Năm 2018, sau bao nỗ lực, Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng được ra mắt. Để có nhiều bằng chứng lịch sử đưa ra công luận, các cuộc tìm kiếm, sưu tầm vẫn đang được tiến hành cho quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Suốt gần một tháng nay, các nhân viên Nhà trưng bày Hoàng Sa đang phân loại, bóc tách để chuẩn bị trưng bày bộ tài liệu đồ sộ được sao chụp từ Pháp. Người hiến tặng là một tiến sĩ vừa tròn 30 tuổi nhưng đã lang thang trên đất châu Âu để tìm kiếm tư liệu cho Hoàng Sa.
Tiến sĩ trẻ này là Lê Nam Trung Hiếu, giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.
Từ nỗi uất nghẹn Gạc Ma
TS Hiếu nói rằng có nhiều vấn đề lịch sử "như một củ hành tây, càng bóc vỏ tìm sự thật càng có nhiều lớp vỏ mới, và càng bóc càng cay mắt".
TS Hiếu kể từng là học sinh giỏi sử, nhưng anh đã không mấy chú ý tới biển đảo. Cho tới một ngày khi đang là sinh viên, tình cờ xem YouTube cảnh tàu chiến Trung Quốc dùng súng cao xạ thảm sát lính công binh Việt Nam đang giữ đảo của mình.
"Cái cảnh tàn khốc ấy ám ảnh tôi cả thời gian dài. Như mọi người Việt, tôi đau đớn trước cảnh đồng bào mình tiếp tục đổ máu trên chính quê hương" - Hiếu trải lòng.
Năm 2012, Hiếu bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học với kết quả 10/10 và được xét thẳng lên học tiến sĩ. Những hình ảnh vệ quốc bi tráng về Hoàng Sa 1974 hay Gạc Ma 1988 vẫn đau đáu trong anh.
Thành thạo tiếng Anh và tương đối tốt tiếng Pháp, Hiếu quyết định săn tìm học bổng để sang châu Âu tu nghiệp. Thẳm sâu trong anh là một ngày nào đó được tự tay lần giở và sao chụp từng tài liệu đặc biệt quý giá về Hoàng Sa, Trường Sa tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp.
Năm 2015, cơ hội đã đến khi Hiếu hai lần trúng tuyển học bổng từ chương trình Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu để trở thành nghiên cứu sinh trao đổi về chính trị học tại đại học Ghent, Vương quốc Bỉ (năm 2015), và về lịch sử và sử ký tại đại học Porto, Bồ Đào Nha (2016-2017).
Hai tuần "chạm tay" ước mơ ở Pháp
"Những môn học về chính trị học tại Ghent thường hướng chúng tôi tới việc trông cậy vào tòa án quốc tế, vào chứng cứ pháp lý được quốc tế công nhận... Vì vậy, tôi nghĩ rằng tìm kiếm các tài liệu gốc vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý là hướng đi hợp lý cho công cuộc đấu tranh vì chủ quyền đất nước" - Hiếu hồi tưởng.
Cuối năm 2016, Hiếu có quãng thời gian theo học tại Đại học Porto. Nơi Hiếu học cách nước Pháp một quãng không xa. Ước mơ "chạm tay" tới văn khố ANOM (Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp) đang rất gần.
Đầu tháng 7.2017, khi ở giai đoạn cuối của chương trình nghiên cứu sinh, tiến sĩ người Huế này đã quyết định dành hai tuần và chút học bổng ít ỏi để lên đường tới Aix-en-Provence, Cộng hòa Pháp. Đích đến chính là văn khố ANOM.
Hiếu kể rằng đứng trước tòa nhà chính của ANOM, anh đã rất xúc động bởi giấc mơ chạm tay vào các tư liệu Hoàng Sa. Thời gian dành cho Hiếu chỉ vẻn vẹn 14 ngày. Anh quyết định thuê một phòng trọ chung với bốn người khác cách thư viện chừng 4 cây số, mướn một xe đạp rồi dùng giấy tờ cá nhân của mình để xin vào văn khố.
"Mỗi ngày, thư viện mở cửa từ 9 giờ sáng và kết thúc lúc 16 giờ 45 chiều. Thời gian và tiền bạc khiêm tốn nên tôi gần như cắt giảm mọi chi phí phát sinh có thể, cố gắng chạy đua với thời gian để có thể vừa kịp đọc hiểu nội dung vừa kịp sao chụp tài liệu. Tôi chỉ nghĩ mình sẽ rất có lỗi nếu để lỡ một cơ hội như thế này.
Tôi chỉ về phòng trọ vào ban tối, còn trưa thì chạy ra mua ổ bánh mì dằn bụng, ăn xong lại chạy vào văn khố tìm tài liệu. Thậm chí, tôi cũng không quan tâm có lúc mình bị cảm do thời tiết nắng nóng, nhưng nhờ vậy tôi có được gần 4.000 trang tư liệu quý báu" - TS Hiếu kể.
Sự xuất hiện của Hiếu ở ANOM tới mức... gây phiền cho các nhân viên.
"Tôi dường như được tất cả nhân viên quen mặt. Mỗi lần tôi xuất hiện là họ lại nhún vai. Có người mỉm cười, cúi lưng chìa bàn tay như muốn nói rằng "à, tôi biết anh đến đây làm gì rồi, mời anh vào, văn khố này là của anh mà, phải không?"" - vị tiến sĩ trẻ kể trong sự hài hước.
Có lúc mọi thứ thuận lợi tới mức Hiếu tự đặt câu hỏi liệu có phải chính các tiền nhân đã chiến đấu, ngã xuống ở Hoàng Sa hiển linh chỉ mách cho anh hay không?
Anh cũng không quên cảm ơn những người đã đứng sau lưng mình: "Việc thu thập tư liệu này xuất phát hoàn toàn từ nhu cầu cá nhân của một nhóm anh em nghiên cứu trong nước và hải ngoại. Trong đó có đóng góp rất lớn của anh Nguyễn Thiện Khiêm, một nhà nghiên cứu độc lập tại Mỹ, đã định hướng thu thập và quản lý tư liệu, cũng như hỗ trợ tài chính cho hoạt động.
Nếu không có những người như anh, có lẽ tôi còn vất vả hơn nhiều".
Một trang tài liệu quan trọng về Biển Đông mà TS Hiếu chụp được ở Pháp
"Những viên đá lớn" xây cao thêm thư viện Hoàng Sa
Bộ tư liệu gốc của TS Hiếu bao gồm giai đoạn từ năm 1938 với tranh chấp Pháp - Nhật trên quần đảo Hoàng Sa đến đầu thập niên 50 của thế kỷ XX. Hồ sơ là các vấn đề liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà lúc này Pháp vẫn còn đang đại diện Việt Nam xử lý các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ.
"Đây là các tài liệu cơ bản quan trọng, chứng minh quá trình thiết lập và thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời thuộc địa và chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất" - TS Hiếu cho biết.
Nhóm tài liệu này tạo ra phông tư liệu tại chỗ cần thiết cho những người muốn tìm hiểu sâu về quá trình thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, thông qua các tài liệu lưu trữ bởi chính quyền Pháp.
Đặc biệt các vấn đề liên quan đến quá trình xâm nhập và chiếm đóng bất hợp pháp từng phần quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của một số quốc gia như Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
"Các tư liệu này rất cần thiết cho những người Việt Nam quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa trong tư cách là các tư liệu gốc đang phân tán rải rác trên thế giới. Tôi quyết định hiến tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa để làm sao ai tới đó cũng có thể xem, nghiên cứu" - TS Hiếu chia sẻ về tình yêu Tổ quốc của mình.
"Giải mã nhiều bí mật về cục diện Hoàng Sa, Trường Sa" Ngoài các trang tài liệu tại Pháp, TS Hiếu cũng đang thu thập tư liệu từ giải mật của CIA, Bộ Ngoại giao Mỹ và các yếu nhân trong bộ máy chính quyền Mỹ để cung cấp thêm những góc nhìn về Biển Đông. Đặc biệt trong đó là một số bản báo cáo tuyệt mật của CIA Mỹ (hiện đã được giải mã, công khai) vào năm 1950 ghi nhận rất rõ Chính phủ Hoa Kỳ, dù lúc này chưa chính thức nhảy vào Việt Nam, đã nắm rõ hành động và ý định của Trung Quốc khi đánh chiếm các đảo của Việt Nam. "Người Mỹ biết rất nhiều và nói rất ít. Những tư liệu này cho tới nay vẫn rất thiết thực. Tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc này" - TS Hiếu nói. |
Theo Tuổi trẻ
-----------------
Kỳ sau: Những kỷ vật thiêng liêng