Vài năm nay, với người dân ở nhiều làng quê của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), việc giữ cho làng xóm xanh-sạch-đẹp đã trở thành thói quen.
Hơn 1 tháng, đóng cửa 6/7 bãi rác ở một xã
Từng giống nhiều địa phương khác, xã Minh Đức có 7 thôn và thôn nào cũng có một bãi chứa rác thải. Tình trạng bãi rác đầy tràn, ùn ứ, hôi thối, khói bụi từ việc đốt rác khiến bao người dân bức bối khó chịu, lãnh đạo xã trăn trở.
Đầu năm nay, Đảng ủy xã thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, hoàn thiện dịch vụ quản lý, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Minh Đức năm 2024.
Ngay sau đó, UBND xã xây dựng ngay kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện. Xã cũng thành lập tổ tuyên truyền vận động, tổ kiểm tra, xử lý những vi phạm về môi trường; Ủy ban MTTQ xã thành lập nhóm nòng cốt, thôn thành lập các tiểu ban…
Đồng chí Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Minh Đức chia sẻ: “Triển khai công việc này, ban đầu địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Để tháo gỡ, lãnh đạo xã đã thành lập các đoàn riêng, đi kiểm tra đột xuất, đến các hộ dân vừa tuyên truyền, vừa nhắc nhở để bà con hiểu được lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn. Được bà con đồng thuận, việc phân loại rác thải tại nguồn đến nay đã đi vào nền nếp”.
Bà Nguyễn Thị Yên ở thôn Trúc Văn, xã Minh Đức có 3 sào vườn. Từ ngày được tuyên truyền phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình, bà đào hố, phân loại rác theo hướng dẫn. Nguồn rác hữu cơ bà đem ủ và bón cho cây. “Hố rác tôi đào ngay trong vườn, có nắp kín nên không có ruồi muỗi bâu, không có mùi hôi thối, môi trường sạch sẽ hơn mà cây trồng được bón phân hữu cơ cũng xanh tốt và an toàn”, bà Yên nói.
Toàn xã Minh Đức hiện đã có hơn 3.200 hộ thực hiện thường xuyên, có hiệu quả việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại gia đình, đạt 95% tổng số hộ. Lượng rác thải giảm đáng kể, chỉ còn 1/3 lượng chất thải rắn sinh hoạt cần vận chuyển xử lý. Địa phương cũng đã giải thể cả 7 tổ thu gom ở 7 thôn và thành lập 1 Tổ dịch vụ môi trường xanh Minh Đức để quản lý, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho các hộ trong toàn xã.
Như vậy chỉ sau hơn 1 tháng từ ngày 22/2/2024 ban hành nghị quyết đến ngày 1/4/2024, UBND xã Minh Đức đã cắm biển đóng cửa không tiếp nhận rác, đồng thời tổ chức san lấp, trồng cây tại 6 bãi rác ở các thôn Văn Sự, Mép, Trúc Văn, Vạn, Cự Lộc, Quàn. Chỉ còn 1 bãi rác ở thôn Phúc Lâm tiếp nhận rác vô cơ của toàn xã. UBND huyện Tứ Kỳ đã quyết định hỗ trợ 500 triệu đồng để san lấp các hố rác, hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng trạm trung chuyển rác tại bãi rác thôn Phúc Lâm.
Minh Đức và Quang Khải là hai địa phương triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình trong toàn xã. Xã Quang Khải đã có trên 2.200 hộ tham gia phân loại rác tại gia đình, đạt 99,8%. Lượng rác thải trên địa bàn xã giảm được 60% sau phân loại (năm 2023 giảm được 45%). Địa phương này cũng đã đóng cửa được bãi rác ở thôn Hữu Tỉnh, đóng cửa một phần bãi rác ở hai thôn Tân Quang và Vũ Xá. Dù gặp nhiều khó khăn về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao nhưng riêng tiêu chí môi trường địa phương này đã đạt từ lâu.
Năm 2023, toàn huyện Tứ Kỳ có 67 bãi chôn lấp rác thải tập trung, đến hết tháng 9 này còn 59 bãi. Những bãi rác tồn tại đều thường xuyên được san gạt, chỉnh trang, phun rắc chế phẩm vi sinh để hạn chế ruồi, muỗi, mùi hôi... Riêng đối với thị trấn Tứ Kỳ, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí (mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng) để vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tới nhà máy xử lý.
Toàn dân cùng tham gia
Sau bão khoảng 2 tuần, nhiều con đường quê ở Tứ Kỳ tuy không còn được rực rỡ sắc hoa hay xanh mướt những hàng cây như trước bởi bị bão tàn phá nhưng vẫn giữ được vẻ phong quang, sạch sẽ. Trên đường vào xã Quang Khải, dọc hai bên là sắc hoa tím. Chị Cao Thị Thuý, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết Tứ Kỳ có nhiều con đường hoa rất đẹp, đều là công sức chăm sóc của người dân. Không chỉ trồng, chăm sóc những con đường hoa, công tác bảo vệ môi trường ở Tứ Kỳ có chuyển biến rõ nét bởi sự quyết liệt trong chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân.
Xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Ban Thường vụ Huyện ủy Tứ Kỳ đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/HU ngày 29/12/2023 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện vì một Tứ Kỳ xanh - sạch - đẹp - văn minh năm 2024. UBND huyện cũng đã ban hành Đề án "Xử lý rác thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn giai đoạn 2021-2025". UBND các xã, thị trấn cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đoàn thể (nòng cốt là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên) và thôn tổ chức tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân của địa phương để thực hiện.
Các xã, thị trấn cũng đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó cấp ủy, chính quyền các xã đều tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện các tiêu chí như công tác phân loại rác thải tại nguồn, củng cố tổ thu gom rác thải, thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng, thu gom rác thải ven đường, ao, kênh mương, xử lý các điểm xả rác thải vi phạm...
Từ đầu năm đến nay, các địa phương ở Tứ Kỳ đều ra quân mở đợt cao điểm thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vệ sinh đồng ruộng, thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, vớt rác tại kênh mương nội đồng, xoá bỏ các điểm tập kết rác thải vi phạm, các nơi công cộng vào chủ nhật tuần thứ hai của mỗi tháng. Nhiều địa phương còn tổ chức 2 lần/tháng. Đồng thời tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường, trong đó tập trung xử lý các vi phạm xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định.
Toàn huyện có 85 tổ thu gom rác thải, tần suất thu gom tiếp tục được cải thiện và kịp thời hơn (2-3 lần/tuần). Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn các xã, thị trấn đều đã được thu gom, vận chuyển để chôn lấp theo quy định. Tình trạng vứt rác thải tại các khu vực công cộng đã giảm rõ rệt. 9 tháng năm nay, huyện cũng đã hỗ trợ vật tư, chế phẩm sinh học phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho các địa phương với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng.
Năm nay, huyện cũng đã trồng thêm được 2 tuyến đường cây ở các xã Hà Kỳ, Ngọc Kỳ. Xã An Thanh trồng thêm được 5 tuyến đường hoa với 500 cây hoa ban và 2.000 cây keo. Toàn huyện đã trồng thêm được 96.000 cây xanh hưởng ứng Tết trồng cây...
NGÂN HẠNH