Bằng tình yêu, trách nhiệm của mình, nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ đã trở thành người "đỡ đầu”, có nhiều đóng góp cho đội tuồng xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng, Hải Dương).
“Tôi có duyên nợ với tuồng Thạch Lỗi”
Tôi tình cờ gặp gỡ, trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ tại Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương vừa qua. Ông bảo: “Tôi có duyên nợ với tuồng Thạch Lỗi. Mối nhân duyên ấy bắt nguồn từ việc tôi yêu và lấy người con gái ở mảnh đất này 39 năm trước. Lúc đó tôi đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, là diễn viên chính của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Vợ tôi là Vũ Thúy Ten, lúc ấy cũng là một nghệ sĩ tuồng”.
Với ông, làm rể Thạch Lỗi là một may mắn. Nơi đây là quê hương của Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thị Lan (cụ Cả Tam). Ở đây còn sinh ra nhiều nghệ nhân tuồng nổi tiếng. Đến nay, đoàn tuồng Thạch Lỗi đã có lịch sử 70 năm. Đoàn được nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của Nhà hát tuồng Việt Nam truyền dạy cả phong cách nghệ thuật miền Bắc và miền Trung. Đoàn đã đi biểu diễn nhiều nơi, được nhiều giải thưởng; có 2 Nghệ nhân Ưu tú được Nhà nước phong tặng…
Năm 2020, đoàn tuồng Thạch Lỗi được kiện toàn với tên gọi “Câu lạc bộ Nghệ thuật tuồng xã Thạch Lỗi”. Trong buổi ra mắt, lãnh đạo xã đã mời nguyên Thứ trưởng, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ và phu nhân về dự. Được nghe về truyền thống quê hương, lịch sử ngôi đình cổ thờ Thành hoàng làng Tổng binh Lý Quốc Bảo và bà Vũ Thị Hương (thời vua Lý Nam Đế)... nguyên Thứ trưởng hứa sẽ sáng tác 1 kịch bản tuồng nói về Thành hoàng làng.
Kịch bản “Thành hoàng quê tôi” ra đời, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thu và phát sóng đầu năm 2022. Do dịch Covid-19, giữa năm 2022, vợ chồng ông mới cho Câu lạc bộ Nghệ thuật tuồng xã Thạch Lỗi tập luyện. Ban đầu, vở tuồng được biểu diễn chào mừng 75 năm thành lập Đảng bộ xã và kỷ niệm ngày giỗ kỵ Thành hoàng làng. Tại Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2023, câu lạc bộ cũng chọn vở này để biểu diễn.
Những đóng góp đáng kể
Mới kiện toàn và phục hồi hoạt động nên Câu lạc bộ nghệ thuật tuồng xã Thạch Lỗi khó khăn chồng chất, thiếu trang thiết bị phục vụ biểu diễn và yếu về nghề. Nguyên Thứ trưởng và vợ đã có những đóng góp đáng kể cho câu lạc bộ.
“Vợ tôi đi mua vải, kim sa, kim tuyến, thuê thêu mặt rồng, mặt phượng… để may gần 50 bộ phục trang”, ông Thọ cho biết. Bà Vũ Thúy Ten cũng tự tay mua vải, may phông màn phục vụ cho câu lạc bộ biểu diễn ở cấp xã, huyện, tỉnh. Ông bà còn mua 6 mũ, 5 bộ râu, 6 đôi hia, 2 chiếc kèn, 6 bộ mic cài; đóng góp và kêu gọi tài trợ mua bộ âm ly phục vụ biểu diễn… Tổng số tiền ông đã tài trợ cho câu lạc bộ lên tới 200 triệu đồng.
Không chỉ đầu tư trang thiết bị, ông bà còn có những đóng góp không thể đo tính được. Trong hơn 1 năm, không quản mưa nắng, đường sá xa xôi, ông còn đảm nhận vai trò làm đạo diễn, dạy vai cho các diễn viên trong câu lạc bộ.
“Chúng tôi đều là nông dân, không thể tập vào ban ngày vì còn phải đi làm. Vậy mà, thầy cô không quản ngại từ Hà Nội về, tranh thủ dạy cho chúng tôi vài tiếng đồng hồ vào buổi tối rồi lại đi ngay”, ông Hoàng Đình Quý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ thuật tuồng xã Thạch Lỗi cho biết. Cũng giống như ông Quý, 28 thành viên còn lại của câu lạc bộ đều gọi nguyên Thứ trưởng với vợ ông là “thầy, cô” đầy trân trọng.
Đội tuồng Thạch Lỗi là đội tuồng duy nhất tham gia Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2023. Đây cũng là nét đặc sắc của hội diễn sân khấu không chuyên năm nay sau nhiều năm nghệ thuật tuồng vắng bóng. Vở "Thành hoàng quê tôi" được đánh giá cao về chuyên môn, đoạt giải A toàn đoàn. Hai diễn viên của câu lạc bộ giành giải nhất diễn viên xuất sắc. Ông Hoàng Đình Quý, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết ông diễn vai Tổng binh Lý Quốc Bảo là vai diễn khó, dài. “Đây là lần đầu tiên người nông dân như tôi được bước lên sân khấu lớn như vậy. Dưới sự dìu dắt của thầy cô tôi đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi”, ông Quý nói về việc mình đoạt giải B diễn viên xuất sắc tại hội diễn vừa qua.
Ông Nguyễn Nhuận, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ thuật tuồng xã Thạch Lỗi tự hào: “Chúng tôi thường có câu: Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì ra xem tuồng. Thầy đã thay người dân Thạch Lỗi viết về lịch sử Thành Hoàng làng. Từ đó tôn vinh lịch sử của quê hương, đưa nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi trở về thời hoàng kim, góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông”.
Còn với nguyên Thứ trưởng, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, tình yêu chân chất, bình dị của những người nông dân đối với nghệ thuật tuồng chính là động lực khiến ông có thêm quyết tâm để cống hiến cho đội tuồng xã nhà. “Ở đó có những cụ già trên 80 tuổi, đêm đêm vẫn đi bộ từ nhà đến hội trường xã hay anh cán bộ văn hóa huyện vẫn là thành viên trong câu lạc bộ, cần mẫn đi về tập luyện cùng bà con… Đó là những hình ảnh không bao giờ tôi quên được”, nguyên Thứ trưởng nói.
Từ khi dựng thành công vở diễn “Thành hoành quê tôi”, Câu lạc bộ Nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi đã được Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tặng giấy khen; giành giải thưởng Đào Tấn; Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng bằng khen…
Với tình yêu và trách nhiệm của người con quê hương, ông mong mỏi phong trào nghệ thuật không chuyên của tỉnh Hải Dương được quan tâm, đầu tư hơn nữa.
LÊ HƯƠNG