Tuyển sinh 2022: Cuộc đua căng thẳng vào đại học Top trên

07/01/2022 10:12

Nhiều trường đại học chỉ dành khoảng 10%-15% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, phần lớn chỉ tiêu dành để xét tuyển thẳng hoặc dùng kết quả thi đánh giá năng lực.

Trường Đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân Hà Nội vừa công bố năm 2022 chỉ dành 10%-15% chỉ tiêu cho xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.

Tuyển thẳng, thi năng lực chiếm ưu thế

Các năm trước đây, trường ĐH tốp đầu này thường dành khoảng 50%-70% chỉ tiêu để xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, song mùa tuyển sinh năm nay, tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu biến động mạnh. 80%-85% chỉ tiêu được dành cho các phương thức tuyển sinh gồm tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp hoặc xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực tới 80%-85%, khoảng 10%-15% dành cho xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.

Tương tự, Trường ĐH Giao thông Vận tải cũng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 70%-80% còn 40%-50% trong năm nay. Trường dành chỉ tiêu còn lại cho việc tuyển thẳng hoặc xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến chỉ tuyển 10%-20% từ kết quả thi tốt nghiệp cho một số chương trình đào tạo có tổ hợp A00, A01, B00, D01, D07, D26, D28 và D29. Phương thức tuyển sinh chủ yếu là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tự tổ chức.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS-TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho biết sẽ tổ chức 16 đợt thi đánh giá năng lực năm 2022, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8. Kỳ thi đánh giá năng lực của trường dự kiến thu hút 70.000 đến 90.000 thí sinh, các đợt thi sẽ được tổ chức trong các tháng, trong đó tháng 2 dự kiến có một đợt, tháng 3, 6 và 8 có 2 đợt, tháng 4, 5 và 7 mỗi tháng có 3 đợt. Ngoài tổ chức thành nhiều đợt tùy thuộc vào diễn biến dịch, ĐHQG Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị khác tổ chức kỳ thi ở nhiều điểm thi khác nhau. Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Hải, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc tổ chức thành nhiều đợt thi ở nhiều nơi sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh. Các em có thể chủ động đăng ký tham gia vào thời điểm và địa điểm mong muốn.

Phải chọn những thí sinh tốt nhất

Hiện có gần 50 trường ĐH quyết định sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức để xét tuyển. Năm nay, ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, khu vực phía Bắc còn có kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. 8 trường ĐH khối kỹ thuật đã công bố hợp tác tổ chức, sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, bên cạnh những phương thức truyền thống như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT, xét kết hợp chứng chỉ quốc tế...

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng việc các trường ĐH top trên dành không ít chỉ tiêu cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ liệu có gây nên tình trạng mất công bằng đối với thí sinh nông thôn, miền núi, nơi các em không đó điều kiện học tiếng Anh như học sinh thành phố, PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng ngay từ đầu năm học, Bộ GD-ĐT đã định hướng những trường ĐH tốp đầu chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. "Chúng tôi đã mở ra những hướng tuyển sinh khác nhau và thông báo rất cụ thể về chỉ tiêu để thí sinh nắm rõ", PGS.TS Bùi Quốc Triệu nói.

Chuyên gia này cũng phân tích thêm, 2 năm nay, khi chuyển sang thi tốt nghiệp THPT, mục tiêu chính của kỳ thi đã là để xét tốt nghiệp THPT và đánh giá quá trình dạy học ở phổ thông chứ không hẳn là xét tuyển ĐH.

"Các trường tốp đầu cần những sinh viên ưu tú thì họ phải có những phương thức tuyển sinh đánh giá học sinh tốt nhất, công bằng nhất" - ông Triệu nói.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Tuyển sinh 2022: Cuộc đua căng thẳng vào đại học Top trên