Giáo dục và đào tạo

Trường nghề lận đận tuyển sinh hệ cao đẳng

THẾ ANH 15/11/2024 05:45

Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng nhiều năm nay, các trường cao đẳng nghề ở Hải Dương vẫn lận đận trong tuyển sinh hệ cao đẳng.

00:00

truong-cao-dang-du-lich-cong-thuong(1).jpg
Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương (Cẩm Giàng) trong tiết thực hành

Không đủ chỉ tiêu

Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương (Cẩm Giàng) tuyển sinh hệ cao đẳng luôn không đủ chỉ tiêu, chỉ đạt khoảng 60-70%. Năm học này, kết quả tuyển sinh của trường cũng chỉ đạt khoảng 65% so với kế hoạch đề ra.

Ông Đỗ Thế Thành, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương cho biết trường đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tuyển sinh, từ trực tiếp đến các trường THPT tư vấn, phát tờ rơi, mời cả doanh nghiệp đi cùng đến đặt hàng cộng tác viên tại các trường THPT; lấy thông tin, dữ liệu để gọi trực tiếp cho học sinh hoặc phụ huynh… nhưng kết quả vẫn không như mong đợi.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút tuyển sinh, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ, trường còn phối hợp với nhiều doanh nghiệp để sinh viên vừa học vừa làm tại doanh nghiệp. Sinh viên vừa được thực hành nghề nghiệp miễn phí lại có lương. Thực tế, có nhiều sinh viên của trường đang vừa học vừa làm tại Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam.

Sinh viên có nhu cầu sẽ được xe ô tô của công ty đón tại trường. Nếu sinh viên học buổi chiều thì làm buổi sáng. Còn sinh viên học buổi sáng thì làm buổi chiều và được hỗ trợ bữa ăn trưa. Ngoài tiền công, sinh viên nào làm đủ 22 buổi/tháng còn được công ty thưởng tiền chuyên cần.

Trường tổ chức dạy cả tiếng Hàn, Nhật, Đài Loan, Đức… và liên kết, tạo cơ hội, địa chỉ uy tín cho sinh viên có nhu cầu đi du học.

sinh-vien-hoc-nghe-cong-thuong(1).jpg
Năm học 2024-2025, Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương chỉ tuyển sinh được khoảng 65% chỉ tiêu

Tương tự, nhiều năm nay, kết quả tuyển sinh của Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương cũng chỉ đạt khoảng 50-60% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, tuyển sinh hệ trung cấp 9+ (vừa học nghề vừa học văn hoá) của trường những năm gần đây đều đạt và vượt chỉ tiêu.

Ngay từ tháng 3 hằng năm, trường đã giao cán bộ tuyển sinh phụ trách nhóm trường THPT đến tư vấn trực tiếp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội như Zalo, Facebook...; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, thôn; đến trực tiếp nhà phụ huynh tư vấn; bố trí xe đưa đón sinh viên ở xa đi học… nhưng kết quả tuyển sinh hệ cao đẳng vẫn không khả quan.

Thực trạng trên cũng là tình hình chung của tất cả 8 trường cao đẳng ở Hải Dương. Với tổng chỉ tiêu 3.100 sinh viên trình độ cao đẳng, năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hải Dương chỉ tuyển được 1.098 sinh viên, đạt 35,4%. Đa số các cơ sở tuyển sinh không đủ số lượng theo quy mô được cấp.

Nhiều nguyên nhân

Theo nhận định của một số cán bộ tuyển sinh lâu năm trong các trường cao đẳng nghề ở Hải Dương, một trong những nguyên nhân chính khiến các trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu là do xu hướng học sinh, phụ huynh ưu tiên chọn các trường đại học. Sự phát triển của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, các khóa học ngắn hạn, hoặc các chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu cũng tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt đối với các trường cao đẳng.

sinh-vien-cao-dang-nghe-hai-duong(1).jpg
Một tiết học của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương

Ông Thành cho biết thêm, nhiều học sinh xác định ngay từ đầu nếu không học đại học sẽ học các trường cao đẳng ở Hà Nội. Ở đó, học sinh có môi trường sôi động và điều kiện làm thêm đa dạng hơn. Đa số học sinh học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đều đã học nghề cũng là rào cản cho các trường cao đẳng tuyển sinh. Việc lấy dữ liệu của học sinh ở các trường THPT rất khó khăn, công tác phân luồng sau THPT chưa thực sự mạnh mẽ.

“Trong khi trường có hơn 20 ngành nhưng học sinh chỉ đăng ký học 5-6 ngành. Đặc biệt, không ít học sinh đang học thì bỏ, bảo lưu kết quả…”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Ân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương cho biết không chỉ cạnh tranh với các trường cao đẳng mà trường nghề còn phải cạnh tranh với trường đại học tại địa phương, nhất là khi các trường đại học tăng chỉ tiêu xét học bạ, học sinh tốt nghiệp THPT có thể dễ dàng vào đại học.

“Nhiều học sinh xác định không trúng tuyển đại học sẽ học tiếng nước ngoài và đi du học hoặc xuất khẩu lao động. Nhiều em đi nghĩa vụ quân sự hoặc tham gia thị trường lao động sớm”, ông Ân nói.

sinh-vien-truong-cao-dang-nghe-hai-duong-1-.jpg
Đội ngũ giảng viên của Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học nghề

Một số chuyên gia giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không nằm trong hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Còn theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác tuyển sinh chưa đạt quy mô được cấp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngoài do nhiều nguyên nhân. Ngoài các lý do đã nêu ở trên, thì chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chỉ đào tạo theo nguồn “cung” có sẵn, chưa đáp ứng đào tạo theo kịp “cầu” của thị trường lao động nên không tạo được sức hút đối với người học.

sinh-vien-hoc-nghe-hai-duong(1).jpg
Sinh viên Khoa Hàn của Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương đang thực hành

Hiện nay, trang thiết bị phục vụ giáo dục nghề nghiệp còn thiếu. Nhiều đơn vị sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ, lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển công nghệ và thiết bị máy móc mới của các doanh nghiệp nên người học sau khi tốt nghiệp vào làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động chủ yếu là doanh nghiệp thuộc ngành dệt, may, da giầy, điện tử. Những doanh nghiệp này phần lớn tuyển lao động phổ thông vào đào tạo một thời gian ngắn rồi ký hợp đồng lao động. Các doanh nghiệp có xu hướng tự đào tạo nghề nghiệp cho lao động hơn là hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Một nguyên nhân nữa là hiện chưa có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút học sinh đi học nghề, doanh nghiệp sử dụng lao động đã qua đào tạo; chưa tạo được cơ chế phối hợp chặt chẽ "bốn bên" trong công tác giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người học.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hải Dương hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 8 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, khối tư thục có 11 cơ sở gồm: 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 1 doanh nghiệp; còn lại là công lập.

Thực tế đang hoạt động giáo dục nghề nghiệp có 18 cơ sở, gồm 8 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 1 doanh nghiệp. Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung tại TP Hải Dương, TP Chí Linh và một số huyện gần TP Hải Dương.

Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được phép tuyển sinh, đào tạo 42 nghề trình độ cao đẳng, 75 nghề trình độ trung cấp, 102 nghề trình độ sơ cấp. Quy mô tuyển sinh được cấp là 34.600 học sinh, sinh viên/năm, trong đó trình độ cao đẳng 3.100 sinh viên/năm.

THẾ ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường nghề lận đận tuyển sinh hệ cao đẳng