Tuổi học trò và nỗi đau xé lòng

05/01/2023 14:40

Những mất mát do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra luôn là nỗi đau, nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Càng thương tâm hơn, bi đát hơn khi nạn nhân là những học sinh cắp sách tới trường với bao ước mơ, hoài bão còn dang dở.


Bà Trần Thị Ái, bà ngoại cháu H.A. phải chăm sóc anh trai H.A. bị bại não

Xót người ra đi

Con đường từ TP Hải Dương tới xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) dường như dài hơn không chỉ vì cái lạnh tê tái mùa đông mà còn bởi tâm trạng nặng trĩu khi chúng tôi về thăm gia đình cháu N.H.A. Cháu đã ra đi mãi mãi vì TNGT khi mới 12 tuổi. Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày chiếc xe bồn cướp đi sinh mệnh của H.A. nhưng không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ của cháu. Bà ngoại H.A. mất ăn, mất ngủ, còn hai bác là trụ cột gia đình cũng không chuyên tâm làm việc vì thương đứa cháu côi cút bạc mệnh. Mỗi lần nhìn di ảnh của H.A. là bà Trần Thị Ái lại quặn thắt tâm can. Có ai ngờ rằng, buổi sáng 14.11 bình thường như bao ngày khác nhưng H.A. đi học mãi chẳng thấy về. “H.A. rất ngoan ngoãn, nghe lời. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu không bao giờ đòi hỏi gì. Vậy mà... Đau đớn quá!”, bà Ái khóc nấc khi nói về đứa cháu xấu số.

Anh Lê Văn Kiên là bác ruột của H.A. nghẹn ngào kể về hoàn cảnh hẩm hiu của cháu mình. Bố mẹ cháu có 2 người con trai nhưng anh lớn bị bại não. Vì thế, H.A. là hy vọng của cả nhà. Tai họa ập xuống vào năm 2014 khi bố H.A. qua đời vì TNGT. Hụt hẫng, suy sụp, song mẹ H.A. là chị Lê Hải Yến vẫn gắng gượng để lo cho 2 đứa con thơ. Gửi 2 con cho bà ngoại, chị Yến đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc những mong sẽ lo cho con được cuộc sống tốt đẹp hơn. Thiếu thốn tình yêu thương của bố mẹ nhưng H.A. được bà và hai bác bao bọc, chăm lo nên rất hiểu chuyện. Vậy mà giờ đây H.A. không còn nữa. Anh Kiên đau xót nói: “Cứ nghĩ lại buổi sáng hôm đó là tôi lại thấy day dứt. Thằng Cò (tên gọi ở nhà của cháu H.A.) hớn hở đi học, chỉ vội ăn tạm mẩu bánh mì. Thế mà tới trưa cháu đã nằm bất động ở lề đường. Nó được bên nội đón về, nằm cạnh mộ bố và ông nội. Nhưng bên này là nơi cháu ở từ tấm bé nên gia đình tôi vẫn lập bàn thờ hương khói”.

Niềm hân hoan đón năm học mới chẳng tày gang thì cháu P.Đ.Tr. (sinh năm 2009, ở thôn Nhan Bầu, xã Thanh Hồng, Thanh Hà) đã mãi ra đi, để lại bao ước mơ, dự định. Buổi sáng 5.9, Tr. còn hăm hở tới trường dự khai giảng, tới chiều cháu đã không còn nữa. Ông Phạm Văn Định vẫn còn chưa hết bàng hoàng về buổi chiều hôm cháu nội gặp nạn. Nghĩ tới đứa cháu mà ông luôn yêu thương, chiều chuộng, đôi mắt ông Định lại đỏ hoe. Ông ngậm ngùi nói: “Nó mới xin phép tôi đi đá bóng với đám trẻ trong làng mà lúc sau đã nghe tin cháu bị tai nạn. Tôi hốt hoảng chạy ra thì đã không kịp nữa”.

Bố mẹ ly hôn, Tr. ở với bố nhưng chỉ có ông bà nội quan tâm. Tr. là đứa trẻ giàu nghị lực, không vì hoàn cảnh éo le mà trách móc, oán hờn. Tr. sống tình cảm, biết ông bị bục màng phổi, sức khoẻ yếu nên Tr. hay giúp đỡ ông từ việc lặt vặt trong nhà đến làm đồng áng. Nếu không đi học thì Tr. ra ruộng rau muống bắt ốc hoặc phụ ông bơm nước tưới vườn bưởi của nhà. Nhưng nghiệt ngã thay người đầu bạc lại phải tiễn kẻ đầu xanh, TNGT đã cướp đi người cháu hiếu thuận của ông Định. “Thấy cháu nhà người ta có đủ cả bố lẫn mẹ, tôi lại xót cháu mình. Ông bà già rồi vẫn phải gắng gượng vì muốn bù đắp cho cháu. Từ ngày bố mẹ bỏ nhau, tôi chưa thấy nó vui vẻ ngày nào. Chưa kịp làm được gì cho cháu thì cháu đã bỏ lại ông bà mà đi”, ông Định quệt ngang dòng nước mắt, chua xót nói.


Ông Phạm Văn Định chẳng thể ngờ đứa cháu mà ông luôn yêu thương đã ra đi mãi mãi

Đau người ở lại

Nhắc tới vụ TNGT cướp đi sinh mạng của 2 nữ sinh lớp 10 Trường THPT Trần Phú, người dân phường An Lạc (Chí Linh) vẫn không khỏi xót xa dù đã xảy ra hơn 3 năm trước. Còn nhớ buổi chiều định mệnh đó, 13 giờ 15 ngày 25.11.2019, em N.T.T.Ph. đèo em M.T.N.Q. trên xe gắn máy 34AB - 007.09 đi trên quốc lộ 37 đến trường. Khi đến khu vực gần cầu Ninh Chấp (đoạn cơ sở 2 của Trường Đại học Sao Đỏ ở phường Thái Học) thì va chạm với ô tô khách 15B - 042.99 do anh Trần Văn Tưởng (sinh năm 1990, ở huyện Tiền Hải, Thái Bình) lái ngược chiều. Vụ tai nạn khiến 2 nữ sinh ngã ra đường tử vong tại chỗ. Cái chết oan ức của 2 nữ sinh do lái xe khách đi ẩu, vượt xe, lấn làn, không bảo đảm an toàn. Người dân không chỉ tiếc thương các nữ sinh tuổi đời còn trẻ, tương lai đang rộng mở phía trước, mà còn xót xa thương các cháu bởi hoàn cảnh gia đình cả hai đều thuộc diện khó khăn. Nhà Ph. có 2 chị em, Ph. là con cả. Tuy nhiên, bố mẹ em đã ly hôn và Ph. sống cùng bố. Mẹ Ph. sang nước ngoài lao động, một thời gian thì bố Ph. cũng tái hôn. Còn bố em Q. làm nông nghiệp, mẹ làm công nhân may.

Người thân nữ sinh Ph. cho biết: "Gia cảnh Ph. khó khăn lắm. Bố và mẹ kế cháu đều làm công nhân. Hôm xảy ra sự việc, bố cháu đi làm đêm về mệt ngủ không hay, chỉ đến khi được người thân báo tin thì mới biết và đến bệnh viện nhận thi thể con gái. Còn mẹ ruột cháu đã nhận được tin nhưng không thể về nước vì nhiều lý do khác nhau. Nghĩ buồn quá". 

Từ ngày cháu Q. mất, mẹ cháu suy sụp tinh thần, trở nên trầm mặc. Còn nhớ buổi chiều định mệnh đó, mẹ cháu Q. đang đi làm ở công ty thì nhận được tin dữ, mẹ cháu như người mất hồn, gào khóc gọi con. Hơn 3 năm rồi nhưng nỗi đau dường như vẫn chẳng thể nguôi ngoai. Cứ nhắc đến con gái, mẹ cháu lại trào nước mắt. Thỉnh thoảng mẹ cháu vẫn vô thức đứng ở cổng đợi Q. đi học về, nhưng những giọt nước mắt chỉ lăn dài trong vô vọng. 

Mỗi lần nhìn gương mặt bầu bĩnh, đáng yêu của cháu ngoại lờ mờ qua khói hương hay đi qua nơi H.A. gặp nạn là bà Ái lại khóc nấc. Bà cứ ân hận mãi khi không chở cháu tới trường. Thương cháu mất bố lại xa mẹ từ nhỏ nên bao nhiêu tình thương bà đều dành hết cho H.A. Biết đường đến trường nhiều xe cộ đi lại nguy hiểm nên từ mẫu giáo đến cấp 1, bà Ái đều chở H.A. đi học. Lên lớp 6, H.A. bảo bà cháu đã lớn rồi, chân đã dài hơn chân bà nên có thể tự đạp xe tới trường. Bà Ái mừng vì cháu đã lớn, hiểu chuyện. Vậy mà chỉ sau 1 năm, H.A. đã không còn, chỉ mãi là đứa trẻ 12 tuổi trong lòng mọi người. Đớn đau và bất hạnh nhất là khi cháu ra đi không có mẹ bên cạnh. Ở với bà và hai bác nhưng lúc nào H.A. cũng nhớ đến mẹ. Ngày nào H.A. cũng gọi điện cho mẹ kể về mọi chuyện rồi than vãn mẹ không giữ lời hứa. “Mẹ nó bảo khi nào cháu lên cấp 2 mẹ sẽ về, ba mẹ con đoàn tụ nhưng vì gánh nặng mưu sinh mà nó học lớp 7 mẹ vẫn ở xa. Giờ thì không kịp nữa rồi”, bà Ái nghẹn ngào. 

Dù Tr. không nói ra nhưng ông Định cũng hiểu tâm sự của đứa cháu trai bé bỏng. Cũng giống như H.A., điều mà cháu P.Đ.Tr. mong mỏi nhất là được gặp mẹ. Mỗi lần điện thoại nói chuyện với mẹ, câu mà Tr. hay hỏi nhất là “Bao giờ mẹ về?”. Cứ tưởng lên một lớp, lớn thêm một chút là ngày được gặp mẹ sẽ đến gần. Vậy mà Tr. cũng chẳng kịp đợi để được gặp mẹ. 

Biết bao lời chưa kịp nói, những điều chưa kịp làm, những dự định, ước mơ còn dang dở, nỗi đau của những gia đình có người thân bị TNGT là những mất mát không gì bù đắp được. Một mùa xuân mới lại về, Tết đang đến gần, nhiều gia đình mong chờ những cái Tết đoàn viên nhưng với nhiều gia đình mất con vì TNGT thì những khoảnh khắc sum vầy vui vẻ đã không còn nữa vì người thân của họ đã ra đi mãi mãi. TNGT đã lấy đi những mạng người vô tội và những cái Tết vẹn tròn.

Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 157 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm 127 người chết, 68 người bị thương; so với năm 2021, giảm 11 vụ, giảm 1 người chết và giảm 14 người bị thương. So với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 năm 2019, giảm 67 vụ, giảm 83 người chết và giảm 31 người bị thương. Tổng số người điều khiển gây tai nạn trong năm 2022 là 305 người, trong đó người liên quan đến tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh là 31 người, chiếm hơn 10%. 

HÀ NGA

(0) Bình luận
Tuổi học trò và nỗi đau xé lòng