Là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất tỉnh, các địa phương của huyện Tứ Kỳ đang nỗ lực tìm hướng đi mới cho cây trồng này.
Đất đai màu mỡ ven sông rất thuận lợi cho Tứ Kỳ phát triển các vùng trồng chuối
Diện tích lớn
Những bãi bồi ven các sông Luộc, Thái Bình ở nhiều xã của huyện Tứ Kỳ đã xuất hiện những vùng trồng chuối quy mô lớn. Đất đai phì nhiêu, giàu dinh dưỡng giúp cây chuối ở đây phát triển thuận lợi. Tại xã Hà Thanh, người dân trồng chuối thành ruộng lớn, cả ở các bờ vùng nuôi rươi, cá. Ông Nguyễn Trọng Tải, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Thanh cho biết hơn 10 năm trước tận dụng những bãi bồi ven sông bỏ hoang, nông dân trong xã đã cải tạo để trồng chuối. Sau đó diện tích trồng chuối được mở rộng ra nhiều thôn trong xã. Đến nay, Hà Thanh có khoảng 200 ha trồng chuối, tập trung ở 2 thôn Hữu Chung và Tri Lễ.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tứ Kỳ, toàn huyện có khoảng 700 ha chuối được trồng ở 10 xã, trong đó trồng nhiều ở các xã như Hà Thanh, An Thanh, Đại Sơn, Chí Minh, Phượng Kỳ, Tiên Động, Nguyên Giáp. Huyện có 137 ha trồng chuối ngoài bãi ở xã An Thanh đạt chứng nhận hữu cơ và 10 ha ở xã Hà Thanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Từ một số hộ trồng tự phát, tới nay nông dân Tứ Kỳ đã trồng chuối chuyên nghiệp, quy mô lớn ở nhiều nơi. Việc trồng loại cây này không mất quá nhiều công sức, lại cho thu hoạch ngay trong năm đầu nên diện tích trồng chuối ở đây ngày càng được mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Cảnh ở xã Nguyên Giáp cho biết: “Trước đây nông dân thường trồng chuối để giữ đất, cải tạo đất hoang thì nay chuối đã trở thành cây hàng hóa, diện tích tập trung tương đối lớn. Nhiều nhà vườn đã chọn mua cây giống chất lượng từ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (TP Hải Dương) hoặc Học viện Nông nghiệp. Nhờ chăm chút nên năng suất, chất lượng quả chuối ngày càng tăng lên”.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ xuất khẩu chuối với đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh (Ảnh do HTX cung cấp)
Hướng đến xuất khẩu
Ngoài tiêu thụ trong nước, những năm gần đây quả chuối của Tứ Kỳ qua tư thương theo đường tiểu ngạch bán sang Trung Quốc nhưng giá không cao.
Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh, thời gian gần đây các cơ quan chuyên môn của huyện Tứ Kỳ đã định hướng cho nông dân trồng cây này theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP để tiêu thụ thuận lợi hơn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Nguyễn Trọng Tải cho biết thêm: “Toàn xã có 10 ha chuối được cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào tháng 5.2022. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, ngày 23.10 vừa qua, HTX đã làm việc với đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh ký bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chuối của địa phương. Nếu hợp tác thành công, chuối của Hà Thanh sẽ được xuất khẩu sang Bangladesh và một số thị trường lớn khác. Doanh nghiệp đó có khả năng thu mua khoảng 28 tấn chuối/ngày để sơ chế, chế biến xuất khẩu. Đây là cơ hội lớn để vùng trồng chuối ở Hà Thanh nói riêng và Tứ Kỳ nói chung thay đổi”, ông Tải nói.
Tiềm năng trồng chuối ở địa phương khá lớn nhưng để đủ điều kiện xuất khẩu thì nông dân phải thay đổi tập quán canh tác. Ông Đặng Hồng Thái ở thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh cho biết: “Trồng chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là theo hướng hữu cơ, quả đều, mẫu mã đẹp, vị ngọt thanh nên rất nhiều thương lái đến thu mua. Nhưng thực tế hiện nay giá bán chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn không cao hơn nhiều so với chuối canh tác theo truyền thống. Điều này không hấp dẫn được nông dân tập trung trồng, chăm sóc để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Nông dân các vùng trồng chuối ở huyện Tứ Kỳ rất mong được chính quyền địa phương đầu tư, tạo điều kiện để xây dựng hoặc thu hút các doanh nghiệp đầu tư sơ chế, chế biến chuối xuất khẩu ngay tại vùng nguyên liệu. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cần hỗ trợ nông dân tìm hướng xuất khẩu cho loại quả này.
Anh Hà Văn Bẩy, chủ một doanh nghiệp ở xã An Thanh nêu ý tưởng: “Ngoài xuất khẩu tươi, chuối còn có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như: kẹo, sấy khô, sấy dẻo, nước ép, bánh… Tôi dự định sẽ mở một nhà máy theo mô hình này tại địa phương nhưng chưa tìm được địa điểm phù hợp”.
Xuất khẩu có thể là hướng đi mới và hiệu quả cho các vùng trồng chuối ở Tứ Kỳ. Hy vọng các cơ quan chức năng quan tâm tìm giải pháp phù hợp để phát triển cây trồng này theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
BẢO ANH