Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng tượng trưng cho niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn viên.
Trải qua bao biến động của lịch sử, của thời gian, đã có nhiều truyền thống bị mai một nhưng có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ từ xa xưa cho tới bây giờ đó là tục gói bánh chưng vào ngày Tết Nguyên đán.
Tục gói bánh chưng thờ cúng tổ tiên ngày Tết trở thành nét văn hóa truyền thống. Tết Nguyên đán, mọi nhà từ nông thôn đến thành phố, từ gia đình khó khăn đến khá giả, trong ba ngày Tết nhất định phải có bánh chưng. Phong tục truyền thống thờ cúng và thưởng thức bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc là cả một quá trình tư duy độc đáo của cha ông ta. Nó không chỉ đơn thuần là vật chất, là loại bánh, là món ăn giàu dinh dưỡng mà còn là văn hóa tinh thần chứa đựng triết lý sâu sắc về vũ trụ, nhân sinh, âm dương, ngũ hành.
Bánh chưng được làm từ sản phẩm nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi đó là: gạo nếp (âm), đậu xanh, thịt lợn (dương) và gia vị (hạt tiêu, muối). Tất cả những thứ ấy được gói lại bằng lá dong hay lá chuối tạo nên một tổng thể vuông vức, được buộc chặt bằng dây lạt mềm mại. Khi luộc chín cắt bánh chưng ra, 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành trong triết lý phương Đông: Màu vàng ngà của nhân đậu xanh bùi ngậy thoảng hương thơm ứng với hành thổ trong thế đất vuông nằm ở trung tâm, màu đỏ hồng của thịt lợn chín tương ứng với hành hỏa, màu trắng ngần của gạo nếp dẻo thơm ứng với hành kim, màu xanh biếc của lá dong hay lá chuối tương ứng với hành mộc và chấm đen của hạt tiêu tương ứng với hành thủy.
Triết lý âm dương, ngũ hành còn được thể hiện cả trong quá trình gói bánh và luộc bánh: Gạo nếp làm vỏ hình vuông bên ngoài là âm, bao bọc bên trong nhân bánh hình tròn (đậu xanh, thịt heo) là dương. Khi luộc bánh phải dùng nồi kim loại lớn (kim), xếp bánh vào nồi rồi đổ nước (thủy) vào, lửa (hỏa) được đốt từ củi (mộc), bếp được đắp từ đất (thổ). Cả 5 yếu tố trên luôn bổ trợ cho nhau, hài hòa bên nhau.
Thông thường, các gia đình Việt có thói quen gói bánh từ khoảng 26 tháng Chạp trở đi. Đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau một năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết. Và công việc đầu tiên là chuẩn bị cho nồi bánh chưng. Người thì đi chợ chọn mua thịt lợn, người thì ngâm gạo, người rửa lá dong, đãi đậu xanh, người thì chẻ lạt… Muốn có được những chiếc bánh vuông đẹp, chín rền, xanh ngon để đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, thành kính nhớ về cội nguồn thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị. Khi những vật dụng được chuẩn bị đầy đủ, cả nhà cùng quây quần gói bánh, luộc bánh. Tuy bận rộn, tất bật nhưng ai nấy đều vui vẻ, nói cười rôm rả.
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng tượng trưng cho niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn viên. Có những gia đình, các con đều đi làm và học tập xa nhà, chỉ có dịp Tết mới được trở về với gia đình. Và trong cái thời tiết giá lạnh của những ngày cuối năm, các thành viên cùng ngồi quây quần bên bếp lửa hồng trông nồi bánh chưng xanh đang sôi sùng sục, làn khói bay lên hòa quyện với mùi vị đặc trưng của hương nếp, lá dong. Những câu chuyện về cuộc sống thường ngày, những niềm vui, nỗi buồn được hàn huyên, chia sẻ quanh nồi bánh chưng, tình thân được gắn kết bền chặt hơn, tạo nên không khí đầm ấm, đồng thời nhắc nhở con cháu gìn giữ nét đẹp truyền thống quý giá của cha ông.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người bị cuốn theo bộn bề công việc làm phai nhạt dần những phong tục, tập quán tốt đẹp, hoặc ít có dịp quan tâm đến nhau. Vì vậy, việc gói bánh chưng trong dịp Tết Nguyên đán chính là dịp để ông bà, bố mẹ và con cháu sum vầy trước không khí rạo rực của mùa xuân. Dù có đi đâu, ở đâu, người dân con cháu Lạc Hồng cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc, là cảm giác háo hức thời thơ bé ngồi canh nồi bánh bên bếp lửa ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong những ngày đầu năm mới.
Sẽ không có một nơi nào trên thế giới có được sự độc đáo với tục gói bánh chưng xanh cúng tổ tiên ngày Tết như dân tộc Việt Nam. Nét văn hóa ấy đã trở thành một giá trị truyền thống trường tồn mãi với thời gian, ngấm vào máu thịt và tâm trí của những người con đất Việt mỗi khi Tết đến xuân về.