Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 có hơn 15.000 thí sinh đủ điều kiện dự thi, nhưng không tham dự kỳ thi do giãn cách vì dịch COVID-19.
Theo quy định, các thí sinh này sẽ được đặc cách tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên do không có điểm thi tốt nghiệp nên các thí sinh này không thể đăng ký xét tuyển đại học theo kết qua điểm thi tốt nghiệp THPT.
Để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản đề nghị các trường đại học, cao đẳng điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho đối tượng thí sinh không thi tốt nghiệp. Hiện các trường đại học cũng đang xây dựng phương án xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh này.
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, những thí sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp năm nay, nhưng không thể dự thi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ được đặc cách tốt nghiệp.
Tuy nhiên, các em không thể tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng đào tạo ngành sư phạm theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp vì không có điểm thi. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường đại học đã dự trù phương án riêng đối với nhóm thí sinh này.
Phó Giáo sư Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Nhà trường cũng đã đề xuất thêm phương án cho tuyển sinh cho các em diện đặc cách. Các em không thi được nhà trường đưa ra là sẽ xét tuyển theo dạng hồ sơ năng lực và phỏng vấn các em vì nhà trường đã có phom đó rồi thi áp dụng luôn. Tuy nhiên, cách thức như thế nào, chỉ tiêu bao nhiêu thì nhà trường sẽ thông báo sau vì còn phải chờ số liệu của Bộ GD-ĐT".
Một số trường đã thông báo sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét học bạ THPT để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh đặc cách tốt nghiệp xét tuyển đại học. Đây là phương thức tuyển sinh riêng của các trường và hoàn toàn không bị chi phối bởi điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nếu như những năm trước đây, phương thức xét tuyển học bạ có rất ít trường lựa chọn, chủ yếu dành cho các thí sinh có học lực trung bình, hiện nay quan điểm này đã thay đổi. Số trường xét tuyển theo kết quả học bạ đã tăng lên (bao gồm cả xét tuyển thẳng đối với thí sinh có học lực giỏi) và tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng.
Ông Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo Học viện quản lý giáo dục cho biết: "Năm nay chúng tôi tăng tỷ tiêu lên một chút, tỷ trọng xét học bạ lên một chút, 10%. Cũng xuất phát từ sinh viên mà xét thì học bạ thì họ có năng lực học tập tốt. Chúng tôi tin vào kết quả học".
Ngoài phương thức xét tuyển kết quả học tập bậc phổ thông, kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng là căn cứ để các thí sinh được đặc cách tốt nghiệp có thể đăng ký xét tuyển vào một số trường đại học.
Theo Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, dựa trên thống kê số thí sinh đặc cách tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT, tại khu vực phía Bắc có khoảng hơn 500 thí sinh.
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức đợt thi đánh giá năng lực riêng cho nhóm thí sinh này: "Dự kiến chúng tôi tổ chức trong khoảng từ 15.9 đến 30.9 để các em có kết quả kịp xét tuyển đại học nếu như Hà Nội hết giãn cách xã hội. Căn cứ vào số lượng thí sinh thì không có tỉnh nào có số lượng thí sinh trên 100 thí sinh ngoài trừ Hà Nội. Do vậy Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ không về các tỉnh, số thí sinh ở các tỉnh có thể sẽ trở về Hà Nội sau khi kết thúc giãn cách để đảm bảo kỳ thi được an toàn và thực hiện tốt công tác phòng dịch".
Hơn 15.000 thí sinh đủ điều kiện dự thi, nhưng không tham dự kỳ thi đợt 2 do dịch COVID-19 tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó Đồng Tháp đứng đầu với hơn 4 nghìn 600 thí sinh; An Giang đứng thứ 2 là hơn 3 nghìn 300 thí sinh và TP Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với hơn 2.800 thí sinh.
Cả Bộ GD-ĐT, các trường đại học đều đang nỗ lực đảm bảo quyền lợi được tham gia xét tuyển đại học cho các em, với mục tiêu các em không bị bỏ lại sau cánh cổng trường đại học vì ảnh hưởng của dịch Covid 19.
Theo VOV