Tứ Kỳ quan tâm xây dựng các di tích lịch sử cách mạng

05/08/2016 13:50

Tứ Kỳ quan tâm xây dựng các điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tôn vinh công lao của thế hệ đi trước...



Các trường học ở xã Tân Kỳ thường xuyên đưa học sinh đến điểm di tích lịch sử cách mạng
tại chùa Phúc Duyên để giáo dục truyền thống


Những năm qua, huyện Tứ Kỳ đã quan tâm xây dựng các điểm di tích lịch sử cách mạng (LSCM) trên địa bàn, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tôn vinh công lao của thế hệ đi trước, tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Từ năm 2009 đến nay, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nhiều điểm di tích LSCM được đầu tư xây dựng. Huyện đã xây dựng 2 điểm di tích ở nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện ở thôn An Giang (xã Quang Phục) và đài kỷ niệm nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện tại đình La Tỉnh (thị trấn Tứ Kỳ). Để động viên các địa phương xây dựng các điểm di tích, huyện hỗ trợ 10-15 triệu đồng/di tích. Từ nguồn vốn mới này, các xã, thị trấn đã xây dựng 8 bia tưởng niệm, bia chiến thắng tại các điểm di tích. Các đài, bia kỷ niệm đều được xây dựng khang trang ở đúng nơi sự kiện diễn ra, có không gian rộng rãi, thuận tiện cho nhân dân đến tham quan. Ở các di tích đều ghi cụ thể, rõ ràng về nội dung sự kiện. Tổng kinh phí xây dựng mỗi công trình ít là vài chục triệu đồng, nhiều đến hơn 200 triệu đồng.

Các cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương rất ủng hộ việc xây dựng các điểm di tích LSCM. Do đó, phần lớn kinh phí xây dựng đều từ nguồn xã hội hóa. Ông Nguyễn Thế Phương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Kỳ cho biết: "Đến nay, 1 trong tổng số 4 điểm di tích LSCM của xã đã được xây dựng. Năm 2015, địa phương làm bia tưởng niệm tại chùa Phúc Duyên (nơi diễn ra Đại hội toàn thể đảng viên của Đảng bộ huyện Tứ Kỳ lần thứ II) với kinh phí hơn 220 triệu đồng. Ngoài số tiền 30 triệu đồng huyện hỗ trợ, kinh phí còn lại đều do cán bộ, đảng viên, người dân, tăng ni, phật tử ủng hộ. Người dân còn đóng góp hàng trăm ngày công".

Sau khi hoàn thành, các điểm di tích LSCM của huyện và các xã, thị trấn đã phát huy tác dụng thiết thực. Đây là hình thức giáo dục trực quan, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ về những giá trị lịch sử nơi mình sinh sống, qua đó bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước. Để mỗi di tích phát huy ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các xã, thị trấn đều chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn đưa sử dụng các điểm này trong chương trình giảng dạy lịch sử địa phương. Hằng năm, vào các ngày diễn ra sự kiện, nhiều cơ sở Đoàn, trường THCS, tiểu học tổ chức cho các em học sinh đến di tích tham quan, học tập.

Toàn huyện hiện còn 3 điểm di tích LSCM cấp huyện và 39 điểm di tích cấp cơ sở cần được xây dựng. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tứ Kỳ cho biết: "Từ nay đến năm 2020, địa phương đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng các điểm di tích LSCM còn lại của cấp huyện và cấp cơ sở. Các công trình đã xây dựng sẽ được tu bổ, sửa chữa thường xuyên. Để thực hiện được nhiệm vụ này, huyện đã xây dựng đề án tiếp tục xây dựng các điểm di tích LSCM giai đoạn 2016-2020". Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ 15% tổng giá trị công trình khi các địa phương xây dựng điểm di tích LSCM.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tứ Kỳ quan tâm xây dựng các di tích lịch sử cách mạng