Làm theo gương Bác

Tứ Kỳ nỗ lực thực hiện công việc đột phá

NGUYỄN THẢO - HOÀNG BIÊN 27/12/2023 06:00

Việc lựa chọn đúng, trúng và tập trung tổ chức thực hiện những việc đột phá góp phần tạo chuyển biến tích cực ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương).

00:00

z5008945614812_6f34ba922cddd7f6026a07b8906b2838.jpg
Huyện Tứ Kỳ chọn xây dựng các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, nông nghiệp hữu cơ là 1 nhiệm vụ đột phá trong năm 2023

Đột phá từ nông nghiệp hữu cơ

Huyện ủy Tứ Kỳ đã lựa chọn có từ 3-5 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được công nhận, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thêm 50-100 ha là 1 trong 2 công việc đột phá năm 2023.

Ban Thường vụ Huyện uỷ Tứ Kỳ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện cho công việc trên. Huyện coi đây là nhiệm vụ trọng tâm giúp nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp.

Qua rà soát ban đầu, huyện chọn 23 sản phẩm đặc thù của từng xã, từng khu làm cơ sở, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên biệt, mang dấu ấn riêng để khi nhắc tới Tứ Kỳ và các xã người ta sẽ nhớ ngay tới sản phẩm gắn liền với địa phương. Địa phương trích ngân sách gần 300 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao, 4 sao. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn các chủ thể thực hiện các khâu từ khảo sát, cấp giấy chứng nhận, nhận diện thương hiệu đến liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Ngày 20/12 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm, có 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên (vượt chỉ tiêu 18 sản phẩm), trong đó 3 sản phẩm đề nghị tỉnh công nhận OCOP 4 sao.

Việc mở rộng diện tích vùng hữu cơ, huyện giao cho cơ quan chuyên môn, UBND các xã An Thanh và Quang Trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích vùng hữu cơ phía trong đồng. Xã An Thanh triển khai thực hiện gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã về việc hỗ trợ, xây dựng hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với bao tiêu sản phẩm. Địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển từ cấy lúa truyền thống sang trồng lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi cáy. Hỗ trợ việc liên kết với các doanh nghiệp ở Hải Dương và TP Hà Nội để bao tiêu toàn bộ diện tích lúa hữu cơ ngay sau khi thu hoạch. Địa phương mời chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp cùng doanh nghiệp, hợp tác xã trong huyện bàn giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Riêng trong năm 2023, xã có hơn 300 hộ dân tham gia mô hình với quy mô 70 ha. Toàn huyện đã mở rộng thêm 110 ha vùng nông nghiệp hữu cơ, vượt 10% chỉ tiêu.

Ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết việc thực hiện công việc đột phá năm 2023 góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tứ Kỳ nhiệm kỳ 2020-2025 là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân địa phương, phát triển nền nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái. Tứ Kỳ đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích, chất lượng vùng sản xuất hữu cơ.

cancuocongdan-(1).jpg
Lực lượng công an, Đoàn Thanh niên xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) hướng dẫn người dân cấp căn cước công dân

Quyết liệt thực hiện Đề án 06

Công việc đột phá thứ 2 của Tứ Kỳ là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030”.

Huyện ủy, UBND huyện Tứ Kỳ đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo, văn bản hướng dẫn của cấp trên trong thực hiện Đề án 06. Huyện gắn trách nhiệm người đứng đầu các xã, thị trấn với kết quả thực hiện các nhiệm vụ của đề án. Để thuận tiện cho người dân kích hoạt, cài đặt các ứng dụng, phần mềm liên quan đến Đề án 06, cấp huyện và hầu hết cấp xã đều thành lập Tổ hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến. Thành viên trong tổ có mặt tại bộ phận "một cửa" các cấp để giúp người dân. Các xã còn niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR tại bộ phận “một cửa” song song với bản niêm yết giấy để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến…

Với vai trò nòng cốt trong việc thực hiện Đề án 06, Công an huyện Tứ Kỳ đã hoàn thành việc làm sạch cơ sở dữ liệu về dân cư, điện tử hóa tàng thư cư trú và thường xuyên cập nhật thông tin. Lực lượng công an cấp huyện, xã không quản ngại ngày đêm, ngày lễ, Tết để thu nhập, kích hoạt tài khoản định danh cho người dân, cài đặt ứng dụng VNeID.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Dương Hà Hải, lãnh đạo huyện thường xuyên rà soát, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Các địa phương chỉ đạo các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp lực lượng công an tuyên truyền, vận động, đưa đón người già yếu, bệnh tật đi làm hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Kết quả, Tứ Kỳ là 1 trong 4 đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử trong thực hiện Đề án 06 và là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức ngày hội công dân số. Đến nay, huyện đã cấp căn cước công dân cho 100% công dân đến độ tuổi và đủ điều kiện (9.080 công dân), cấp tài khoản định danh điện tử cho 101.792 công dân (vượt 3,5% chỉ tiêu tỉnh giao), bảo đảm toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 được thực hiện trực tuyến mức độ 3 và 4. Tất cả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được số hóa. Huyện hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện Đề án 06 do Tổ công tác Đề án 06 tỉnh giao. 100% dữ liệu hộ tịch được số hóa...

Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ cho biết với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay, 2 nhiệm vụ đột phá của huyện đã cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra. Đây là tiền đề quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

NGUYỄN THẢO - HOÀNG BIÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tứ Kỳ nỗ lực thực hiện công việc đột phá