Giá như anh trở về nước sớm hơn! Giá như mỗi ngày chị dành thời gian để quan tâm, gần gũi con! Giá như…
Bây giờ, vợ chồng anh Tâm mới thấy ân hận và đau xót khi đứa con trai ngày càng sa ngã. Càng thương con bao nhiêu, anh chị càng tự trách mình bấy nhiêu. Giá như anh trở về nước sớm hơn! Giá như mỗi ngày chị dành thời gian để quan tâm, gần gũi con! Giá như…
Anh Tâm đi lao động xuất khẩu ở Ba Lan từ khi thằng Tiến mới vào lớp một. Nơi đất khách, anh cố gắng lao động, dành dụm chút vốn gửi về để vợ mở một cửa hàng tạp hoá. Do khéo buôn bán lại gặp thời kỳ làng quê bắt đầu chuyển mình theo nền kinh tế thị trường nên việc làm ăn của chị khá phát đạt. Công việc buôn bán bận rộn mệt nhoài khiến chị không có thời gian để chăm sóc con chu đáo. Chị chỉ mong kiếm thật nhiều tiền để con có điều kiện tốt cho tương lai sau này. Chị mua sắm cho con đủ thứ với suy nghĩ là không để con mình phải thua kém con thiên hạ. Thằng Tiến lớn dần lên trong sự dư thừa về vật chất nhưng thiếu sự quan tâm, săn sóc của cha mẹ. Nhiều khi nhìn thấy bè bạn được bố mẹ chăm chút, gần gũi mà nó tủi thân. Dần dần, nó trở nên ít nói, sống lặng lẽ và hoạt động như một cái máy đã được lập trình sẵn. Hằng ngày, đi học về là thằng Tiến vội chui tọt lên phòng với chiếc máy vi tính, khoảng trời riêng của nó, như để trốn khỏi cái thế giới ồn ào ở tầng dưới, nơi mẹ nó đang mải mê buôn bán. Nó suy nghĩ gì, cuộc sống cá nhân của nó như thế nào chị không hề biết. Thấy con ít giao du, chơi bời nên chị cũng yên tâm rằng con mình không sa ngã mà rất chăm chỉ học hành. Một đôi lần, cô giáo chủ nhiệm của thằng Tiến có đến trao đổi về những biểu hiện khác thường của nó nhưng chị vẫn chủ quan, nghĩ rằng những điều đó không nghiêm trọng lắm. Chị không biết rằng con chị học ngày càng sa sút và nó đã “nghiện” trò chơi điện tử tự bao giờ…
Anh Tâm trở về sau hơn chục năm lăn lộn mưu sinh bên trời Âu xa xôi. Những tưởng con mình ở nhà sẽ chăm ngoan, học giỏi nhưng anh không ngờ thằng Tiến lại làm anh thất vọng đến thế! Nó học xong lớp 12 một cách chật vật và cũng chẳng có chí thi cử, học hành gì nữa mà chỉ suốt ngày ngồi trước máy vi tính với những trò chơi điện tử hấp dẫn đến nỗi quên ăn, quên ngủ. Anh “chạy” cho nó vào một trường đại học dân lập nhưng bao nhiêu tiền bạc, thời gian nó đều “gửi” vào các quán điện tử. Nhập học cho con được vài tháng anh đã phải nhận giấy báo đuổi học và giấy báo nợ của nó. Anh lại phải lên Hà Nội trả nợ và vội đưa nó về. Bây giờ anh chị mới có dịp khuyên bảo nó và nó cũng hứa sẽ sửa chữa. Nhưng năm sau, rồi năm sau nữa… nó vẫn vậy. Bất lực, anh đưa thằng Tiến về quê để “quản lý”, vừa lựa lời khuyên bảo vừa để cho nó thấm thía… Nhưng rồi một lần thằng Tiến đã trốn nhà ra đi với gần hai mươi triệu tiền hàng của chị, đ.ể lại dòng chữ: “Con mê trò chơi điện tử quá rồi, không thể nào thiếu nó được! Mong bố mẹ tha thứ cho con…”.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì mỗi con người đều có nhu cầu được quan tâm, chia sẻ. Đặc biệt là với con trẻ, điều đó càng cần thiết và có ý nghĩa hơn. Được như thế, phải chăng đó mới là hạnh phúc đích thực, lớn lao nhất của mỗi con người, mỗi gia đình!...
VĂN LỢI