Một trong những điểm mới đáng chú ý sẽ được quy định trong quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2021 là thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần bằng hình thức trực tuyến.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) - trong chương trình tư vấn tuyển sinh tại Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TÂN
Thông tin trên được ThS Hoàng Thúy Nga, chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại Trường ĐH Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) sáng 13.3.
Đăng ký dự thi từ 24.4
Chia sẻ với hơn 7.000 học sinh có mặt tại buổi tư vấn này, bà Hoàng Thúy Nga cho hay dự kiến thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT từ ngày 24.4 đến 10.5, đồng thời đăng ký xét tuyển ĐH trong thời gian này.
"Khác với các năm trước, năm nay thí sinh được chọn hai hình thức khi đăng ký xét tuyển trực tiếp và trực tuyến. Các em đăng ký vào phiếu đăng ký dự thi, sau đó dùng tài khoản đăng nhập bằng mật khẩu cá nhân để đăng ký các nguyện vọng mình mong muốn" - bà Nga cho biết.
Cũng theo bà Nga, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng 3 lần trong thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép. Thí sinh chỉ được điều chỉnh bằng hình thức trực tuyến chứ không được điều chỉnh bằng phiếu nữa.
Khi điều chỉnh thí sinh cần tìm hiểu kỹ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đối với các ngành sư phạm và các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do các trường công bố để điều chỉnh nguyện vọng.
Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng vẫn phải sắp xếp nguyện vọng từ cao xuống thấp, nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Trong đợt 1 các trường xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau không phân biệt thứ tự nguyện vọng.
"Mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng trong số nguyện vọng các em đăng ký, thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng trên thì các nguyện vọng sau không được xét nữa. Do vậy khi đăng ký xét tuyển các em phải lưu ý hãy lựa chọn những nguyện vọng mình mong muốn ưu tiên xếp lên trên hết để có cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích nhất.
Sau khi trúng tuyển thí sinh phải xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc. Mỗi thí sinh chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc có đóng dấu. Khi đã xác nhận nhập học rồi thí sinh sẽ không được quyền đăng ký xét tuyển bất kỳ nguyện vọng ở phương thức xét tuyển nào nữa" - bà Nga lưu ý.
Nhiều phương thức tuyển sinh
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, hiện nay dù chưa có quy chế tuyển sinh chính thức nhưng phần lớn các trường đã công bố phương án tuyển sinh năm nay. Thực tế các trường đều áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó có ba phương thức chính: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực.
"Các em nên nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh chính thức mà các trường công bố để lựa chọn phương thức đăng ký xét tuyển phù hợp. Hiện nay xét tuyển học bạ THPT là phương thức được các trường áp dụng với nhiều cách thức khác nhau. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý để tránh nhầm lẫn dẫn đến mất cơ hội trúng tuyển" - thầy Hùng lưu ý.
Tương tự, ThS Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - marketing, tư vấn: "Hiện nay có hơn 10 phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường sử dụng. Để có nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH, các em đừng chê bất kỳ phương thức nào hết. Vì khi đăng ký xét tuyển, thí sinh được chọn đồng thời nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển. Dù xét tuyển bằng phương thức nào cũng bình đẳng như nhau".
Trong khi đó, TS Lê Thị Thanh Mai - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức được rất nhiều trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng để xét tuyển. "Với kỳ thi này, thí sinh được phép thi cả hai đợt để chọn điểm tốt nhất sử dụng đăng ký xét tuyển vào các trường. Các em cần lên website thi đánh giá năng lực tham khảo đề thi để cải tiến phương pháp học tập phù hợp" - bà Mai khuyên.
Nhắn nhủ thêm với các học sinh, bà Mai cho rằng việc xác định được mình muốn làm việc gì trong tương lai là điều vô cùng quan trọng đối với các học sinh. Để trả lời được câu hỏi này, các em cần hiểu chính mình, các tố chất, tính cách của mình có đáp ứng và phù hợp với công việc hay không. Sau đó, cần biết rõ để làm được công việc nào đó cần phải học ngành gì, trường nào.
Đồng thời, học sinh cũng cần nhìn lại sức học của mình xem tổng điểm ba môn trong tổ hợp xét tuyển, so với điểm chuẩn các năm trước của mình ra sao để có kế hoạch học tập phù hợp. Sau cùng phải xác định rõ sở thích của mình, muốn làm gì trong tương lai rồi mới đưa ra quyết định chọn ngành...
Theo Tuổi trẻ