Số thành viên ngày càng ít đi, không xây dựng được lớp kế cận, cùng với nhiều khó khăn trong hoạt động đã làm cho tuồng Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) từng vang bóng một thời nay ngày càng mai một.
Vở tuồng "Trưng Nữ Vương" do Đội văn nghệ xã Thạch Lỗi biểu diễn đoạt giải nhất trong Hội diễn sân khấu không chuyên huyện Cẩm Giàng năm 2018. Ảnh: Lê Sơn
Có bề dày truyền thống hơn 50 năm, từng giành nhiều thành tích cao tại các hội diễn văn nghệ trong toàn quốc nhưng nhiều năm nay, đội tuồng Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) không còn đất diễn. Nhiều nghệ sĩ cao tuổi đã qua đời, trong khi không có lớp trẻ kế thừa.
Một thời vang bóng
"Hội đình vừa rồi đội văn nghệ của xã không phục vụ được, chúng tôi phải mời đội hát quan họ Bắc Ninh về phục vụ nhân dân, nhưng nhiều người không thích vì nghe tuồng quen rồi. Các ông bà trong đội có người bằng tuổi tôi, có người chỉ kém vài tuổi, đã đến tuổi gần đất xa trời. Tre già nhưng măng không mọc, cứ thế này thì tuồng sẽ mất, cũng mất đi một nét văn hóa truyền thống của quê hương", cụ Vũ Hữu Trọng, Trưởng Ban khánh lễ đình Thạch Lỗi nói về những khó khăn trong gìn giữ hát tuồng.
Cụ Trọng còn nhớ, hằng năm khoảng 1 tháng trước ngày hội đình Thạch Lỗi (ngày 12-13.2 âm lịch), buổi tối hằng ngày đội văn nghệ tập trung tại đình để tập luyện. Mỗi năm đội diễn một trong các vở Trưng Nữ Vương, Ngọn lửa Hồng Sơn, Trần Quốc Toản, Tình cá nước, Gia đình chị Ngộ... Tiết mục tuồng được đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương hào hứng đón xem.
Đội đã duy trì hoạt động văn nghệ quần chúng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau khi hòa bình đội tiếp tục biểu diễn tại địa phương, tham gia và giành nhiều thành tích cao tại các hội diễn văn nghệ trong toàn quốc. Tập thể và cá nhân các nghệ sĩ trong đội đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Hai nghệ sĩ Vũ Thị Thuyết (đã qua đời) và Vũ Thị Diên đã vinh dự được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú.
Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thị Diên mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp nối cha ông gìn giữ nghệ thuật tuồng
Con cháu chẳng ai theo
Theo Nghệ nhân Ưu tú Vũ Thị Diên ở thôn Thạch Lỗi, giai đoạn năm 2010-2013, bà được các Trường Tiểu học, THCS Thạch Lỗi mời dạy hát tuồng cho học sinh. Chỉ hơn 1 tháng, các em đã thuộc các trích đoạn trong hai vở "Trưng Nữ Vương" và "Trần Quốc Toản". Các em đã biểu diễn tại trường và đình làng trong ngày hội, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ, cổ vũ. Cháu nội bà Diên được bà truyền dạy và đóng vai người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản. "Lúc cháu biểu diễn xong, ai cũng khen cháu đóng hay, giống tôi ngày xưa như đúc từ thần thái, biểu cảm nên tôi vui lắm. Tiếc rằng bây giờ con cháu chúng tôi chẳng ai theo và giữ được bộ môn nghệ thuật này", bà Diên thở dài.
Sau giai đoạn đó, các trường không còn tổ chức dạy hát tuồng. Có người trẻ tham gia đội văn nghệ của xã nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn do bận công việc. Thành lập năm 1963 với 52 thành viên nhưng hiện đội tuồng chỉ còn chưa đến 20 người. Người trẻ nhất trong đội đã trên 50 tuổi, cao tuổi nhất đã trên 80 tuổi. Các con cháu của các nghệ sĩ, nhạc công không có ai tham gia đội.
Hàng chục năm trước, đội tuồng - nay là đội văn nghệ xã Thạch Lỗi thường được mời đi biểu diễn ở các cuộc hội họp trong tỉnh. Hiện nay, nhu cầu xem hát tuồng giảm dần do "kén" khán giả đại chúng. Vì vậy, đội văn nghệ không còn nhiều đất diễn. Đội chủ yếu biểu diễn ở hội đình hoặc tham gia các hội diễn văn nghệ tại trung ương và địa phương. Trang phục của đội được một "Mạnh Thường Quân" là con em địa phương tài trợ cách đây vài chục năm nay đã cũ rách mà chưa có kinh phí thay. Sự hỗ trợ của cấp trên đối với đội văn nghệ chưa nhiều.
Bà Vũ Thị Luy, Đội trưởng Đội văn nghệ xã Thạch Lỗi trăn trở: "Những năm trước các cụ 70, 80 vẫn hăng hái đi tập tối nhưng khi các cụ khuất không có ai tiếp nối".
VIỆT QUỲNH