Thị trường lao động và xu thế việc làm sẽ có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19.
Công nghệ thông tin đang là ngành hot trong những mùa tuyển sinh gần đây
Trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề và trường đại học, học sinh lớp 12 cần có những thông tin gì để sau khi ra trường có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm?
Ông Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội): Điểm danh các ngành “hot”
Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường về lao động, Công nghệ thông tin là ngành học “hot” từ nhiều năm nay, trước cả khi dịch bệnh bùng nổ. Ngành này đòi hỏi người học phải chịu được áp lực công việc cao, sáng tạo, thích ứng nhạy bén với tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ toàn cầu, đồng thời thành thạo ngoại ngữ.
Thống kê của Tập đoàn Navigos cho thấy, thu nhập bình quân của một kỹ sư công nghệ thông tin mới ra trường thường dao động từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Cá biệt, một số ít sinh viên mới ra trường thậm chí có thể hưởng mức lương 30 - 40 triệu đồng. Tùy theo chính sách ở các doanh nghiệp khác nhau mà con số này có thể thay đổi.
Có thể nói đây là ngành học lý tưởng và đầy triển vọng trong tương lai. Bất cứ ngành công nghiệp nào cũng cần đến sự hiện diện của công nghệ thông tin. Vì thế, ngành học này được dự báo vẫn tiếp tục hấp dẫn trong tuyển dụng năm 2022.
Nhu cầu nhân lực cao nên ngành Công nghệ thông tin trong những năm qua luôn có điểm đầu vào rất cao, thu hút được các sinh viên giỏi, nhiều người trong đó đã từng đạt các giải quốc gia, quốc tế.
Nhiều sinh viên sau khi ra trường có việc làm ổn định, thu nhập cao, có vị trí cao tại các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, sinh viên Bách khoa còn có một cộng đồng hàng trăm người đang làm việc tại Thung lũng Silicon Valley - thủ phủ công nghệ thế giới, trong các tập đoàn công nghệ Google, Microsoft, Facebook, Amazon, Adobe...
Cùng với Công nghệ thông tin, một số ngành nghề khác cũng được dự báo sẽ có việc làm và thu nhập ổn định như Thiết kế đồ họa. Sinh viên mới tốt nghiệp có thể đạt mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Đối với người có từ một đến hai năm kinh nghiệm là 12 - 15 triệu/tháng, thậm chí có nhiều nơi sẵn sàng trả mức lương cao hơn để có được những nhân sự thiết kế đồ họa giỏi và sáng tạo.
Kỹ thuật ô tô đang là ngành học rất hấp dẫn, khả năng xin được việc cao, thậm chí mức lương khởi điểm có thể đạt từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Con số này còn dao động tuỳ thuộc vào năng lực và số năm kinh nghiệm của từng vị trí công việc khác nhau. Nhưng nhìn chung đây là ngành có mức thu nhập tương đối tốt và có triển vọng tiến xa hơn.
Thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang thay đổi từng ngày. Khách hàng hiện nay cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe riêng tư với chất lượng tốt hơn. Đây là tín hiệu tốt tạo cơ hội việc làm cho nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn ngành học này trong những năm tới.
Theo thống kê trong 3 năm tới, lĩnh vực Logistics cần khoảng 18.000 lao động. Tương lai, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Hiện nhiều trường đại học mở mã ngành này như Đại học Ngoại thương, Đại học Hàng hải, Đại học Giao thông Vận tải...
Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT): Doanh nghiệp “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo xu hướng, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có chỗ đứng trong thị trường lao động sắp tới bởi sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 cũng như nhu cầu xây dựng xã hội thông minh, thành phố thông minh trong tương lai.
Trình độ học vấn của nhân lực nước ta liên tục được cải thiện qua từng năm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đã tăng hơn gấp đôi sau khoảng 20 năm, từ 10,3% (năm 2000) lên 22,8% (năm 2020). Không chỉ trình độ học vấn được nâng cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện.
Tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật đã tăng lên đáng kể so với năm 2007, tăng 6,3 điểm phần trăm, từ 17,7% (năm 2007) lên 24% (năm 2020). Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên tăng mạnh nhất, từ 4,9% (năm 2007) lên 11,1% (năm 2020). Điều này cho thấy trong những năm qua, giáo dục đại học và trên đại học của Việt Nam có những thay đổi lớn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Thời điểm hậu Covid-19 sẽ diễn ra sự bùng nổ về nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là các ngành nghề đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó trong thời gian học tập, các bạn sinh viên cần không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức để khi cuộc sống trở lại bình thường sẽ nhanh chóng bắt kịp với nhịp sống mới. Cùng với đó cần nâng cao trình độ tiếng Anh, Tin học, kỹ năng giao tiếp, trang bị kỹ năng làm việc online.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực sẽ dự báo tình hình phát triển các chương trình đào tạo, ngành đào tạo để làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo đại học xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, giúp học sinh, sinh viên và các gia đình lựa chọn ngành học, trường học học tập, sớm có việc làm và chất lượng làm việc hiệu quả, chất lượng hơn.
Cụ thể, đó là các hoạt động đào tạo, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; hỗ trợ đào tạo các kỹ năng thiết yếu, kỹ năng tiếng Anh, hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tổ chức các chương trình thực tập sinh, trao đổi sinh viên ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho sinh viên trước khi tốt nghiệp.
Trung tâm sẽ kết nối thường xuyên, hiệu quả với thị trường lao động ngoài xã hội với quy mô gần 900.000 doanh nghiệp để bố trí thực tập cho sinh viên, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, kết nối với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới để tham gia hay tổ chức các hoạt động, hội nghị, tọa đàm quốc tế cho học sinh, sinh viên, giảng viên; tham gia chuỗi cung ứng nhân lực trình độ cao ra nước ngoài.
Theo Giáo dục và Thời đại