Lý Tác Thành, Thượng tướng quân đội Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công Đài Loan nếu không còn cách nào khác ngăn hòn đảo này độc lập.
"Nếu không còn khả năng thống nhất hòa bình Đài Loan, lực lượng vũ trang nhân dân Trung Quốc, cùng với cả nước, kể cả người dân ở Đài Loan, sẽ tiến hành mọi hành động cần thiết để đập nát các âm mưu ly khai", tướng Lý đặt vấn đề trong lễ kỷ niệm 15 năm ngày ban hành Luật Chống ly khai tổ chức ở Bắc Kinh.
Trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (tên chính thức của quân đội Trung Quốc - PV), Lý Tác Thành giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp và là một thành viên của Quân ủy Trung ương Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.
Các tuyên bố của Thượng tướng Lý ngày 29.5 ngay tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, vì vậy rất đáng chú ý dù trước đó đã có nhiều thiếu tướng, đại tá của Trung Quốc lên tiếng về việc sử dụng vũ lực với Đài Loan.
"Chúng tôi không hứa sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực mà sẽ duy trì biện pháp này để kiểm soát và ổn định tình hình eo biển Đài Loan", Hãng tin Reuters dẫn lại lời tướng Lý.
Luật Chống ly khai nói trên được xem là cơ sở pháp lý của Trung Quốc nếu tiến hành các chiến dịch quân sự nhắm vào Đài Loan một khi hòn đảo này tuyên bố ly khai hoặc có ý định ly khai.
Ông Lật Chiến Thư, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc ngày 29.5 khẳng định các biện pháp phi hòa bình đối với Đài Loan chỉ là lựa chọn cuối cùng và cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép bất cứ thế lực nào, bằng bất cứ cách gì, tách Đài Loan khỏi Trung Quốc.
Hôm 21.5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khiến giới phân tích xôn xao vì không sử dụng cụm từ "thống nhất hòa bình" khi nhắc đến Đài Loan trong báo cáo trước Quốc hội. Một số nhà quan sát cảnh báo đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã mất kiên nhẫn trước một Đài Bắc đang nhận được ngày càng nhiều vũ khí từ Washington.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 28.5, ông Lý đã trấn an rằng thống nhất hòa bình Đài Loan tiếp tục là chính sách của Trung Quốc và để ngỏ khả năng giao tiếp, nối lại liên lạc với Đài Bắc trong tương lai.
Tên lửa chống hạm Harpoon Block II khai hỏa từ xe phóng di động - Ảnh: BOEING
Cùng lúc này, Chang Che-ping, một quan chức cấp cao trong cơ quan quốc phòng Đài Loan, ngày 28.5 xác nhận đang đàm phán mua tên lửa chống hạm Harpoon Block II từ Mỹ nhưng không tiết lộ số lượng. Nếu Washington đồng ý bán, Đài Bắc có thể nhận những tên lửa đầu tiên vào năm 2023.
Các tên lửa này sẽ được đặt trên các xe phóng di động nhằm tăng khả năng cơ động tấn công kẻ thù và rút lui để sống sót.
Khi được hỏi vì sao đã có các tên lửa chống hạm Hùng Phong II và Hùng Phong III nhưng vẫn muốn mua tên lửa Mỹ, ông Chang nói nếu chỉ sản xuất trong nước thì không kịp trang bị.
Ông Chang lập luận rằng các nghiên cứu cho thấy nếu muốn đánh tan 50% lực lượng của Trung Quốc, Đài Loan cần nhiều tên lửa hơn nữa và chỉ có cách đi mua nước ngoài mới nhanh chóng đạt được mục đích này.
Quân đội Đài Loan được huấn luyện tốt và trang bị chủ yếu các loại vũ khí do Mỹ sản xuất. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc có ưu thế về số lượng và đang ráo riết chế tạo các loại vũ khí phục vụ cho mục đích tấn công, đổ bộ như tàu đổ bộ Type 075.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và đã từng đề nghị hòn đảo này trở về với đại lục theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã bác bỏ những điều này và tuyên bố Đài Loan trên thực tế đã là một thực thể độc lập với tên gọi chính thức "Trung Hoa dân quốc". |
Theo Tuổi trẻ