Tứ Kỳ lo xâm nhập mặn

08/01/2021 18:03

Khoảng 2 năm trở lại đây, một số xã ven sông của huyện Tứ Kỳ đều xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn. Độ mặn cao vượt nhiều lần cho phép ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.


Xã An Thanh đưa giống lúa có khả năng chịu mặn vào cấy thử nghiệm ở vùng ngoài bãi sông

Độ mặn cao

Có nhiều năm canh tác lúa hữu cơ bãi rươi nhưng chưa vụ nào ông Phạm Xuân Thưởng ở thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh lại chịu hụt thu nghiêm trọng như vụ chiêm xuân năm 2020. Hơn 3 mẫu lúa hữu cơ của ông chỉ thu được 4 tạ thay vì 4 tấn thóc như những vụ trước. Tháng 2.2020, nước sông Thái Bình khu vực hạ lưu bị nhiễm mặn với tỷ lệ cao, làm cho toàn bộ diện tích lúa hữu cơ ngoài bãi rươi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh thì tạm ngừng phát triển, thối nõn. Sau đợt ấy, tôi phải khống chế lượng nước vào ruộng, tích cực chăm sóc, bón thúc nhưng năng suất vẫn giảm mạnh. Nhiều hộ còn không được thu hoạch", ông Thưởng nói.

Theo thống kê của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh, tình trạng xâm nhập mặn với tỷ lệ cao xảy ra từ năm 2019. Đặc biệt, vụ chiêm xuân năm 2020, cả xã có hơn 137 ha lúa ngoài bãi sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất lúa giảm từ 15 - 20% so với các vụ trước. 

Xâm nhập mặn còn xảy ra ở nhiều xã ven sông của huyện Tứ Kỳ. Tại xã Nguyên Giáp, đầu năm 2020 khi người dân lấy nước ngoài sông Luộc để tưới cho cây vụ đông thì nước bị nhiễm mặn. 20 ha khoai tây trồng trong bối bị ảnh hưởng bởi đợt mặn này, năng suất giảm khoảng 50% so với các vụ trước. Ông Bùi Hữu Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nguyên Giáp chia sẻ: "Mặc dù nằm ở ven sông và có hệ thống kênh mương tương đối hoàn chỉnh nhưng xã gặp nhiều khó khăn trong việc điều tiết nước tưới. Đặc biệt những năm gần đây, độ mặn tăng cao, có lúc không có nước tưới. Vụ chiêm xuân năm 2020, nếu không có trận mưa vào ngày mùng 1 Tết thì nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã không thể cày cấy".

Khoảng giữa tháng 1.2020, cống Cầu Xe ở xã Quang Trung và cống An Thổ ở xã Hà Thanh bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Độ mặn cao nhất đạt tới 4‰, vượt mức cho phép nhiều lần. Nếu sử dụng nguồn nước nhiễm mặn này để đổ ải sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa. Năm 2020 xâm nhập mặn xảy ra sớm và độ mặn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vụ chiêm xuân năm nay, có gần 500 ha lúa ở các xã Hà Thanh, Nguyên Giáp và khu vực ngoài bãi sông xã An Thanh bị nhiễm mặn nhẹ, ảnh hưởng tới sự phát triển của lúa.

Thích ứng

Theo số liệu của hệ thống điều hành thủy lợi Bắc Hưng Hải, từ ngày 1.1.2021, tình trạng mặn đã xuất hiện tại cống Cầu Xe và An Thổ. Độ mặn dao động từ 0,1 - 0,4‰, cao nhất là 1,2‰ đo được vào lúc 7 giờ ngày 2.1. Với độ mặn dưới 1‰, chất lượng nước vẫn bảo đảm phục vụ tưới tiêu; độ mặn cao từ 1‰ trở lên cần dừng lấy nước, không để mặn xâm nhập nội đồng. Theo dự báo, vụ chiêm xuân năm nay tiếp tục ít mưa, mực nước sông trục ở mức thấp. Vùng cửa sông cần đề phòng xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng. Mực nước sông thấp kết hợp thủy triều nên độ mặn các sông khu vực hạ lưu sẽ cao nhất vào các kỳ triều cường. Độ mặn cao nhất có thể xảy ra vào tháng 1.2021.

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp, vụ này xã An Thanh đã cấy thử nghiệm 10 ha giống lúa Tiền Hải 1 ở vùng bãi ven sông. Đây là giống lúa có khả năng chịu được mặn, cho năng suất và chất lượng gạo thơm ngon tương đương với Bắc thơm số 7. "Dự báo, xâm nhập mặn sẽ ngày càng cao hơn trước. Để chủ động, xã đã đưa một số giống lúa có khả năng chịu mặn vào sản xuất, nếu thành công sẽ mở rộng diện tích cấy đại trà", ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh cho biết. 

Việc lấy nước từ sông ngoài để phục vụ sản xuất cũng cần tránh thời điểm nước bị nhiễm mặn. Theo kinh nghiệm của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nguyên Giáp, tình trạng nước bị nhiễm mặn thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Để tránh tình trạng lấy phải nước mặn khi đổ ải, khoảng 3 ngày sau khi các hồ thủy điện xả lũ, độ mặn trong nước giảm, HTX tranh thủ mở cửa cống dưới đê để lấy nước phục vụ sản xuất. Ngoài kinh nghiệm, các địa phương có thể theo dõi độ mặn của nước dựa trên trang thông tin điều hành hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ cho biết: "Vụ chiêm xuân năm nay lo nhất là tình trạng xâm nhập mặn ở các xã ven sông. Các địa phương cần theo dõi sát tình hình nhiễm mặn tại các cửa cống, kiểm tra kỹ độ mặn trước khi mở cửa cống lấy nước, tuyệt đối không đưa nước nhiễm mặn vào hệ thống kênh trục nội đồng". 

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Tứ Kỳ lo xâm nhập mặn