Từ thời Hùng Vương đến khi thực dân Pháp xâm lược, Hải Dương đã nhiều lần thay đổi địa danh, địa giới từ thuộc bộ Dương Tuyền, quận Giao Chỉ, lộ Hồng Châu đến Trấn Hải Dương...
Cửa phía Đông của Thành Đông ( đã bị thực dân Pháp phá năm 1889) |
- Thời Hùng Vương (thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ III trước Công nguyên) thuộc bộ Dương Tuyền.
- Thời Tần (221-206 trước Công nguyên) thuộc Tượng Quận.
- Thời Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên), thời Ngô (220- 280), Tấn (265-420), Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557) thuộc quận Giao Chỉ.
- Thời Tuỳ (581-618) thuộc huyện Giao Chỉ, trong quận Giao Chỉ.
- Thời Đường (618-907) thuộc trấn Hải Môn, sau lại đồi thành Hồng Châu.
- Thời Đinh - tiền Lê (968-1009) thuộc đất Hồng Châu.
- Thời Lý (1010-1225), thuộc Hồng Lộ, sau đổi là lộ Hải Đông.
- Thời Trần (1226-1400), Hồ (1400- 1407) thuộc Hồng Lộ, sau gọi là Lộ Hải Đông. Sau phân thành 4 lộ: Hồng Châu Thượng, Hồng Châu Hạ, Nam Sách Thượng, Nam Sách Hạ, còn có tên là Nam Sách Giang.
Theo "Hải Dương nhất thống chí" do Nguyễn Xuân Huy soạn năm Tự Đức thứ 21 (1868) thì từ thời kỳ thuộc Minh, tỉnh Hải Dương ngày nay thuộc địa giới các đơn vị hành chính như sau:
- Thời thuộc Minh (1407-1427), tỉnh Hải Dương nằm ở hai phủ Lạng Giang và Tân An. Phủ Lạng Giang gồm 2 châu Thượng Hồng và Lạng Giang. Châu Thượng Hồng gồm 10 huyện: Bình Hà, Đường An, Đa Cẩm và 7 huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh. Phủ Tân An gồm 4 châu: Đông Triều, Nam Sách, Hạ Hồng, còn châu Tịnh An thuộc tỉnh Quảng Yên.
Đến năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), nhà Minh đặt phủ Lạng Giang gồm 3 châu, 15 huyện. Trong đó, châu Nam Sách quản lý 3 huyện Thanh Lâm, Chí Linh, Bình Hà; châu Thượng Hồng quản lý 3 huyện: Đường Hào, Đường An và Đa Cẩm.
Phủ Tân An gồm 3 châu, 21 huyện. Phủ trực tiếp quản lý 5 huyện: Giáp Sơn, Thái Bình, Đa Dực, Hà Côi và Tây Quan; châu Đông Triều quản lý 4 huyện: Đông Triều, Cổ Phí (trước là Phí Gia), An Lão và Thuỷ Đường; châu Hạ Hồng quản lý 4 huyện: Trường Tân, Tứ Kỳ, Đồng Lợi và Thanh Miện. Còn 01 Châu, 8 huyện thuộc tỉnh Quảng Yên.
Năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408), huyện Thanh Lâm, Đường Hào, Đông Triều và Trường Tân sáp nhập vào châu Hạ Hồng. Năm Vĩnh Lạc 13 (1415), châu Nam Sách và huyện Chí Linh sáp nhập vào phủ Tân An. Năm Vĩnh Lạc 17 (1419), sáp nhập huyện Đa Cẩm và Đường An vào phủ Lạng Giang, huyện Thanh Miện sáp nhập vào huyện Đồng Lợi.
Thời Lê sơ, niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) triều đình chia đất nước thành các đạo, tỉnh Hải Dương thuộc Đông Đạo. Đời vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Diên Ninh (1454-1459) đổi thành Nam Sách Thượng Lộ, Nam Sách Hạ Lộ.
Đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thử 7 (1466), đất nước được chia làm 12 thừa tuyên, Hải Dương thuộc Nam Sách thừa tuyên; năm Quang Thuận thứ 10 (1469), định bản đồ, đổi thành thừa tuyên Hải Dương, gồm 4 phủ, 18 huyện. Trong đó, phủ Thượng Hồng có 3 huyện: Đường Yên (An), Đường Hào và Cẩm Giàng; phủ Hạ Hồng có 4 huyện: Trường Tân, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại và Thanh Miện; phủ Nam Sách có 4 huyện: Bình Hà, Tân An, Thanh Lâm và Chí Linh; phủ Kinh Môn có 7 huyện, còn gọi là thất quận, gồm: Hiệp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Thuỷ Đường, Kim Thành và An Dương. Năm Hồng Đức 21 (1490), định lại bản đồ, đổi thành xứ Hải Dương, biệt danh là xứ Đông.
Đời Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận (1509- 1516), gọi là trấn Hải Dương. Triều đình nhà Mạc (1527-1592) tách các phủ Thuận An của Kinh Bắc, phủ Khoái Châu, Long Hưng, Kiến Xương, Thái Bình của Trấn Sơn Nam nhập vào Trấn Hải Dương đổi thành Dương Kinh.
Thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Quang Hưng (1578-1599) trả lại phần đất của các trấn nhà Mạc nhập vào và đổi Dương Kinh thành trấn Hải Dương.
Đời Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ hai (1741), Hải Dương được chia làm 4 đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Đông Triều và An Lão.
- Thời Tây Sơn (1789-1802), phủ Kinh Môn được sáp nhập vào trấn Yên Quảng.
- Thời Nguyễn, năm Gia Long thứ nhất (1802), Kinh Môn được trả về Hải Dương như cũ. Trấn Hải Dương quản lý 4 phủ 18 huyện như từ năm Quang Thuận thứ 10 đời vua Lê Thánh Tông. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), đổi phủ Thượng Hồng thành phủ Bình Giang, phủ Hạ Hồng thành phủ Ninh Giang.
Năm Minh Mạng 12 (1831), đối trấn thành tỉnh, cả nước có 31 tỉnh. Trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương, còn gọi là tỉnh Đông.
Năm Minh Mạng 13 (1832), đặt phân phủ Ninh Giang, Nam Sách; năm Minh Mạng 14 (1833), đặt phân phủ Kinh Môn; năm Minh Mạng 18 (1837), đặt phủ Kiến Thụy và phân phủ Kiến Thụy; năm Minh Mạng 19 (1838), đặt phân phủ Bình Giang và lập huyện Vĩnh Bảo. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), bỏ hết các phân phủ. Huyện Thanh Miện sáp nhập vào phủ Bình Giang. Huyện Vĩnh Bảo sáp nhập vào phủ Ninh Giang. Huyện Thanh Lâm sáp nhập vào phủ Nam Sách. Huyện Thanh Hà nhập với huyện Tiên Minh. Huyện Đông Triều sáp nhập vào phủ Kinh Môn. Huyện An Dương sáp nhập vào phủ Kiến Thụy. Huyện Kim Thành nhập với huyện An Lão. Toàn tỉnh còn 5 phủ, 19 huyện.
Đời vua Tự Đức địa giới tỉnh Hải Dương như sau:
Từ đông sang tây dài 132 dặm (66 km). Từ nam sang bắc dài 100 dặm (50 km). Phía đông đến địa giới huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Yên dài 74 dặm (37 km). Phía tây đến địa giới huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh dài 58 dặm (29 km). Phía nam đến hai huyện Phượng Nhỡn, Quế Dương tỉnh Bắc Ninh dài 47 dặm (23,5 km). Phía đông nam đến cửa biển Văn Úc (tên cũ là Dương Úc) huyện Tiên Minh dài 81 dặm (40,5 km). Phía đông bắc đến địa giới huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên dài 113 dặm (56,5 km). Phía tây nam đến địa giới huyện Phù Cử tỉnh Hưng Yên dài 42 dặm (21 km). Phía tây bắc đến địa giới huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh dài 22 dặm (11 km).
(Theo Địa chí Hải Dương)