Tứ Kỳ - mùa xuân gọi

27/01/2023 10:00

Phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, người Tứ Kỳ đang đi tìm những giá trị lớn hơn của đồng đất quê hương, biến nông nghiệp đơn thuần thành nông nghiệp đa giá trị.


Lăng bà Bổi Lạng nằm tại cánh đồng thôn Đông Phong, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Lăng được xây dựng từ thế kỷ XVII với kiến trúc nghệ thuật đặc sắc


Sản vật địa phương

Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, Tứ Kỳ mang dấu ấn văn hóa phù sa sông Thái Bình. Đây là điều kiện thuận lợi, quý giá không chỉ về vị trí địa lý, nông hóa, thổ nhưỡng mà còn về nguồn nước để huyện phát triển ngành kinh tế nông nghiệp đa giá trị. 

Đến Tứ Kỳ chắc hẳn nhiều người sẽ hỏi nơi ấy có gì? Tứ Kỳ có rất nhiều đặc sản. Đầu tiên phải kể đến con rươi, một đặc sản mà ít địa phương có được. Con rươi là “lộc trời” của người dân nơi đây. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, Tứ Kỳ có diện tích khai thác rươi rộng lớn và hiện nay người dân ở đây đã biết cách quảng bá thương hiệu và chế biến sẵn được nhiều món đặc sản như chả rươi, nem rươi, rươi kho, mắm rươi… để chiều lòng thực khách phương xa. 

Ngoài đặc sản từ con rươi, ở Tứ Kỳ, nông dân còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp giá trị khác như gạo bãi rươi, gạo ST25, chuối tây, mít, chim bồ câu nuôi thảo dược, nấm sò, nấm mỡ, đông trùng hạ thảo... Gạo ST25, một loại gạo thơm ngon nhất nhì thế giới. Điều đặc biệt lúa, gạo ST25 còn được cấy theo phương pháp hữu cơ ở chính những vùng được coi là thủ phủ của rươi, của cáy nên không chỉ ngon mà còn sạch. 

Câu cáy là một trong những trải nghiệm thú vị khi đến với đồng quê Tứ Kỳ


Cá sạch Tứ Kỳ cũng đã từng được nhiều người biết đến. Phát huy tiềm năng, huyện đang tập trung đầu tư vùng nuôi thủy sản công nghệ cao ở các xã Tân Kỳ, Quang Phục, Kỳ Sơn. Với ước vọng đưa Tứ Kỳ trở thành vựa thủy sản lớn của tỉnh, từ chính quyền đến từng người dân nơi đây đang nỗ lực từng ngày. Phù sa châu thổ sông Hồng cũng đã vun đắp cho Tứ Kỳ những vùng đất có thể ươm mầm cho cây chuối phát triển tốt tươi. Vì thế, Tứ Kỳ cũng là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất nhì của Hải Dương. Chuối Tứ Kỳ được ưu ái về chất lượng nên đã được không ít doanh nghiệp tìm đến đầu tư và thu mua. Hơn 10 ha vùng chuối An Thanh đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Vì chất lượng, vì sự khác biệt mà nhiều nông sản của địa phương này đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. 

Tứ Kỳ có những triền đê yên bình


Du lịch nông thôn 

Với những lợi thế tự nhiên hiếm nơi nào có được, Tứ Kỳ xác định vừa phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm. Là khách phương xa đến Tứ Kỳ nhiều người sẽ bị hút hồn bởi những vùng quê yên bình với sông nước mênh mông, cây xanh rợp bóng. Du khách thỏa sức chiêm ngưỡng những di tích lịch sử với kiến trúc độc đáo gắn với những nhân vật kiệt xuất của địa phương. Tứ Kỳ còn có những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm và những nghệ nhân khéo léo, tinh tế như nghề dệt chiếu cói Thanh Kỳ ở xã An Thanh; thêu ren Xuân Nẻo ở xã Hưng Đạo. Nghề tre đan ít nơi còn duy trì do có các sản phẩm gia dụng khác thay thế nhưng ở khu dân cư An Nhân (thị trấn Tứ Kỳ) người dân vẫn yêu mến duy trì nghề thủ công truyền thống này. 

Con rươi - một trong những đặc sản nổi tiếng của Tứ Kỳ


Đến Tứ Kỳ ngoài nghe chuyện con rươi, con cáy, con cá, cây ăn quả, các làng nghề truyền thống, du khách còn có những trải nghiệm thú vị khi được tham gia lễ hội lúa rươi, được tắm mình dưới dòng sông Sồi xanh mát, được đùa nơm bắt cá, thư thái ngắm cảnh trên triền đê sông Thái Bình bên những vạt cỏ hồng, những cánh đồng hoa hay vừa nhâm nhi bát trà xanh nồng ấm và vừa được trải nghiệm du lịch ở một miền quê yên bình, xanh mát và đáng sống. 

Đến vùng đất này du khách có thể thăm vùng sản xuất lúa hữu cơ, cùng nông dân tập câu cáy, vớt rươi. Đặc biệt hơn du khách có thể tự tay chế biến và thưởng thức những món ngon từ đồng quê nơi đây.

Nắm rõ lợi thế này, huyện Tứ Kỳ đã xây dựng Đề án "Xây dựng và phát triển du lịch huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2021-2025". 9 xã sẽ là điểm du lịch với các sản phẩm chủ yếu để định hướng đầu tư và khai thác gồm Hưng Đạo (làng nghề thêu ren, đình - đền Lạc Dục), Bình Lãng (Lăng bà Bổi Lạng), Quang Phục (vùng nuôi thuỷ sản, mô hình trồng nấm), Tân Kỳ (vùng nuôi thuỷ sản công nghệ cao), Quang Khải (vùng trồng hoa sen), An Thanh (nông nghiệp hữu cơ), Tiên Động (hàng dừa, nuôi thuỷ sản), Hà Thanh và Hà Kỳ (nuôi thuỷ sản)…

Năm mới đã đến, hy vọng mùa xuân Quý Mão đến Tứ Kỳ sẽ khởi sắc. 

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tứ Kỳ - mùa xuân gọi