó, kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức xét thí sinh vào ngành giáo dục thể chất và giáo dục mầm non cũng sẽ lùi lại sau thời gian thi THPT quốc gia.
Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, với kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, trước đây trường thông báo nhận hồ sơ dự thi từ ngày 1.4 đến 30.6, tổ chức thi vào ngày 12.7. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, trường dự kiến sẽ dời lại các mốc thời gian này khoảng một tháng.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng sẽ lùi thời gian nhận hồ sơ cũng như tổ chức thi riêng.
Theo Tiền Phong